Người cổ đại cũng mắc ung thư
Cuối cùng, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm ra được căn bệnh bí ẩn gây nên cái chết của M1 (xác ướp 2.150 năm tuổi). Đây là trường hợp được biết đến lâu đời nhất của ung thư tuyến tiền liệt ở Ai Cập cổ đại và là trường hợp thứ hai của thế giới cổ đại.
Khoảng 2250 năm trước đây ở Ai Cập, người đàn ông này đã phải đấu tranh với một căn bệnh kỳ lạ và vô cùng đau đớn. Cơn đau âm ỉ bắt đầu ở lưng rồi lan đến các bộ phận khác trên cơ thể. Người đàn ông sau đó qua đời vì căn bệnh khó hiểu này trong độ tuổi khoảng 51 đến 60 và được tiến hành ướp xác với hy vọng ông có thể tái sinh.
Tiến hành chụp cắt lớp phần xương sống thắt lưng của xác ướp M1, các nhà khoa học phát hiện thấy dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt. (Ảnh: Imagens Médicas Integradas) |
Hơn 2000 năm sau, điều bí ẩn về nguyên nhân cái chết đã được làm sáng tỏ. Không ít người cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng ung thư tuyến tiền liệt chính là “thủ phạm” giấu mặt.
Nhóm khoa học cũng cho biết trong nhiều nghiên cứu trước đây, quá trình phân tích các bộ xương đã bỏ qua việc đánh giá tỷ lệ mắc ung thư vì phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT) với độ phân giải cao cho phép nhận biết các khối u rất nhỏ, mới chỉ bắt đầu phổ biến từ năm 2005.
Sau khi tiến hành quét trên ba xác ướp Ai Cập, nhóm nghiên cứu phát hiện ra nhiều khối u nhỏ, tròn, dày đặc trong xương chậu, xương sống ở thắt lưng cũng như ở phần cánh tay phía trên và xương chân của M1. Đây là những khu vực thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự di căn của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Trước đó, những trường hợp được ghi nhận mắc ung thư trong thế giới cổ đại là rất hiếm.
Nhiều người tin rằng ung thư chỉ bắt đầu xuất hiện và phát triển trong thời đại công nghiệp hiện đại, khi các chất gây ung thư ngày càng phổ biến trong thực phẩm và môi trường sống. Bên cạnh đó, tuổi thọ của con người kéo dài cũng là điều kiện cho các khối u có nhiều thời gian để phát triển.
Tuy nhiên, ông Albert Zink, một nhà nhân chủng học tại Viện nghiên cứu Xác ướp và Người băng ở Bolzano (Italy), cho biết các chất gây ung thư không hề xa lạ trong thời kỳ cổ đại.
Ví dụ, lớp bồ hóng (mảng bụi đen đóng lại trên vách bếp, nóc bếp) từ các bếp lửa sử dụng gỗ có chứa chất gây ung thư ở người. Ngoài ra, loại nhựa mà những người chế tạo thuyền đun nóng và sử dụng cũng có liên quan đến ung thư phổi và các khối u ở đường hô hấp, đường ruột.
“Tôi nghĩ rằng ung thư là căn bệnh khá phổ biến trong quá khứ”, Zink khẳng định.
Phát hiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu nguồn gốc của ung thư cũng như mối quan hệ qua lại phức tạp giữa môi trường, chế độ ăn uống và các gene gây bệnh. “Chắc chắn rằng sự hiểu biết tốt hơn về nguồn gốc căn bệnh sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm ra cách chữa trị”, Zink kết luận.