‘Thế giới đang đối mặt với khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất’
Đó là tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Anh về cuộc khủng hoảng tài chính mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.
Ông Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Anh đưa ra tuyên bố trên sau quyết định bơm 75 tỉ Euro vào nền kinh tế của Ủy ban chính sách tiền tệ, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tín dụng mới và tình trạng suy thoái kinh tế của Vương quốc Anh.
Ông Mervyn King – Thống đốc Ngân hàng Anh. |
Theo ông Mervyn, ngân hàng buộc phải hành động vì nhận thấy những dấu hiệu ngày càng rõ ràng về một thảm họa kinh tế toàn cầu. “Đây là cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất mà chúng ta từng thấy kể từ năm 1930. Chúng ta phải đối phó với những hoàn cảnh hết sức khác thường, nhưng phải hành động bình tĩnh và đúng đắn”, Mervyn nói.
Thông báo về quyết định của mình, Ngân hàng Anh cho biết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro đã tạo ra “những căng thẳng nghiêm trọng trong thị trường tài chính và thị trường tín dụng”. Chính vì thế, việc bơm tiền vào nền kinh tế là cần thiết.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng động thái này của Ủy ban chính sách tiền tệ sẽ là thảm họa đối với công nhân, những người gửi tiết kiệm và công chức chuẩn bị về hưu. Tuy nhiên, ông Mervyn cho rằng đó là cái giá cần phải trả để cứu nền kinh tế khỏi tình trạng suy thoái.
Theo đó, ngân hàng sẽ in tiền mới và sử dụng chúng để mua trái phiếu chính phủ hoặc các khoản nợ từ các ngân hàng. Trên lí thuyết, các ngân hàng sẽ sử dụng khoản tiền mặt đó cho các tổ chức và cá nhân vay để sản xuất, phát triển.
Trong khi đó, các nhà phê bình cho rằng chính sách này sẽ làm lạm phát gia tăng cũng như hạ giá đồng Bảng Anh.
Quyết định của ngân hàng được đưa ra sau những áp lực chính trị từ các Bộ trưởng, lo ngại rằng ông Mervyn không phản ứng kịp thời với triển vọng nền kinh tế toàn cầu đang ngày một xấu.
HỒNG DUY
Theo Bưu điện Việt Nam