Biểu tình “Chiếm phố Wall”: 4 tuần vẫn chưa lắng dịu
Có những dự báo khác nhau về ảnh hưởng của phong trào biểu tình ở Mỹ.
Hôm qua, đám đông biểu tình tham gia phong trào phản đối Phố Wall, bắt đầu tại New York trong tháng qua, đã đông lên.
Các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng từ quận tài chính phố Wall ở thành phố New York sang các thành phố khác và không có dấu hiệu lắng dịu.
Giới hoạt động tích cực tập trung tại Freedom Plaza và tuần hành đến Nhà Trắng, họ đưa ra nhiều đòi hỏi, bao gồm cải cách kinh tế và chấm dứt sự can dự của Mỹ vào các cuộc tranh chấp ở nước ngoài. Một số người biểu tình đã cắm trại qua đêm tại quảng trường này.
Những người biểu tình ở thủ đô Washington hưởng ứng những đòi hỏi của phong trào “Chiếm Phố Wall”.
Phong trào “Chiếm Phố Wall” được phát động từ ngày 17/9 với sự xuất hiện của nhiều nhóm biểu tình ít người và từ đó đã phát triển mạnh với sự hỗ trợ của các công đoàn.
Nhiều người biểu tình tỏ thái độ bất bình về tình trạng mà theo họ thiểu số 1% trong dân số lại độc quyền chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ.
Một khẩu hiệu thường được nghe trong các cuộc biểu tình chống Phố Wall là “chúng tôi tượng trưng cho 99% dân số còn lại.”
Tổng thống Barack Obama thừa nhận các cuộc biểu tình này tại một cuộc họp báo hôm qua. Ông Obama nói đây là dấu hiệu của sự bất bình mà nhiều người Mỹ cảm thấy đối với hệ thống tài chính bị họ đổ lỗi là gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.
Theo Giáo sư Patrick Bolton của Columbia Business School, cuộc biểu tình “Chiếm phố Wall” không mang cảm hứng của các cuộc biểu tình như ở Ai Cập và phong trào 15-M ở Tây Ban Nha.
Ông tin rằng cuộc biểu tình này sẽ không kéo dài và hầu như không tác động đến hệ thống hiện hành.
Tuy nhiên, ông Jean Cohen, giáo sư chính trị học và ông John Dinges, giáo sư khoa báo chí của Đại học Columbia không đồng ý với nhận định trên.
Họ dự báo phong trào biểu tình ở Mỹ sẽ tác động lâu dài tới các nhà làm luật Mỹ và cuối cùng, buộc họ phải có những bước đi đúng.
Việt Hà
Theo Reuters, Xinhua