Số phận bi thảm của các đại mỹ nam Trung Hoa cổ đại

28/09/11, 01:13 Tin Tổng Hợp

Phan An ở thành Lạc Dương, đẹp trai đến nỗi mỗi lần cưỡi xe ra ngoài chơi đều bị phụ nữ từ trẻ đến già chạy theo xem mặt, nhiều đến nỗi chàng không dám bước ra khỏi xe.

 

Sử sách Trung Hoa đời nào cũng ghi danh rất nhiều mỹ nữ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Dù số lượng khiêm tốn hơn nhưng những mỹ nam nổi tiếng về dung mạo cũng được khắc họa đậm nét và trở thành biểu tượng sinh động được nhiều người đời sau nhắc đến.

Điểm chung của những mỹ nam này là không chỉ đẹp mà còn có tài năng, khí chất hơn người, nên mới được nhắc đến và trở thành biểu tượng cho cái đẹp của giới mày râu. Tuy nhiên, dù có vinh hiển chốn quan trường hay oai hùng nơi trận mạc, cuối cùng hầu hết các mỹ nam đều có kết cục bi thảm: bị giết bằng những phương thức tàn độc như ép uống độc dược, xử trảm hoặc tru di tam tộc… Thậm chí có người phải chịu những cái chết tức cười hoặc chết già nơi xó nhà không ai biết đến. Thế mới biết câu người xưa thường nói “hồng nhan bạc phận” không chỉ ứng vào số kiếp những mỹ nữ mà cả những người đàn ông quá đẹp cũng không tránh khỏi.

Đứng đầu danh sách những mỹ nam của Trung Hoa cổ đại phải kể đến cặp đôi Phan An – Tống Ngọc, nói như nhiều người đời sau, nếu thời của Phan An – Tống Ngọc có thi Hoa vương thì chắc chắn hai vị này đoạt giải. Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp, các tác giả cũng thường so sánh nhân vật của mình “mạo tỷ Phan An”, “ngọc diện Phan An” hay “Tống Ngọc tái thế”… nhằm cho độc giả hình dung ra vẻ đẹp dị thường của nhân vật.

Phan An – ’Hoa vương cổ đại’ mê hoặc từ thiếu nữ đến ’nạ dòng’

Phan An (tên khác là Phan Nhạc), là người Hà Nam, sống vào thời Tây Tấn, được xem như một kỳ nhân của lịch sử Trung Quốc cổ đại. Phan An dung mạo rất đẹp, tinh thần và bản lĩnh cũng được ca ngợi, trong dân gian có câu: “mặt tựa Phan An” để miêu tả những người đàn ông đẹp.

Phan Anh qua nét vẽ của hậu thế.

Có rất nhiều giai thoại xung quanh vẻ đẹp của người đàn ông này. Phan An ở thành Lạc Dương, mỗi lần cưỡi xe ra ngoài chơi đều bị phụ nữ từ trẻ đến già chạy theo xem mặt, nhiều đến nỗi chàng không dám bước ra khỏi xe. Nhiều thiếu nữ quá si mê đã ném đầy hoa quả vào xe của chàng nên cứ mỗi lần trở về thì xe đầy những quả chín. Từ đó mà trong dân gian có câu nói “ném quả đầy xe”, được áp dụng cả trong văn chương để chỉ sự hâm mộ cái đẹp.

Dân gian còn thêu dệt nên một giai thoại về Phan An (cũng tương tự như giai thoại về nàng Tây Thi bị Đông Thi bắt chước): Vì vẻ đẹp của Phan An quá nổi tiếng, có một người dung mạo cực kỳ xấu xí tên là Trương Mạnh Dương cũng bắt chước dáng điệu Phan An và đi ra ngoài thành chơi, nhưng mỗi lần ra khỏi cửa thì các chị em đều nhổ nước bọt, ném đá vào xe của anh ta. Thế là, xe của anh ta chất đầy đá mà trở về.

Phan An mặc dù đẹp không đối thủ nhưng lại là một người đàn ông chung tình rất mực. Đính hôn từ năm hơn mười tuổi, đối với người vợ kết tóc xe tơ họ Dương, chàng hết sức thủy chung. Dương thị mất năm Nguyên Khang thứ 8 (298) khiến Phan An đau buồn triền miên, viết nên những bài từ điếu vong chứa đầy tình cảm son sắt keo sơn, và đây cũng chính là những bài hay nổi tiếng trong mảng đề tài này.

Vẻ đẹp của Phan An càng nổi tiếng vì chàng còn là một người tài hoa, văn chương thiên phú. Nhưng cuộc đời Phan An không tươi sáng như gương mặt được mọi người ái mộ. Càng trưởng thành, tài năng của Phan An càng xuất chúng, chàng bước vào quan lộ và cũng gặp nhiều thăng trầm. Cuối đời, Phan An rơi vào vòng xoáy của những âm mưu lớn trong triều đình, bị đổ tội tạo phản dẫn đến cơn loạn Bát vương và bị tru di tam tộc.

Tống Ngọc – chàng mặt đẹp xảo ngôn

Được xếp ngang hàng với Phan An về “nhan sắc”, Tống Ngọc là một trong hai đại mỹ nam nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù luôn được hậu thế ca tụng về vẻ đẹp khác người nhưng rất khó tìm thấy trong sử sách những miêu tả cụ thể về vẻ đẹp của mỹ nam này. Tống Ngọc nghiễm nhiên được người đời trao vương miện và trở thành hình tượng lớn mỗi khi nhắc đến vẻ đẹp của phái mày râu.

Tống Ngọc qua nét vẽ của hậu thế có phần yểu điệu,
phù hợp với miêu tả về tài ăn nói khéo léo đến mức xảo ngôn.

Hai từ “mỹ nam” miêu tả Tống Ngọc duy nhất xuất hiện trong bài phú “Đăng Đồ Tử háo sắc”: Đăng Đồ Tử bẩm báo Sở Vương rằng Tống Ngọc là một mỹ nam, rất biết ăn nói, nhưng bản tính háo sắc, nên đừng bao giờ để hắn đến hậu cung. Nghe như thế, Tống Ngọc liền xin Sở Vương công tâm suy xét, xem anh ta với Đăng Đồ Tử ai háo sắc hơn.

Tống Ngọc nói: “Mỹ nữ trong thiên hạ không đâu sánh bằng nước Sở. Mỹ nữ nước Sở không đâu sánh bằng quê hương thần. Mỹ nữ quê hương thần không đâu sánh bằng người đẹp cạnh nhà thần Đông Lân. Cô hàng xóm xinh đẹp này nếu cao thêm một phân thì quá cao, nếu bớt đi một phân thì quá thấp; nếu thoa thêm ít phấn thì quá trắng, thoa thêm ít son thì quá đỏ. Lông mày thì cong mượt, làn da thì trắng như tuyết, eo thon, răng trắng. Ngay cả một tuyệt thế giai nhân như vậy quan tâm đến thần suốt ba năm mà thần vẫn chưa xao lòng, thì không lẽ thần là người háo sắc? Ngược lại, Đăng Đồ Tử có người vợ xấu xí, đầu tóc rối bù, lỗ tai dị tật, hàm răng lởm chởm, môi trề, bước đi hụt trước thiếu sau, lại thêm lưng gù, người đầy mụn ghẻ. Đăng Đồ Tử thế mà lại thích cô ta, có liền 5 mụn con. Hoàng thượng thấy không, chỉ cần là phụ nữ thì Đăng Đồ Tử thích ngay, vì thế hắn ta háo sắc hơn thần”.

Miệng lưỡi của Tống Ngọc phi phàm như vậy đã làm cho Sở Vương đúng sai lẫn lộn, phán Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Từ đó, Đăng Đồ Tử phải mang tiếng xấu muôn đời, đời sau thường nhắc đến ba chữ “Đăng Đồ Tử” để chỉ những phường háo sắc.

Cũng như Phan An, Tống Ngọc rất giỏi thơ phú, tương truyền là đệ tử của Khuất Nguyên và tác phẩm tiêu biểu “Cửu biện” của Tống Ngọc được đánh giá là “ngang cơ” với “Ly Tao” của Khuất Nguyên trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nhưng Tống Ngọc không có duyên với quan trường, đến cuối đời cũng chưa từng được làm chức quan gì dù là nhỏ nhất, phải về quê sống nương vào ruộng vườn đến lúc chết già không được ai biết tới.

Trâu Kỵ – mỹ nam ’dị ứng’ với vẻ đẹp của chính mình

Thời Chiến quốc, Trâu Kỵ là một người đẹp trai rất nổi tiếng của nước Tề. Thân cao hơn 8 thước, dung mạo đẹp đẽ nhưng có điều đặc biệt là Trâu Kỵ không thích người ta cứ khen mãi vẻ ngoài của chàng mà muốn được công nhận là người có chiều sâu tư tưởng. Chàng cũng là người có tài năng thơ ca, văn chương nhưng tâm tính hướng nội nên hay trầm tư nghĩ ngợi mà gặp phải bất hạnh.

Trâu Kỵ qua hình dung của hậu thế.

Có giai thoại kể rằng, mỗi sáng khi thức dậy, mỹ nam nước Tề đứng trước chiếc gương đồng mà thầm hỏi một cách u uất: “Hỡi gương thần, hãy nói cho ta biết, ai là người đàn ông đẹp nhất nước Tề?’ Gương thần luôn trả lời: “Đến nay thì người vẫn là người đàn ông đẹp nhất nước Tề”. Nghe xong Trâu Kỵ khóc nức lên một cách rất thương tâm.

Cho đến một hôm, gương thần đột nhiên nói: “Cuối cùng thì người không còn là người đàn ông đẹp nhất nước Tề. Từ Công ở thành phía Bắc mới là người đàn ông đẹp nhất” khiến Trâu Kỵ cảm thấy rất hạnh phúc nhưng vẫn bán tín bán nghi. Chàng hỏi vợ và tỳ thiếp: “Giữa ta và Từ Công ai đẹp hơn?” nhưng lại nhận được câu trả lời là chàng đẹp nhất.

Lòng đầy nghi hoặc, Trâu Kỵ gặp Từ Công và cùng Từ Công đến gặp vua Tề Uy, kể lại sự tình. Hôm sau, Tề Uy vương triệu Trâu Kỵ vào diện kiến, thì thầm với Trâu Kỵ: “Ái khanh lại là một người đẹp nhất nước Tề đấy! Quả nhân đã huỷ dung nhan của tên Từ Công rồi”.

Trâu Kỵ nghe xong trở nên điên loạn, từ đó ai gặp chỉ còn thấy một người ngờ ngệch, nói đi nói lại một câu: “Ta chỉ muốn là một người biết suy nghĩ thôi mà!”. Bi kịch của mỹ nam này cũng thật đặc biệt giống như dung mạo của chàng vậy.

Lan Lăng Vương – mỹ nam sau chiếc mặt nạ sắt

Tạo hình Lan Lăng vương qua hình
dung của đời sau.

Còn có tên là Cao Trường Cung, Cao Hiếu Quán, người đời Bắc Triều. Xuất thân trong một gia đình truyền thống quan võ, Lan Lăng vương rất kiêu dũng, thiện chiến, có ý chí chiến đấu mãnh liệt. Lan Lăng vương được gọi là tuyệt thế mỹ nam vì có gương mặt xinh xắn, dịu dàng, da trắng như con gái, một nét đẹp đầy nữ tính khác hẳn vẻ đẹp mạnh mẽ của các võ tướng. Vẻ đẹp yếu đuối này thực không hợp với chốn binh đao, dễ bị mang ra chế giễu, xem thường. Bởi thế, Lan Lăng vương khi ra trận luôn phải đeo chiếc mặt nạ dữ dằn bằng sắt.

Dân gian thường truyền tụng một câu chuyện nổi tiếng về vẻ đẹp khác thường khiến chàng không cần đánh cũng thắng giặc như sau: Một lần đi cứu viện Lạc Dương, chàng cùng năm trăm kỵ sĩ, xông qua vòng vây của quân Chu, đột nhập vào thành Lạc Dương. Các binh lính trên thành không nhận ra là ai, cứ chần chừ vì hoài nghi đó là mưu kế của quân địch. Lan Lăng vương bèn cởi bỏ mặt nạ để cho binh lính nhìn thấy rõ diện mạo của mình. Binh lính trên thành lòng bỗng rúng động vì trông thấy dung mạo đẹp ngời sáng, hơn trăm cung thủ bước đến nghênh đón. Thế là quân Chu nhanh chóng bị đuổi chạy.

Về sau, Lan Lăng vương bị hoàng đế Cao Vỹ giết chết vì hiểu làm chàng có ý đồ làm phản, lúc ấy chàng khoảng ba mươi tuổi. Chàng mất đi để lại Trịnh vương phi goá bụa, sớm hôm sống trong đau khổ cùng cực. Nàng bèn quy y nơi cửa Phật và sống hết đời tại đấy.

Tử Đô – sắc đẹp mê hoặc cả thánh nhân

Tử Đô tên thật là Công Tôn Yên, sống ở thời Xuân thu Chiến quốc. Miêu tả vẻ đẹp của Tử Đô, sách Mạnh Tử viết: “Nói đến Tử Đô, trong thiên hạ này không ai không biết đến vẻ đẹp của chàng. Ai không biết đến vẻ đẹp của Tử Đô thì chẳng khác gì kẻ đui mù”.

Còn trong Kinh Thi có câu: “Núi cao có Phù Tô, vùng trũng có hoa sen. Không gặp được Tử Đô, chỉ gặp kẻ cuồng dại”, có nghĩa là: người con gái hò hẹn với một chàng đẹp trai, nhưng cô cứ chờ mãi mà chẳng thấy đâu, chỉ gặp kẻ cuồng dại. “Tử Đô” được dùng làm đại từ thay thế cho anh chàng đẹp trai, có ý đại diện cho một chàng bạch mã hoàng tử, mỹ nam trong mơ của hầu hết các thiếu nữ.

Tử Đô với vẻ đẹp mê hoặc cả Mạnh Tử.

Từ dân gian đến bậc thánh nhân quân tử như Mạnh Tử đều ngợi ca Tử Đô, chứng tỏ vẻ đẹp của Tử Đô đã gây chấn động thiên hạ, có thể khiến các cô gái điên cuồng, si mê, đau khổ.

Tử Đô không chỉ có tướng mạo đẹp đẽ mà còn rất giỏi võ nghệ và tài bắn thiện xạ. Mặc dù sử sách ghi lại rằng Tử Đô có tính xấu là nhỏ nhen, ích kỷ, có lần sẵng sàng hại người vì tính ích kỷ của mình (chuyện này được ghi trong sử sách) nhưng dung mạo của chàng không những làm chấn động giới thống trị mà còn khiến cho đông đảo dân chúng và người đời sau si mê nên họ cũng đều đồng lòng liệt Tử Đô vào danh sách các mỹ nam và dành nhiều trân quý.

 

Tống Văn công – xưng vương nhờ mặt đẹp

Vốn là công tử của nước Tống, Tống Văn công thời niên thiếu được gọi là công tử Bào. Tống Văn công lưu danh sử sách vì chỉ nhờ vẻ đẹp trai hiếm có của mình mà có thể leo lên được ngôi báu, điều này tạo nên sự khác biệt của chàng đối với các mỹ nam khác.

Tống Văn Công.

Công tử Bào vì quá đẹp đã khiến chính mẹ kế của mình là Vương Cơ si mê. TrongTả truyện chép rằng: Công tử Bào là một đại mỹ nam diện mạo vô cùng tươi đẹp, vì thế mà lọt vào mắt xanh của Vương Cơ, một goá phụ trung niên sống cô độc trong chốn thâm cung nhưng khó lòng chịu sự cô tịch, và bà ta rất muốn cùng chàng tư thông. Vương Cơ vắt óc ra trăm phương ngàn kế để lấy lòng công tử Bào, không ngần ngại mà thổ lộ sẽ cam tâm hiến dâng giang sơn nước Tống này cho chàng nếu chàng thuận ý. Sau đó, chính Vương Cơ đã ám sát Tống Chiêu công, lúc này đang làm vua, rồi lập công tử Bào lên ngôi, gọi là Tống Văn Công , tạo nên một câu chuyện vang danh thiên cổ vì đẹp trai mà được cả một nước.

Dù con đường lên ngai vàng của Tống Văn công không mấy đáng tự hào nhưng trong sử sách vẫn ghi nhận chàng là một

Vệ Giới và vẻ mặt vô tình, yêu ghét
không bao giờ lộ ra ngoài.

người tốt, ít nhất là tốt hơn so với Tống Chiêu công mang tiếng là vô đạo. Chàng là người rất giữ chữ lễ, hiền lương và khiêm tốn, đương nhiên đó là những thái độ mà một công tử Bào cần có khi muốn mua chuộc lòng người. Nhưng bất luận cái giá phải trả như thế nào thì kết quả cũng là: vì chàng đẹp trai mà được nước.

Vệ Giới – mỹ nam chết thảm vì ’fan cuồng’

Vệ Giới hay còn có tên khác là Vệ Vương Giới, Thúc Bảo, được miêu tả trong Tấn thưbằng những từ như “minh châu”, “ngọc nhuận”. Từ thời thơ ấu, chàng đã có khí chất kỳ lạ, khi ngồi trên xe cho dê kéo đi trên đường Lạc Dương thì luôn dõi mắt nhìn xa, trông giống như một bức tượng được chạm từ bạch ngọc, người dân thường đổ xô ra xem và gọi chàng là “bích nhân” (người ngọc bích).

Trong một lần chàng di cư về thành Kiến Nghiệp, quan quân, nhân sĩ, dân thường trong vùng lâu nay đã nghe tiếng đồn về vẻ đẹp của Vệ Giới nên đổ xô ra đường chào đón, vây lấy chàng để ngắm nhìn hết lớp này đến lớp nọ, khiến xe của Vệ Giới không di chuyển được suốt mấy ngày. Vốn thể chất yếu đuối, chàng mệt đến ngất xỉu, ốm một trận thập tử nhất sinh rồi chết. Đây có lẽ là cái chết tức cười nhất trong các mỹ nam Trung Quốc, sau này trở thành điển cố “khán sát Vệ Giới”, nghĩa là “nhìn giết Vệ Giới” để nói về bi kịch bắt nguồn từ cái đẹp.

Kê Khang – vẻ đẹp như tiên hạ phàm

Kê Khang (tên chữ là Thúc Dạ), người huyện Túc, tỉnh An Huy, là một nhà tư tưởng, một thi sĩ và một nhạc sĩ nổi tiếng của thời Nguỵ mạt. Kê Khang có nhân cách đáng kính, thẳng thắn cương trực, cần mẫn học hành và có chí hướng cao đẹp.

Kê Khang.

Những miêu tả về Kê Khang như sau: “uy phong như con rồng, thư thái như con phượng, thiên chất rất tự nhiên”. Sử chép rằng, Kê Khang “thân cao bảy thước tám tấc, phong thái cao nhã, những người gặp chàng đều khen rằng: phong độ tự nhiên, sảng khoái rất mực, cử chỉ thanh thoát, phong độ như ngọn gió dưới tàn thông, thanh cao mà từ tốn… chưa từng lúc nào thấy chàng tỏ vẻ khó chịu ra mặt, nên người ta thường nói về chàng bằng mấy chữ “ý tứ xa xôi, tâm tính khoáng đạt”.

Trong dân gian còn truyền tụng một câu chuyện, kể rằng một lần Kê Khang vào rừng sâu hái thuốc, có một tiều phu trông thấy bèn ngờ chàng là thần tiên hạ phàm, chỉ vì phong thái của Kê Khang quả thực chẳng thể nào nhầm lẫn với người thường được.

Nhưng Kê Khang lại có lòng dạ cương trực, căm ghét cái xấu, thẳng thắn ngạo nghễ, hễ gặp chuyện thì bộc phát. Chính vì thế mà chàng khinh thường Tư Mã Chiêu, khiến phải gặp hoạ sát thân. Ngày nay ở Nam Kinh vẫn còn một bức gạch vẽ hình Kê Khang đang ngồi khảy đàn, cốt cách hiên ngang mà thanh thoát.

Lã Bố – mỹ nam thích khoe mẽ

Lã Bố (tên chữ là Phụng Tiên), người Cửu Nguyên, quận Ngũ Nguyên thời Tam quốc, làm quan đến chức Ôn hầu. Vốn xuất thân từ gia đình nghèo khổ, ngoài võ công vô địch thiên hạ và vẻ ngoài đẹp đẽ thì chàng chẳng có một thứ gì đáng giá.

Lã Bố thân thể cao lớn, tướng mạo tuấn tú, võ nghệ cao cường. Lã Bố rất thích khoe mẽ, thường chăm chút trang phục mỗi khi ra ngoài: “phong thái hiên ngang, uy phong lẫm liệt, tay cầm chiếc họa kích Phương Thiên, cưỡi ngựa quý Xích Thố, mắt long lên mà nhìn”. Người đương thời thường nói “trong nhân gian có Lã Bố, trong loài ngựa có Xích Thố” để nói về vẻ đẹp của chàng.

Vẻ đẹp nam tính của Lã Bố – một tướng giỏi trên trận mạc.

Mắc bệnh tự yêu bản thân, Lã Bố thường “kết tóc đỉnh đầu, đội mũ vàng, khoác áo chiến bào Bách Hoa, mình mang áo giáp Đường Nê, buộc thắt lưng sư tử báu”, trông rất bóng bẩy khiến ngay cả đại mỹ nhân Điêu Thuyền cũng phải động lòng.

Lã Bố nổi danh kiêu dũng, thiện chiến, nhưng hữu dũng vô mưu. Trong đời tranh hùng thiên hạ, Lã Bố đã lần lượt quay lưng với Đinh Nguyên, Đổng Trác, Trương Dương, Viên Thuật, Lưu Bị, làm việc khinh suất, tùy ý theo hay phản, lật lọng tráo trở, chỉ mưu lợi cho mình, không trọng tín nghĩa nên cuối cùng bị Tào Tháo giết chết.

Theo datviet

Ad will display in 09 seconds

Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

Ad will display in 09 seconds

Chuyển sinh sang kiếp sau, vẫn đòi báo thù

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói trên đầu 3 thước có Thần linh?

Ad will display in 09 seconds

Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Thế gian điều gì đáng sợ nhất?

  • Trước khi đại náo Thiên Cung  Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

    Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

  • Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

    Tưởng rằng chết là hết, nào ngờ thống khổ vạn phần đang chờ đón

  • Chuyển sinh sang kiếp sau, vẫn đòi báo thù

    Chuyển sinh sang kiếp sau, vẫn đòi báo thù

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

    Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

  • Vì sao nói trên đầu 3 thước có Thần linh?

    Vì sao nói trên đầu 3 thước có Thần linh?

  • Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

    Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Thế gian điều gì đáng sợ nhất?

    Thế gian điều gì đáng sợ nhất?