Vua Minh Mạng cười Nguyễn Công Trứ ngông cuồng

09/09/11, 08:22 Tin Tổng Hợp

Nguyễn Công Trứ nổi danh thiên hạ vì tài kinh bang tế thế, về tài thơ và tính ngông nghênh ngạo đời. Ông thường tổ chức hát xướng, tổ tôm, đàm đạo thơ văn, xưng mình là Lão Trang, tỏ ý khinh thường danh lợi. Chuyện đến tai vua Minh Mạng… 

Lý Huệ Tông hai lần tự cắt tóc, cạo đầu định đi tu

Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), trước sức ép của thế lực họ Trần đứng đầu là Trần Thủ Độ, vua Lý Huệ Tông đã xuống chiếu truyền ngôi cho con gái thứ là Lý Phật Kim (Chiêu Hoàng) rồi đi tu ở chùa Chân Giáo trong hoàng thành Thăng Long với pháp hiệu là Huệ Quang thiền sư.

Ông xuất gia tu hành kể từ đó cho đến tháng 8 năm Bính Tuất (1226) thì bị bức tử, thọ 32 tuổi. Thực ra trước khi xuất gia, Lý Huệ Tông đã hai lần định cắt tóc, cạo đầu với ý muốn đi tu, lần đầu là vào tháng 2 năm Nhâm Thân (1212). Lúc đó sau nhiều lần chạy lánh nạn trước cảnh các thế lực cát cứ đánh giết lẫn nhau, triều đình không thể chế ngự được, theo sách “Đại Việt sử lược” vì chán nản Lý Huệ Tông đã “tới trước bàn thờ Phật thề rằng:

– Trẫm là người đức bạc, thẹn nối cơ đồ quý báu, đến nỗi loạn ly, gần sụp đổ mất cơ nghiệp của người xưa, để cho cung giá phải nhiều lần đổi dời. Nay trẫm muốn thoái lui nhường ngôi trời cho người hiền đức.

Nói đoạn vua cầm dao định cắt tóc để đi tu. (Trần) Tự Khánh và quần thần đều khấu đầu khóc lóc, vua mới thôi”.

Tháng 5 năm Ất Hợi (1215) tình hình xã hội ngày càng rối loạn, Lý Huệ Tông lại nói với quần thần rằng:
– Trẫm muốn thoái vị, các khanh thấy thế nào?

Quần thần đều khóc lóc can ngăn, vua không nghe, bèn cùng Thái hậu dùng dao cạo tóc (Đại Việt sử lược). Tuy nhiên ý định của Lý Huệ Tông không thực hiện được, quân phản loạn tấn công kinh thành, đốt cháy cả cung điện khiến vua một lần nữa phải chạy loạn, đến ở nhà một viên đại thần, thậm chí có lần phải sai người dựng nhà tranh mái lá để ở. Cuối cùng chẳng còn cách nào khác, vua đành dựa vào anh em họ Trần để đánh dẹp các phe phái khác, dần dần để quyền lực mất về tay chính dòng họ này, đến nỗi mất ngôi, mất mạng.

Trần Thái Tông uống rượu, ca hát cùng các quan

Khi nói về sức mạnh của Đại Việt giúp làm lên chiến thắng oanh liệt trước giặc Nguyên-Mông hung bạo, danh tướng Trần Hưng Đạo cho rằng đoàn kết nội bộ là một nhân tố cực kỳ quan trọng tạo thành sức mạnh đó, ông nói: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”.

Vua Khải Định và Toàn quyền Đông Dương 1923
Vua Khải Định và Toàn quyền Đông Dương 1923

Việc vua tôi nhà Trần đồng lòng, đồng sức được thể hiện rất rõ, như câu chuyện xảy ra trong một buổi yến tiệc vào tháng 3 năm Tân Hợi (1251) là minh chứng tiêu biểu. Khi đó vua Trần Thái Tông “ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi rượu say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng (sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói: “Sử quan hát thế thôi, sử quan hát thế thôi!” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đánh giá về chuyện này, sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên bàn rằng: “Xem thế đủ thấy bấy giờ vua tôi cùng vui, không gò bó vào lễ phép, cũng là điều giản dị, chất phát của phong tục, nhưng không có tiết độ”.

Lê Thánh Tông quy định tuổi “nghỉ hưu” của các quan

Chế độ trí sĩ (hưu trí) cho quan lại được quy định lần đầu tiên dưới thời Lê Thánh Tông, với độ tuổi 65. Từ đời Lê Trung Hưng trở về sau nâng lên 70 tuổi; thực tế nếu ai muốn xin nghỉ sớm phải làm tờ tâu lên vua để được xem xét, chuẩn y.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462) vua “ra sắc chỉ cho cả nước rằng: Kể từ nay, các quan viên văn võ làm việc đến 65 tuổi muốn nghỉ việc, các lại điển, giám sinh, nho sinh, sinh đồ tuổi từ 60 trở lên muốn về làm dân, thì đều cho người đó nộp đơn ở Lại bộ rồi xếp loại tâu lên để thi hành”.

Đến đời Lê Trung Hưng mới có sự thay đổi, theo sách “Lê triều hội điển” ở mục “Trí sĩ” có viết: “Từ Trung Hưng đến nay, quan văn đến 70 tuổi, cho trí sĩ. Viên nào đến 69 tuổi, cuối năm phải làm tờ khai viện lệ trình xin để đưa ra cho các quan bàn, kê khai người nào đáng được thăng chức cùng các sự lệ, đề đạt để làm… Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1719) chuẩn cho võ quan được dự ban chầu và nội giám, từ Đồng tri, Giám sự trở lên đến 70 tuổi cho viện lệ về trí sĩ. Từ lục phẩm trở xuống cho cáo lão. Định lệ giống với thể lệ danh cho quan văn”.

Lê Hiển Tông: làm vua không cần đọc sách

Lê Hiển Tông tên thật là Lê Duy Diêu, con trưởng của Lê Thuần Tông, được chú ruột là Lê Ý Tông truyền ngôi vào ngày 21 tháng 5 năm Canh Thân (1740), vua ở ngôi 46 năm và chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng (1740 – 1786), ông mất vào tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi. Lê Hiển Tông chính là vị hoàng đế thọ nhất và ở ngôi lâu nhất so với các vị vua của vương triều Hậu Lê.

Sử sách cho biết Lê Hiển Tông là người nhân từ, điềm tĩnh, thông minh, đa tài nhưng vì sống ở thời buổi xã hội đảo điên, quyền lực nằm cả trong tay chúa Trịnh nên vua không thể thi thố được gì mà chỉ yên phận với cuộc sống nhàn tản mà thôi.

Theo Đại Việt sử ký tục biên thì trước khi làm vua, Lê Hiển Tông đã “nếm trải đủ mùi gian khổ nhưng trời cho người theo, bèn được lên ngôi báu. Phàm mọi việc đều chịu thuận theo mệnh trời, tính thâm trầm sâu kín, người ta tưởng không thấy được góc cạnh nhưng mà bên trong vua không phải là không nắm được gì. Nếu cái thiên tư ấy, lại thêm có học vấn thì sự thành tựu chưa dễ lường được.

Thế nhưng vua thường nói: “Học là để thi thố ra các công việc, trẫm khoanh tay rủ áo trông đợi thành công, cần gì đọc sách. Hàng ngày chỉ ca múa để mua vui mà thôi”.

Lê Chiêu Thống đốt phủ chúa Trịnh để trả thù

Vào tháng Chạp năm Bính Ngọ (1787), sau khi được Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân giúp đánh bại lực lượng ủng hộ chúa Trịnh, đuổi vị chúa cuối cùng của họ Trịnh là Trịnh Bồng khỏi Thăng Long, vì căm giận họ Trịnh đè nén vua Lê mấy trăm năm, lại sợ Trịnh Bồng có thể trở lại nên Lê Chiêu Thống đã sai người phóng lửa đốt phủ Chúa. Thế là bao lâu đài cung khuyết lộng lẫy nguy nga chìm trong biển lửa, khói bốc ngút trời, hơn mười ngày sau vẫn chưa cháy hết, tất cả cuối cùng chỉ còn là một đống tro tàn.

Sự kiện này xảy ra vào ngày 8 tháng Chạp, sách “Hoàng Lê nhất thống chí” viết: “Sớm hôm sau, Hoàng thượng mới biết là Án Đô vương đã trốn đi lúc ban đêm tức thì ngầm sai người phóng hoả đốt hết phủ chúa. Khi phủ cháy, khói lửa bốc lên ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt”. Sách “Đại Việt sử ký tục biên” cũng viết như sau: “Vua lo Trịnh Bồng lại đến, có người nói nên đốt phủ chúa đi cho mất đường về. Vua cho là phải, sai đốt lầu gác phủ chúa, lửa khói bốc lên ngất trời hơn mười ngày chưa hết”.

Vua Minh Mạng gọi Nguyễn Công Trứ là “thằng cuồng”

Nguyễn Công Trứ là một vị đại thần và là một nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn. Với tư cách một nhà thơ, điều đặc biệt ở Nguyễn Công Trứ là dù xét ông ở tư cách nào, người ta cũng bắt gặp một điểm chung nhất khái quát, đó là thái độ ngông ngạo với cuộc đời. Ông thể hiện rõ
điều đó qua các sáng tác, có những câu thơ rằng: “Đù mẹ nhân tình đã biết rồi/ Nhạt như nước ốc bạc như vôi” (Thế tình bạc bẽo). Hay như lúc về hưu, đi chơi ông không dùng ngựa mà đi xe bò lại còn úp một mo cau phía sau đuôi bò để “bưng miệng thế gian”.

Nguyễn Công Trứ

Cái ngông của Nguyễn Công Trứ nổi tiếng, từ dân đen đến hoàng đế đều biết, chính vì thế có lần nghe chuyện về ông, vua Minh Mạng đã gọi ông là thằng cuồng. Sách “Quốc sử di biên” có đoạn viết:

“Trứ vốn tính hào phóng, thường đắp phương trượng tam sơn sau công đường, trên núi làm chùa, đào hồ thả sen, bắc cầu trên hồ, nuôi 25 đồng nữ sớm tối cúng Phật.

Trước kia đóng đồn ở Vân Trung, bắt được 3 trai, 7 gái người Thổ nuôi làm gia thuộc, cho hát xướng, ngày đêm cùng tân khách và bè bạn đánh tổ tôm, hút thuốc, nghe truyện Kim Vân Kiều, tự xưng là Lão Trang. Thường ngày họp nhau uống rượu, làm thơ ca quốc âm, có ý coi rẻ lợi danh. Việc này lọt đến tai vua, vua cười nói rằng: Thói cũ thằng cuồng vẫn hào phóng như thế đấy!”.

Vua Khải Định đi xe điện, ban lệnh cấm dân mặc quần áo màu vàng

Là ông vua rất thích thú và ưa chuộng các sản phẩm của Tây phương nên trong thời gian ở ngôi, Khải Định đã đặt mua nhiều vật dụng được sản xuất tại Pháp, từ vải vóc, nước hoa, đồ thủy tinh cho đến xe cộ… Năm Bính Thìn (1916) có lần vua đi xe điện, dân chúng hiếu kỳ ra xem chật đường gây cảnh lộn xộn nhưng bỏ qua đề nghị xử lý các quan không làm tròn trọng trách hộ tống, vua Khải Định lại ban một lệnh cấm không liên quan gì đến vụ việc nói trên.

Sách “Khải Định chính yếu” viết:  “Vua ngự trên xe điện đi qua cây cầu sắt, dân chúng hai bên đường chen chúc nhốn nháo kéo tới xem rất lộn xộn, trong khi các viên quan dẹp đường của phủ Thừa Thiên không có ai ra đàn áp. Bộ Lễ tâu xin truyền chỉ phạt lỗi Phủ thần. Vua nhân đó phê rằng:

– Ngày trước khi trẫm còn là Hoàng tử thấy dân chúng có nhiều người ăn mặc áo màu vàng, như thế là phạm luật. Nên đồng thời lệnh cho phủ Thừa Thiên yết bảng nghiêm cấm từ nay trở đi nhân dân không được ăn mặc quần áo có màu vàng và những màu sắc gần với màu vàng để có sự phân biệt”.

Lê Thái Dũng  

Ad will display in 09 seconds

Tại sao Khổng Tử nói "Nuôi được cha mẹ chưa phải là hiếu"

Ad will display in 09 seconds

Hỏi đáp chấn động về chốn Âm gian

Ad will display in 09 seconds

Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

Ad will display in 09 seconds

Người giỏi và đứa dở - 2 thái độ 2 cuộc đời

Ad will display in 09 seconds

Bí mật đáng sợ về cổng địa ngục ở Nga

Ad will display in 09 seconds

Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

Ad will display in 09 seconds

Thực vật: bậc thầy phát hiện nói dối và có khả năng siêu cảm

Ad will display in 09 seconds

Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

Ad will display in 09 seconds

Trải nghiệm cận tử của một thanh niên Mỹ

  • Tại sao Khổng Tử nói "Nuôi được cha mẹ chưa phải là hiếu"

    Tại sao Khổng Tử nói "Nuôi được cha mẹ chưa phải là hiếu"

  • Hỏi đáp chấn động về chốn Âm gian

    Hỏi đáp chấn động về chốn Âm gian

  • Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

    Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

  • Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

    Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

  • Người giỏi và đứa dở - 2 thái độ 2 cuộc đời

    Người giỏi và đứa dở - 2 thái độ 2 cuộc đời

  • Bí mật đáng sợ về cổng địa ngục ở Nga

    Bí mật đáng sợ về cổng địa ngục ở Nga

  • Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

    Những linh hồn ở Đại Kim Tự Tháp Giza tiết lộ điều gì?

  • Thực vật: bậc thầy phát hiện nói dối và có khả năng siêu cảm

    Thực vật: bậc thầy phát hiện nói dối và có khả năng siêu cảm

  • Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

    Tiền nhiều để làm gì, Thiền sư trả lời khiến ai cũng tâm phục

  • Trải nghiệm cận tử của một thanh niên Mỹ

    Trải nghiệm cận tử của một thanh niên Mỹ