5 loại máy bay quân sự đáng sợ nhất của Nga
(TNO) Mặc dù Nga vẫn chưa triển khai loại máy bay chiến đấu có thể sánh bằng các máy bay tối tân của Mỹ như F-22 hay F-35, nhưng Không quân Nga đang sở hữu 5 loại máy bay quân sự đáng gờm, theo tạp chí National Interest (Mỹ).
Trong nhiều năm qua, Nga đã sản xuất nhiều loại chiến đấu cơ đáng gờm và sẵn sàng bán chúng cho những quốc gia mà Mỹ và châu Âu “chê”.
Trong khi nhiều nước thật sự không cần đến những thứ vũ khí tối tân như F-35, các chiến đấu cơ của Nga trở thành vũ khi thay thế với giá rẻ hơn chiến đấu cơ của do Mỹ hay châu Âu sản xuất, The National Interest cho hay.
Kết quả là nhiều lực lượng không quân trên thế giới sử dụng các máy bay do Liên Xô và Nga sản xuất. Dưới đây là 5 loại máy bay quân sự đáng sợ nhất của Nga, theo đánh giá của The National Interest:
Sukhoi Su-27
Sukhoi Su-27 (tên ký hiệu của NATO là 'Flanker', tức Kẻ tấn công sườn) là máy bay tiêm kích phản lực được sản xuất nhằm đối đầu với loại F-15 và F-16 của Mỹ. Su-27 bay lần đầu trong thập niên 1970 và được đưa vào phục vụ Không quân Liên Xô từ năm 1985.
Với bán kính chiến đấu 750 km, Su-27 vượt xa F-16 và F/A-18 nếu tính về tốc độ bay là 2.525 km/giờ (so với F-16 là 2.200 km/giờ và F/A-18 là 1.900 km/giờ). Su-27 có thể mang theo nhiều loại vũ khí không đối không bao gồm tên lửa tầm trung R-27R1.
Nhiều lực lượng không quân trên thế giới sử dụng Su-27. Ấn Độ và Trung Quốc đều đã mua Su-27 và đạt được thỏa thuận với Nga tự sản xuất Su-27 nội địa.
Ở Ấn Độ, công ty Hindustan sản xuất tiêm kích Su-27 (phiên bản đời sau là Su-30MKI), trong khi tập đoàn sản xuất máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) lắp ráp loại máy bay này theo giấy phép dưới tên chiến đấu cơ J-11. Quân đội Indonesia và Việt Nam và một số quốc gia khác cũng dùng Su-27/Su-30.
MiG-29
MiG-29 là loại máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ 4 do Liên Xô thiết kế chế tạo, được đưa vào sử dụng vào năm 1983. Cũng giống như Su-27, MiG-29 được thiết kế để cạnh tranh với F-15 và F-16.
Mặc dù MiG-29 nhỏ hơn Su-27, nhưng nó có một đặc điểm vượt trội Su-27 là tính tiện dụng. Lực lượng không quân Đức từng đánh giá MiG-29 bay nhanh hơn F-16. MiG-29 cũng là chiến đấu cơ đa chức năng và có thể được trang bị các tên lửa không đối không như AA-8 và các loại tên lửa không đối đất như AS-12. MiG-29 hiện vẫn còn phục vụ trong quân đội Nga và một số quốc gia từng thuộc Liên Xô.
Nam Tư từng sử dụng MiG-29 trong các cuộc chiến tranh Balkan hồi thập niên 1990, và MiG-29 cũng được sử dụng có giới hạn trong xung đột đang diễn ra ở miền đông Ukraine. Chính quyền Syria hiện vẫn dùng MiG-29 trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay; và Nga dự định chuyển những chiếc MiG-29 mới cho đồng minh Syria vào năm 2016.
Sukhoi Su-35
Về mặt kỹ thuật, Su-35 là một phiên bản của Su-27, nhưng Su-35 có thiết kế hiện đại đáp ứng nhu cầu thời hậu Chiến tranh lạnh. Su-35 vẫn đang được thử nghiệm và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.
Đóng vai trò cầu nối giữa các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 và 5 của Nga, Su-35 được trang bị động cơ sánh bằng chiến đấu cơ thế hệ 4++ là Sukhoi T-50. Su-35 có thể đạt tốc độ tối đa 2.390 km/giờ, chậm hơn một chút so với phiên bản gốc Su-27. Tuy nhiên, bán kính chiến đấu của Su-35 khá ấn tượng, tăng lên đến 1.600 km, nhiều hơn so với Su-27.
Hệ thống vũ khí trên Su-35 cũng được nâng cấp, có 12 điểm treo vũ khí dưới cánh và mang theo lượng bom đạn tối đa 8.000 kg, có khả năng bắn tên lửa không đối không như K-77ME và không đối đất như Kh-59. Được chế tạo theo thiết kế chiến đấu cơ thế hệ 4++, Su-35 có lớp vật liệu hấp thụ radar (RAM) để tăng khả năng tàng hình trước radar quân địch.
Mặc dù Su-35 vẫn chưa được được vào sử dụng chính thức trong quân đội Nga, nhưng chính phủ một số nước đang cân nhắc mua máy bay này. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc lên kế hoạch sắm Su-35.
Tiêm kích tàng hình Sukhoi T-50/PAK FA
Chiến đấu cơ tàng hình đa chức năng PAK FA là vũ khí riêng của Nga nhằm cạnh tranh với chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ như F-22 Raptor (Chim ăn thịt) và F-35 Lightning II (Tia chớp II).
Với tốc độ bay tối đa 2.600 km/giờ, PAK FA khiến các đời chiến đấu cơ thời Chiến tranh lạnh của Nga phải ngửi khói. Một số quan chức quốc phòng Mỹ hiện vẫn hoài nghi về việc PAK FA có thật sự bay nhanh hơn F-35 hay không.
Với thiết kế là chiến đấu cơ đa chức năng, PAK FA được trang bị cả hệ thống tên lửa không đối không và không đối đất, bao gồm tên lửa không đối không R77 và hai quả bom diệt hạm 1.500 kg. PAK FA có thể được trang bị pháo tự động 30 mm Gsh-30-1 có thể bắn đến 1.800 viên đạn/phút.
Mặc dù PAK FA gặp một số trục trặc trong quá trình sản xuất và thử nghiệm, nhưng quân đội Nga kỳ vọng sẽ nhận được những chiếc PAK FA đầu tiên vào cuối năm 2015 để tiến hành thêm những cuộc thử nghiệm. Trong tương lai gần, quân đội Nga có thể là lực lượng duy nhất sử dụng PAK FA và lên kế hoạch sở hữu 55 chiếc PAK FA trước năm 2020.
Máy bay ném bom siêu thanh Tupolev Tu-160
Nga gần đây tuyên bố khôi phục việc sản xuất loại máy bay ném bom chiếc lược Tu-160 có vận tốc bay tối đa 2.220 km/giờ. Với vận tốc này, Tu-160 vượt xa vận tốc của các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ như B1-B Lancer (1.448 km/giờ) và B-52 (1.000 km/giờ).
Tu-160 có bán kính chiến đấu ấn tượng 7.300 km và từng có chuyến bay vượt Đại Tây Dương từ Murmansk đến Venezuela hồi năm 2008. Máy bay này còn có thể mang theo vũ khí hạt nhân, chẳng hạn tên lửa Kh-55MS mang đầu đạn hạt nhân (tầm bắn 3.000 km).
Tính đến năm 2015, Nga là quốc gia duy nhất sở hữu máy bay Tu-160 và Moscow lên kế hoạch sản xuất thêm 50 chiếc Tu-160. Những chiếc Tu-160 sản xuất mới sẽ là phiên bản nâng cấp với tên gọi Tu-160M2, và Nga dự kiến bắt đầu sản xuất kể từ năm 2023.
Phúc Duy |
Theo Thanh Niên