Thế nào là một người thông minh
Nói về trí tuệ của con người, người ta thường hay tự hỏi, “Tại sao trong chúng ta có những người rất thông minh, có những người kém thông minh hơn. Trí thông minh này đến từ đâu, là do ai ban cấp?…”
Tôi thường thấy các bậc phụ huynh hay bàn luận với nhau về con cái của họ: “Thằng bé nhà anh rất thông minh“ hay “con trai chị rất thông minh”, họ thường khen những đứa bé có khả năng giao tiếp nổi bật hoặc có kết quả học tập xuất sắc là thông minh. Trên thực tế, rất nhiều đứa trẻ không có biểu hiện nổi bật khi còn nhỏ lại có tư duy rất sắc bén. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra một số dạng thức thông minh của con người như: thông minh logic, thông minh cảm xúc, thông minh ngôn ngữ, thông minh cơ thể… và cho rằng con người có đầy đủ các loại thông minh trên chỉ có điều khác nhau về mức độ.
Ví như người giỏi biện luận họ có trí thông minh cảm xúc và ngôn ngữ rất cao, nhưng trí thông minh logic của họ không cần cao lắm. Cựu Tổng thống Mỹ G. Bush có chỉ số IQ =90 điểm, ở mức trung bình, nhưng ông có thể điều hành cả một cường quốc. Một ví dụ khác, một giáo sư toán học có khả năng tính nhẩm rất siêu phàm, có thể tính nhẩm được các phép tính có số mũ rất cao không cần dùng máy tính, chứng tỏ tư duy logic của ông rất tốt, nhưng trong giao tiếp xã hội, ông gặp khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc và ý tưởng của mình.
Nhiều thông tin trên internet nói rằng chỉ số IQ của Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush chỉ ở mức 90
Dựa vào nghiên cứu của các nhà khoa học về “các dạng thức thông minh” để giải thích về trí thông minh và các khả năng của con người có vẻ rất khả quan. Tuy nhiên, bản thân tôi có cách nhìn nhận khác. Con người thích diễn giải hiện tượng, chia nhỏ hiện tượng, hoặc chia nhỏ đặc tính mà không nhận ra rằng việc quy nạp chúng lại dễ dàng nghiên cứu hơn. Thực ra tư duy con người phụ thuộc rất lớn vào “tư tưởng” của họ. Nói cách khác “ tư tưởng” chỉ đạo “tư duy”. Nếu dùng cảm nhận của con người để nhận xét về người khác, rất dễ dẫn đến sai lầm. Lão Tử nói “bậc đại trí nhìn bề ngoài giống kẻ ngu độn”. Nếu tư tưởng của một người rộng lớn thì tư duy của họ rất chính xác và hành động của họ rất ít những điểm rườm rà. Một người có chí hướng lớn, họ sẽ luôn đặt câu hỏi cho hiện thực, ban đầu họ cảm thấy mọi thứ rối bời trong xã hội con người, họ thấy con người làm nhiều việc rất vô nghĩa, họ nhận ra rằng đề cao tư tưởng của chính mình là cách tốt nhất để lý giải mọi sự việc. Vì thế họ không ngừng đề cao tư tưởng, càng đề cao tư tưởng họ càng nhận ra rằng những việc con người cho rằng khó khăn, thực ra rất đơn giản.
Những việc con người cho rằng cần thiết, thực ra không cần thiết. Những thứ con người cho rằng quý báu, thực ra là vô giá trị. Khi họ đề cao tư tưởng đến một mức rất cao, rất cao, họ hoàn toàn thấy những thứ con người làm ra là rất vô nghĩa. Họ giống như đứng ở trên cao mà nhìn xuống, giống như một người bình thường đứng quan sát bầy kiến chạy đi chạy lạị và thấy thật vô nghĩa. Khi ấy họ không quan tâm nhiều lắm tới xã hội, và biểu hiện của họ giống như Lão Tử nói “bề ngoài giống kẻ ngu độn”.
Vậy những người có tư tưởng lớn như vậy có làm tốt những việc của người thường làm không? Có lẽ, những việc cụ thể mà khiến họ làm thì họ sẽ rất lúng túng, vụng về, nhưng những việc lớn thì họ có thể diễn thuyết và lên kế hoạch thực hiện một cách dễ dàng. Trong các truyện cổ Trung Hoa, khi một triều đại mới được kiến lập, Hoàng đế thường tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc để mời cao nhân về trị quốc. Những cao nhân này được gọi là ẩn sĩ. Vì sao họ phải vào rừng núi sống một mình? Vì họ không thể thích ứng với cuộc sống của xã hội người thường. Hoàng đế rất coi trọng họ, vì tư tưởng của họ vượt xa khỏi tư tưởng người thường. Họ nhìn một cái là biết tình trạng của đất nước. Hoàng đế tiếp kiến họ để bàn việc nước, họ sẽ nói với vị Hoàng đế việc gì nên làm, nên làm ra sao, kế hoạch như thế nào…, việc gì không nên làm, nói rất cụ thể…
Hoàng đế có thể ngồi tiếp kiến ba ngày, ba đêm mà không muốn rời họ. Lịch sử Trung Hoa có rất nhiều những vị như vậy: Trương Lương ngồi trong màn trướng mà quyết định thắng thua ở chiến trường; Gia Cát Lượng mới gặp Lưu Bị đã thuyết nói về thế chân vạc Tam Quốc trong tương lai; Phạm Tăng mới nhìn qua Lưu Bang đã biết ngay đó là vị thiên tử chân chính;… rất nhiều những con người có tư tưởng vĩ đại nhưng sống ẩn dật trong các thời kỳ lịch sử.
Gia Cát Lượng là một nhà quân sự rất lỗi lạc, ông sống ẩn dật nhiều năm trước khi theo phò tá Lưu Bị
Tư tưởng chỉ đạo tư duy, vì tư tưởng có tính rộng lớn nên tư duy rất rành mạch và sắc bén, những việc thực hiện được có kết quả rất cao. Ở người thường, tư tưởng phần lớn đều rất chật hẹp, họ bị ràng buộc bởi rất nhiều thứ: vật chất, danh tiếng, tình cảm…, những thứ này làm lý trí của họ lu mờ, họ không muốn hoặc không biết cách đề cao tư tưởng của chính mình. Tư duy họ phát ra cũng rất phức tạp, còn hành động thật rườm rà. Họ loay hoay trong các loại hưởng thụ tình cảm và vật chất, đến mức khi không được vừa ý họ cảm thấy rất thất vọng. Tôi thấy các bậc phụ huynh hiện nay chăm sóc con nhỏ của họ rất chu đáo, nghĩ xem cho chúng uống sữa gì, ăn đồ gì để chúng tăng trí thông minh, để chúng có tương lai tốt đẹp. Khi con họ đi học, họ bắt chúng phải học thêm thật nhiều, học môn gì… để thích ứng với xã hội tương lai. Điều căn bản nhất mà họ cần chú trọng nhưng lại không chú trọng đó là việc rèn luyện đạo đức và tư tưởng cho con cái của mình.
Bài viết của Hải Phong/ Bocau.NET