Hình ảnh quái vật biển trên bản đồ Trung Cổ
Cuốn sách “Quái vật biển trong các tấm bản đồ thời Trung Cổ và Phục Hưng”, xuất bản bởi Thư viện Anh Quốc năm ngoái, đã lập biểu đồ tiến trình phát triển của loài giao long, người cá và các loài sinh vật thần thoại khác được tìm thấy trên các tấm bản đồ thế giới từ thế kỷ thứ 10 xuyên suốt đến thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ Phục Hưng.
Hình minh họa một con quái vật biển với tên gọi Satyrus marinus, lai giữa người, dê, và cá, vẽ bởi Johann Zahn vào năm 1696. (Wikimedia Commons)
Mặc dù xuất hiện trong tự nhiên, nhưng hầu hết sự miêu tả về những loài sinh vật này đều dựa vào những cuộc chạm trán thực tế với các loài động vật biển, từ đó hé mở khả năng những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết dân gian đều xuất phát từ những sự kiện thực tế.
Một phần của bản đồ biển Carta Marina vẽ bởi Olaus Magnus, 1539. (Wikimedia Commons)
Cuốn “Quái vật biển trong các tấm bản đồ thời Trung Cổ và Phục Hưng” của Chet Van Duzer đã miêu tả một loạt các loài ‘quái vật biển’ mà người vẽ bản đồ thường sử dụng để minh họa các vùng biển bí ẩn, chưa được khám phá và tồn tại các nguy hiểm rình rập khi ra khơi. Nhiều người nghĩ rằng những sinh vật trong truyền thuyết đó là kết quả của óc khôi hài và trí tưởng tượng phong phú của người vẽ. Tuy nhiên, rất nhiều sinh vật biển, bao gồm cá voi, hải mã và mực ống đều hiếm khi được nhìn thấy, nên chúng được coi là những con quái vật trong thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ Phục Hưng.
“Những loài sinh vật này hết sức kỳ lạ. Dường như chúng đã được tạo dựng lên”- Van Duzer, một nhà sử học bản đồ tại Thư viện Quốc Hội, bình luận trong một cuộc thảo luận về cuốn sách của ông. “Nhưng trên thực tế, hiện nay rất nhiều loài sinh vật như vậy được biết đến thông qua các nguồn tin khoa học”. Lấy ví dụ, khá bất thường khi các cuốn bách khoa toàn thư hiện nay lại có các trích dẫn nguồn tham khảo về những loài động vật lưỡng cư kỳ quái, rồi các nhà vẽ bản đồ chỉ việc dùng thơ ca thi họa để miêu tả chúng.
Một ví dụ về một loài sinh vật biển có thực bị phù phép thành thủy quái là huyền thoại về Kraken. Kraken khổng lồ dài đến một dặm trong thần thoại Bắc Âu. Nó được miêu tả là quái thú thường hay tấn công tàu bè và có thân hình lớn đến nỗi nó có thể bị nhầm lẫn với một hòn đảo. Kraken xuất hiện lần đầu tiên trong Örvar-Oddr, một truyện xa-ga của Iceland vào thế kỷ thứ 13.
Thủy quái Kraken cũng được đề cập đến trong phiên bản đầu tiên của cuốn sách Systema Naturae [1735], một bộ sách phân loại các vật thể sống viết bởi nhà thực vật học, nhà động vật học kiêm bác sỹ người Thụy Điển Carolus Linnaeus. Ông liệt Kraken là một loại động vật chân đầu (thân mềm), và đặt tên khoa học cho nó là Microcosmus marinus.
Các nhà sử học và khoa học cho rằng truyền thuyết về Kraken có liên hệ với loài mực ống khổng lồ, với chiều dài có thể lên đến 18 mét, và hiếm khi được con người nhìn thấy vì nó sống ở những nơi cực sâu trong lòng đại dương.
Bằng cách lần theo các lời miêu tả các loài thủy quái trong nhiều thế kỷ, Van Duzer đã cho thấy tiến trình phát triển từ một thế giới đầy rẫy nguy hiểm rình rập trong lòng đại dương xa xăm, nơi bạch tuộc và cá voi đánh chìm tàu bè cùng thủy thủ, đến các tấm bản đồ thế kỷ 17 miêu tả các con tàu chinh phục các loài thủy quái của biển khơi. Cho đến hiện nay các loài thủy quái đều không xuất hiện trên các tấm bản đồ nữa.
Thông điệp quan trọng rút ra từ những sự miêu tả thú vị về các loài thủy quái này là: các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết trong quá khứ không hẳn là những câu chuyện huyễn hoặc thuần túy bắt nguồn từ những bộ óc siêu tưởng. Nói đúng hơn, hầu hết, nếu không phải tất cả, các câu chuyện từ tổ tiên của chúng ta đã được phát triển từ những sự kiện có thực, rồi sau đó được diễn đạt lại theo cách hiểu và kiến thức của con người thời kỳ đó.
Theo Đại Kỷ Nguyên