Cuộc chiến giữ biển của ngư dân Philippines
Các tàu cá của ngư dân thị trấn Masinloc. Ảnh: New York Times. |
Vào một buổi chiều nắng nóng, ngư dân ở Masinloc, một thị trấn không mấy nhộn nhịp trên đảo Luzon, bắt đầu chuyển những khối đá lạnh lên con tàu gỗ ọp ẹp đang nhấp nhô ngay sát bờ biển. Con tàu dài 9 m được trang bị thêm mái chèo bằng tre ở hai bên thân, giúp nó có thể ổn định tại những vùng biển động trên Biển Đông.
Con tàu ra khơi ngay khi màn đêm buông xuống, tiến về ngư trường ở bãi cạn có tên quốc tế là Scarborough còn người Trung Quốc gọi là Hoàng Nham và bắt đầu trò “mèo đuổi chuột” với tàu tuần duyên của Trung Quốc.Bãi cạn này là khu vực có nhiều sản vật, là nơi sinh sống của cá marlin xanh, cá mú đỏ, tôm hùm, cá ngừ vân, cá ngừ vây vàng…. Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này.
“Ở Scarborough, ngư dân không cần phải bắt cá”, Jerry Escape, cán bộ thủy sản thị trấn, vui vẻ nói. “Cá tự bơi về phía ngư dân, chào đón họ và để họ đưa chúng ra khỏi biển”.
Từ Masinloc, con tàu cá với một động cơ có thể đến bãi cạn trong khoảng 18 giờ. Những ngư dân bình thường có thể thường xuyên đánh bắt được hơn một tấn cá mỗi ngày chỉ bằng các ngư cụ tối thiểu.
Để câu chuyện về cá sang một bên, các ngư dân cho biết họ cảm thấy đang bị kẹt giữa một cuộc chiến địa chính trị mà trong đó đất nước của họ, ít nhất là cho tới lúc này, dường như đang thất thế dần. Trong hai năm qua, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham nằm dưới sự kiểm soát của tuần duyên Trung Quốc. Ngư dân Philippines mưu sinh tại đó gần như bị tước mất nguồn lợi thủy sản vốn đã nuôi sống gia đình họ hàng chục năm qua.
“Ngư dân không còn lựa chọn nào khác”, ông Escape nói. “Họ đánh bắt ở đó cho đến khi bị tàu Trung Quốc đuổi bắt”.
Ngư dân Mario Forones. Ảnh: New York Times. |
Mario Forones, 54 tuổi, người vừa trở về thị trấn vào cuối tháng 2 sau một chuyến đi biển, mô tả các tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên di chuyển vòng quanh bãi cạn. Trong khi đó, một tàu khác cắm chốt phía trong, sẵn sàng xông ra chặn đường bất kỳ tàu cá vượt qua lớp phòng vệ đầu tiên.
“Nếu ngư dân đến quá gần, họ sẽ đi tàu cao su ra và hét lên bằng tiếng Anh: ‘Hãy rời khỏi đây! Hãy rời khỏi đây'”, ông Forones kể lại.
Theo quân đội Philippines, một số ngư dân còn bị đối xử thô bạo hơn. Trong tháng 1, thời gian ra khơi đánh bắt lớn trong năm, các tàu Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để xua đuổi một số tàu cá Philippines.
Nền kinh tế bị tàn phá
Ngư dân vui mừng với thành quả sau một chuyến ra khơi. Ảnh: New York Times. |
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham chỉ là một trong số hàng loạt khu vực trên Biển Đông và biển Hoa Đông đang nằm trong trò chơi kéo co giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á khác.
Xung đột ở bãi cạn này lên cao vào tháng 4/2012, khi Philippines tố ngư dân Trung Quốc khai thác trộm loại san hô được bảo vệ và đánh bắt trai biển khổng lồ ở khu vực cách bờ biển phía tây đảo Luzon khoảng 200 km. Tàu tuần duyên Philippines và một số tàu chính phủ Trung Quốc đối đầu nhau trong hơn một tháng, trước khi phía Philippines rút lui. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc không rời đi mà thay vào đó, lại thiết lập các đợt tuần tra thường xuyên để chặn lối vào và bảo vệ tàu cá Trung Quốc tại vùng biển nêu trên.
Khoảng thời gian đó, tàu cá của ngư dân thị trấn Masinloc trở về với sản lượng thấp hơn. Thay vào đó, những câu chuyện về việc cố gắng tiếp cận ngư trường ở bãi cạn, đánh bắt nhiều cá nhất có thể trước khi bị đuổi đi lại nhiều thêm.
Các ngư dân ở khu vực khác tại quốc đảo ít phụ thuộc vào việc đánh bắt ở bãi cạn do đây không phải là ngư trường chính. Để ra Scarborough/Hoàng Nham, họ cần có tàu lớn hơn, tốn kém hơn để ra khơi rồi đưa nguồn lợi thu được trở về. Nhưng đối với người dân Masinloc, bãi cạn được xem như là một phần mở rộng của thị trấn.
Việc đánh bắt có vai trò đặc biệt quan trọng với Masinloc bởi nơi đây từng bỏ lỡ cú hích giúp Philippines trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á. Trung tâm của thị trấn chỉ có một khu chợ ngoài trời và một trung tâm mua sắm với phần lớn diện tích bỏ không. Nơi đây chỉ có những người buôn bán nhỏ lẻ, bày hàng hóa trên những giá tạm thời trong khi người mua thì thưa thớt.
Thị trưởng Masinloc, bà Desiree Edora, cho biết thị trấn 45.000 dân này đang phải vật lộn với những tổn thất thương mại. Việc sản lượng đánh bắt thấp ảnh hưởng đến mọi người dân, từ người bán đá lạnh, tài xế xe tải cho đến các chủ nhà hàng. Theo Edora, dù chưa tính khoản lỗ trong ngành công nghiệp được chính quyền địa phương quản lý một phần này, thiệt hại cũng đã là rất lớn.
Đọc thêm: Cuộc chiến chuối
Nền kinh tế Masinloc dựa trên đánh bắt cá, trồng lúa và một nhà máy nhiệt điện. Ở đây không có các khu công nghiệp, xí nghiệp để nhận ngư dân vào làm nếu họ không thể mưu sinh từ bãi cạn.
Trong lúc thị trấn hy vọng sớm có thể tiếp cận bãi cạn trở lại, bà Edora bắt đầu triển khai các bước để hỗ trợ ngư dân. Bà đã làm việc cùng chính phủ với hy vọng có thể cung cấp cho ngư dân các rạn san hô nhân tạo, neo dưới đáy đại dương để thu hút cá. Tuy nhiên, bà thị trưởng cũng lưu ý rằng thứ gọi là rạn san hô nhân tạo này có sức thu hút cá kém xa so với san hô tự nhiên.
Vị trí bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và thị trấn Masinloc. Đồ họa: New York Times |
Tranh chấp trên biển
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham dựa trên các thứ mà họ cho là bằng chứng lịch sử. Trong khi đó, Manila cũng đưa ra những bản đồ riêng, cho thấy bãi cạn trên là một phần lãnh thổ Philippines ít nhất là từ năm 1734, khi Tây Ban Nha còn thống trị quốc đảo này.
Manila cho rằng họ duy trì quyền hạn pháp lý liên tục đối với Scarborough/Hoàng Nham kể từ sau khi giành độc lập vào năm 1946, đồng thời nhấn mạnh rằng bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Philippines đệ trình các tuyên bố đối với Scarborough và một số khu vực khác đang tranh chấp trên Biển Đông lên tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc. Đây là hướng đi dự kiến phải mất nhiều năm để giải quyết xong tranh chấp. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn từ chối ra tòa.
Trong hai tuần qua, cảnh sát Philippines bắt giữ 9 ngư dân Trung Quốc với cáo buộc đánh bắt trái phép trên khu vực gần bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà Bắc Kinh và Manila cũng tuyên bố có chủ quyền. Tiếp đó, quốc đảo này công bố hình ảnh ở một bãi cạn khác, cho thấy Trung Quốc đang thực hiện các công việc gây thay đổi hiện trạng, trái với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử Biển Đông (DOC).
Trái ngược với sự đối đầu của hai chính phủ, rất ít người dân ở Masinloc đề cập đến sự đe dọa của Trung Quốc. Thay vào đó, họ bày tỏ sự buông xuôi trong mệt mỏi. Họ vốn đã nghèo, ngay cả trước khi Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn. Họ nói rằng có rất ít dấu hiệu của sự thịnh vượng ở nơi đây.
“Bãi cạn Scarborough là của chúng tôi”, ông Escape nói. “Nhưng Trung Quốc quá mạnh, bởi vậy họ đã làm những gì họ thích. Chúng tôi yếu thế hơn nên không thể làm gì cả”.
Tolomeo Forones, người anh em của Mario và là một ngư dân thời vụ, nói rằng cách giải quyết đã quá rõ ràng: đưa các căn cứ quân sự Mỹ trở lại. Tolomeo hy vọng rằng khi quân đội Mỹ duy trì các căn cứ ở Philippines, lực lượng tuần duyên Trung Quốc sẽ không dám lảng vảng gần quốc đảo.
Tuy nhiên, điều này trong ngắn hạn chưa thể thực hiện được. Mỹ và Philippines và hồi tháng 4 ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự. Thỏa thuận này cho phép Washington sử dụng các cơ sở quân sự, phần lớn ở bờ biển hướng về phía Trung Quốc, dự kiến là nơi ghé chân cho các chiến hạm lớn và có thể là các phi đội của Mỹ. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm để thiết lập các cơ sở và đưa chúng vào vận hành.
Tolomeo cảm thấy cơ hội tốt nhất cho quốc đảo có thể đối đầu với Trung Quốc đã bị bỏ phí cách đây nhiều năm, vào những năm 1990. Khi đó, Philippines yêu cầu người Mỹ rời khỏi căn cứ hải quân cũ ở Vịnh Subic, cách Masinloc chỉ 112 km về phía nam.
“Nếu Subic vẫn còn là một căn cứ của Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ không có mặt ở đó”, ông nói. “Giờ thì người Mỹ đã rời khỏi đây và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với những hòn đảo của chúng tôi. Họ không sợ hải quân của chúng tôi”.
Như Tâm (theo New York Times / VNE)