Chiến dịch “xuất khẩu” bệnh tật ra thế giới của Mỹ
Trong cuốn sách Chết người nhưng hợp pháp: Các tập đoàn, tiêu thụ và bảo vệ sức khỏe công cộng, GS Nicholas Freudenberg (Trường Y tế công cộng thuộc ĐH New York) cho rằng thế giới đang ở trong thời siêu tiêu thụ, kèm theo đó là bệnh tật và cả những cái chết sớm.
Để thay đổi xu thế siêu tiêu thụ và gánh nặng bệnh tật đi kèm cần phải hiểu thật rõ các chiến lược mà các tập đoàn đa quốc gia đã thực hiện để phân phối các sản phẩm có hại cho sức khỏe của mình ra thế giới. Trước tiên hãy bắt đầu bằng việc xem lại ảnh hưởng của Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA – ba nước Mỹ, Canada, Mexico ký kết năm 1992, thực hiện năm 1994) lên sức khỏe người dân Mexico để thấy rằng thương mại tự do có thể làm hại sức khỏe con người như thế nào.
Thương mại tự do trở thành chìa khóa sát nhân
Ba nước trên bắt đầu đàm phán nhằm đạt được một hiệp ước có thể xóa bỏ các rào cản cho thương mại và đầu tư từ cuối những năm 1980. Tại Mỹ, trong khi gặp phản đối từ các ngành công nghiệp dệt may, cao su, nhựa, cũng như các liên đoàn lao động và các tổ chức môi trường, NAFTA lại được sự ủng hộ của các tập đoàn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, thực phẩm chế biến và ô tô. Lý do dễ hiểu, thị trường Mỹ đã bão hòa nhu cầu sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và các tập đoàn này xem NAFTA là chìa khóa giúp tiếp cận lượng khách hàng mới ở các thị trường mới vốn ít nghiêm khắc về tiêu chuẩn sức khỏe và môi trường. Trong một phiên điều trần trước Thượng viện về Thỏa thuận thương mại tự do Cộng hòa Dominica – Trung Mỹ (một hiệp ước phát sinh từ thỏa thuận NAFTA, ký năm 2005), Phó Chủ tịch tập đoàn thực phẩm chế biến Kraft Foods Group Inc. (Mỹ) Mark Berlind cho rằng tương lai phát triển của Kraft cũng như toàn ngành thực phẩm và nông nghiệp Mỹ gắn liền với khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không chỉ trông mong vào thị trường Mỹ. Theo ông này, 95% lực lượng tiêu thụ của thế giới nằm ngoài nước Mỹ và đấy là mục tiêu Mỹ phải hướng tới.
Năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton lên tiếng bảo vệ NAFTA, cho rằng NAFTA và việc tăng xuất khẩu sang Mexico sẽ tạo thêm việc làm cho dân Mỹ, nhất là khi thực tế dân Mexico lại chi nhiều tiền hơn dân bất kỳ nước nào khác để mua hàng hóa Mỹ. Và ông đã dự đoán đúng.
Chiến trường Mexico
Cuối cùng, nhờ NAFTA các tập đoàn Mỹ đã xuất khẩu rất nhiều sản phẩm, trong đó có các sản phẩm có hại cho sức khỏe sang các nước khác, nhiều nhất là sang Mexico.
Những năm sau khi NAFTA được ký kết, thực tế trao đổi hàng hóa, đặc biệt thực phẩm giữa Mexico và Mỹ, cũng như thói quen ăn uống của người dân Mexico thay đổi nhiều. Lượng đường mía, đường bắp, thức ăn nhanh, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc ăn sáng Mỹ xuất khẩu sang Mexico tăng cao không ngờ. Nếu như năm 1994 Mỹ xuất sang Mexico khoảng 50.000 tấn đường và các chất làm ngọt khác thì con số này năm 2007 lên tới 950.000 tấn, tăng tới 19 lần. Cùng thời gian đó, các mặt hàng thịt gia cầm, gia súc tăng tới ba lần. Lượng bắp, đậu nành – các nguyên liệu chính trong công nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến cũng tăng đáng kể. Trong một thập niên sau khi NAFTA được ký kết, lượng thực phẩm chế biến tiêu thụ ở Mexico tăng 5%-10% mỗi năm.
Lượng nhà hàng thức ăn nhanh của các công ty đa quốc gia Mỹ tại Mexico cũng tăng mạnh sau khi NAFTA được ký. Năm 1985, McDonald’s có nhà hàng đầu tiên ở thủ đô Mexico City. Đến năm 2012, McDonald’s đã có hơn 500 nhà hàng ở 83 TP khắp Mexico. Không chỉ McDonald’s, Mexico còn đón nhận cả các ông lớn thức ăn nhanh của Mỹ như KFC, Pizza Hut, Taco Bell, Long John Silver’s,…
Thay đổi thói quen ăn uống với môi trường thực phẩm
Đến khi NAFTA được thực hiện đầy đủ thì thói quen ăn uống của dân Mexico đã thay đổi. Thời gian 1992-2000, lượng calorie từ nước ngọt dân Mexico tiêu thụ mỗi ngày tăng trung bình 40% (từ 44 lên 61 calorie/người). Năm 2002, trung bình mỗi người dân Mexico uống đến 487 phần nước ngọt Coca-Cola hằng năm, hơn cả dân Mỹ. Cũng trong thời điểm 1992-2000, lạm phát kinh tế ở Mexico đã khiến các loại thực phẩm rẻ tiền, nghèo dinh dưỡng của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, đặc biệt với các gia đình nghèo.
Các chiến lược quảng cáo hung hăng các loại nước ngọt, thức ăn nhanh cao năng lượng, nghèo dinh dưỡng của các tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đã kích thích tiêu thụ mạnh hơn. Coke, Pepsi, McDonald’s, Kraft không tiếc tiền thuê các công ty quảng cáo hàng đầu toàn cầu thực hiện các chiến dịch quảng cáo nhắm vào thanh niên và trẻ em thành thị để chiếm được sự ưu ái của bộ phận người tiêu dùng trẻ. Một nghiên cứu thực hiện trên một lượng không nhỏ trẻ em Mexico tuổi 5-11 cho thấy từ 1999 đến 2006, số calorie từ nước giải khát có đường trẻ em Mexico tiêu thụ tăng hơn gấp đôi. Việc Mỹ tăng xuất khẩu thức ăn nhanh vào Mexico đã buộc các nhà sản xuất thực phẩm Mexico phải giảm giá để cạnh tranh. Điều này càng khiến các tập đoàn Mỹ hăng say hơn trong quảng cáo và điều chỉnh giảm giá, làm cho cơ hội tiêu thụ các thực phẩm nhiều mỡ, nhiều muối, nhiều đường của người dân Mexico rộng hơn.
Và không có gì ngạc nhiên khi thực tế này đã dẫn tới những thay đổi lớn về mặt bằng sức khỏe của dân Mexico. Thời gian 1988-1999, tỉ lệ người thừa cân và béo phì ở Mexico tăng gần gấp đôi (từ 33% lên tới 59% dân số). Tỉ lệ này ở một số nhóm người cụ thể còn cao hơn, chẳng hạn trong thời gian 1988-2006, tỉ lệ béo phì ở nữ thiếu niên tăng hơn gấp ba. Năm 2006, 26,3% trẻ em 2-8 tuổi bị thừa cân, béo phì. Trong thập niên 1990, tỉ lệ người bị tiểu đường ở Mexico tăng 30%. Số người chết vì tiểu đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp tính cũng tăng rất cao.
Có thể thấy rằng NAFTA – một thỏa thuận được định hình bởi ngành công nghiệp thực phẩm đã làm thay đổi môi trường thực phẩm và thói quen ăn uống của dân Mexico, từ đó làm xấu đi đáng kể mặt bằng sức khỏe của người dân và làm tăng chi phí y tế của Mexico.
Thế giới thứ ba rộng cửa đón “cái chết sớm”
Đáng ngại hơn, công nghiệp thực phẩm không phải là lĩnh vực duy nhất sử dụng các thỏa thuận thương mại và đầu tư nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận, bất kể chà đạp lên sức khỏe con người. Hãy nghĩ đến các ngành công nghiệp thuốc lá, ô tô, vũ khí… và những sản phẩm phụ kèm theo – những cái chết sớm, những chấn thương, bệnh tật có thể ngăn chặn – mà các ngành này đang nỗ lực gia tăng xuất khẩu ra toàn cầu.
Mexico là nơi thể hiện rõ nhất xu thế siêu tiêu thụ mà các tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa quốc gia tạo ra nhờ sự giúp sức của NAFTA nhưng Mexico không chỉ là nơi duy nhất chịu hậu quả của xu thế này. Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia,… và nhiều nước khác nữa đang chứng kiến những thay đổi thói quen ăn uống của người dân và hệ lụy lên sức khỏe họ, tương tự ở Mexico.
Khoảng một thập niên nữa, người dân và chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico và các nước mới nổi khác sẽ phải đối diện với một quyết định quan trọng và khó khăn: Đi theo con đường siêu tiêu thụ mà các nước phương Tây giàu có đã đi để rồi nhận lấy những cái chết sớm, những bệnh tật, chấn thương có thể ngăn chặn được, hay tự tạo một con đường tiêu thụ khác lành mạnh và bền vững hơn. Lựa chọn này sẽ định hình sức khỏe và môi trường toàn cầu cho thế kỷ tới và xa hơn nữa.
HỒNG CẨM
Nguồn Pháp Luật