Những vụ không tặc “rung chuyển” ngành hàng không thế giới
Đó là những vụ cướp, vụ khủng bố gây chấn động ngành hàng không từ thập niên 70 tới nay.
Mới đây, giới chuyên gia đưa ra một giả thuyết về khả năng máy bay Malaysia mất tích là dokhủng bố. Qua điều tra, một số hành khách trên chuyến bay này đã sử dụng hộ chiếu giả của người khác và bị nghi ngờ là nhóm không tặc trà trộn lên máy bay.
Dẫu chưa được chứng thực 100% song trên thực tế, những sự kiện như thế này là không hiếm. Hãy cùng ngược dòng thời gian để khám phá những vụ không tặc (cướp máy bay) nổi tiếng trong lịch sử…
1. TWA Flight 85 – Vụ cướp máy bay đi quãng đường dài nhất lịch sử
Ngày 31/10/1969, lịch sử hàng không thế giới ghi nhận vụ cướp máy bay đi quãng đường dài nhất từ trước tới giờ: chuyến bay TWA Flight 85.
Theo đó, một lính thủy Mỹ 19 tuổi là Raffael Minichiello đã thực hiện một vụ cướp máy bay rất kỳ lạ. Đối tượng của Raffael là chuyến bay TWA Flight 85 bay từ Baltimore tới San Francisco.
Hành trình phiêu lưu của tên không tặc 19 tuổi.
Nguyên nhân của hành động này là vì Raffael đã bị trả thiếu lương khi trở về từ chiến tranh. Raffeal coi đó là một sự phản bội lớn của các nhà chức trách và muốn quay trở về Italia – quê gốc của mình để gặp mặt người cha sắp qua đời.
Hình ảnh tên không tặc Raffael (ngồi giữa).
Với khẩu súng trường M1 cùng 250 viên đạn, Raffael đã khống chế chuyến bay và yêu cầu chuyển đường bay sang New York. Tại sân bay JFK, lực lượng cảnh sát đã cố gắng ngăn chặn tên không tặc nhưng không thành. Máy bay do Raffael khống chế tiếp tục bay qua Bangor, Maine, Shannon, Ireland và cuối cùng là Rome, Italia.
Sau khi rời khỏi máy bay, Raffael đã cướp một xe cảnh sát chạy trốn nhưng bị bắt không lâu sau đó. Cuộc phiêu lưu của tên không tặc kết thúc với quãng đường lên tới hơn 11.100km và trở thành vụ cướp máy bay dài nhất trong lịch sử hàng không. Điều đáng ngạc nhiên là Raffael sau đó chỉ bị giam giữ 18 tháng vì sở hữu vũ khí trái phép và trở thành nhân viên trong một quán mỳ.
2. Chuyến bay vào ngày Lễ Tạ ơn
Nhắc tới những vụ máy bay bị tấn công nổi tiếng, không thể không nhắc tới cái tên Dan Cooper (được biết tới với cái tên D.B.Cooper) – tên không tặc lừng danh nhất lịch sử nước Mỹ mà chưa ai có thể tìm ra tung tích. Và ít ai biết rằng, vụ tấn công chuyến bay ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving Day) năm 1971 chính là sự kiện làm nên danh tiếng của tên không tặc này.
Chân dung phác thảo Dan Cooper của FBI.
Chiều ngày 24/11/1971, tức đúng Lễ Tạ ơn năm đó, một thương gia ăn vận giản dị tới sân bay quốc tế Portland tại Portland, Oregon, Mỹ và đặt một vé đi chuyến bay 305 tới Seattle cùng ngày với cái tên Dan Cooper.
Theo mô tả của những nhân chứng sau này, Dan Cooper là một người không có gì đặc biệt, cao khoảng 1,8m, đi giày tây, mặc vest đen thông thường và nói không có trọng âm…
Thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay bị Dan Cooper tấn công.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi sau khi chiếc Boeing 727 cất cánh. Trên máy bay, Cooper chuyển cho nữ tiếp viên 23 tuổi tên Schaffner một mẩu giấy de dọa mình mang theo bom và đòi 200.000 USD (khoảng 4,2 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cùng hai bộ dù dân sự trong 30 phút nếu không sẽ kết liễu mạng sống của tất cả phi hành đoàn cùng 37 hành khách.
Yêu sách của Cooper sau đó được chuyển cho các cơ quan chức năng mặt đất và họ nhanh chóng đồng ý nhằm bảo vệ tính mạng của những con tin.
Chiếc Boeing 727 mang số hiệu 305 với sự góp mặt của Cooper đã buộc phải hạ cánh muộn 30 phút. Cooper cho phép hành khách và Schaffner ra khỏi máy bay và chỉ giữ lại phần còn lại của phi hành đoàn cùng một người mang tiền và dù tới cho hắn.
Cooper tiếp tục ra lệnh cho máy bay bay tới Mexico City ở độ cao không quá 3.000m, cánh mở ở góc 15 độ và tốc độ không quá 190km/h – một điều kiện lý tưởng cho việc nhảy dù chạy trốn cũng như né tránh sự theo dõi của cảnh sát.
Dan Cooper vẫn còn là một bí ẩn lớn chưa lời giải đáp.
Cuối cùng, điều gì tới cũng tới. Cooper quấn toàn bộ số tiền quanh người và nhảy dù tẩu thoát, mang theo cả vali chứa bom và những thứ liên quan. Kỳ lạ hơn, đó cũng chính là lần cuối cùng Cooper xuất hiện.
Các cuộc điều tra, truy tìm dấu vết của FBI về tên không tặc này đều đi vào ngõ cụt. Sau hơn 40 năm điều tra, bộ mặt thật của Dan Cooper vẫn còn là một bí ẩn lớn chưa lời giải đáp.
Ngày 11/09/2001, cả nước Mỹ nói riêng và thế giới rung chuyển trước một trong những vụ không tặc tấn công thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên có tới 4 chiếc máy bay dân dụng bị cùng một nhóm không tặc khống chế và biến chúng thành 4 quả bom hạng nặng, giết chết 2.974 người và 24 người mất tích.
Nhóm không tặc có tổng cộng 19 thành viên, bị nghi ngờ là thành viên của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Chúng chia thành 4 nhóm chiếm giữ 4 chiếc máy bay với sức chứa khổng lồ của hàng không Mỹ và sử dụng chúng làm bom cảm tử.
Hình ảnh chiếc máy bay thứ hai lao vào tòa tháp.
Thảm kịch xảy ra khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào mé Bắc của tòa tháp WTC lúc 12 giờ 46 phút ngày 11/09/2001. Khoảng 18 phút sau, một chiếc khác đâm vào tòa tháp phía Nam của WTC.
Chiếc máy bay thứ 3 thì lao thẳng vào Lầu Năm Góc sau đó còn chiếc phi cơ cuối cùng bị rơi tại một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania. Nhiều suy đoán cho rằng chiếc máy bay thứ 4 dự định tấn công thẳng vào Nhà Trắng hoặc Trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ song do bị hành khách chống cự nên đã rơi sớm hơn dự kiến.
Cánh đồng nơi chiếc phi cơ cuối cùng rơi xuống.
Những giờ phút sự kiện diễn ra đã làm rung chuyển cả thế giới. Tất cả hành khách trên 4 chiếc máy bay cùng đám không tặc đều đã thiệt mạng ngay lập tức, do đó những gì chúng ta biết về câu chuyện trên máy bay rất ít ỏi, chủ yếu thông qua hộp đen máy bay.
Theo đó, một nhóm hành khách trên chiếc phi cơ cuối cùng đã cầu nguyện sau đó bất chấp tất cả chiến đấu chống lại nhóm không tặc nhưng bất thành.
Tòa tháp WTC vài ngày sau thảm kịch khủng khiếp.
Bên cạnh những thiệt hại to lớn về người, vụ không tặc tấn công này còn gây phá hủy tòa trung tâm thương mại thế giới khổng lồ. Sau vụ va chạm với hai máy bay, tòa nhà này gần như “tan chảy” do thiết kế khá đặc biệt.
Theo Kenh14