Mỹ chỉ trích TQ về Biển Đông
Từ 1/1, các tàu cá và tàu khảo sát nước ngoài hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc đặt dưới quyền quản lý của tỉnh Hải Nam phải xin phép chính quyền tỉnh này, theo quy định mà Trung Quốc đơn phương đưa ra.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm 9/1: “Việc đưa ra các hạn chế đối với hoạt động ngư nghiệp của các quốc gia khác tại các khu vực tranh chấp của Biển Đông là hành động khiêu khích và có khả năng nguy hiểm”.
Bà Psaki nói tiếp: “Trung Quốc chưa đưa ra giải thích nào hay cơ sở nào theo luật quốc tế để minh chứng cho các tuyên bố chủ quyền rộng lớn này”.
Người phát ngôn Hoa Kỳ cũng nhắc lại rằng lập trường lâu nay của Mỹ là “tất cả các bên liên quan cần tránh có các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thằng và cản trở khả năng giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao hay bằng các biện pháp hòa bình khác”.
Trước đó, Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố sẽ không đứng về phía nào nhưng ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực.
‘Động cơ bí ẩn’
Trung Quốc đang ngày càng mạnh bạo trong khẳng định chủ quyền
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức đã phản hồi lại bình luận của phía Hoa Kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói “Chúng tôi bày tỏ sự không hài lòng và phản đối những nhận xét của phía Hoa Kỳ.
“Mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một đất nước được bao quanh bởi cả đất và biển, có bờ biển dài và một số lượng lớn các hòn đảo và rạn san hô.
“Theo pháp luật quốc tế tương thích và công ước quốc tế phổ quát, cũng như các luật và những quy định quốc gia, chính phủ Trung Quốc có quyền và trách nhiệm quản lý các đảo có liên quan và các rạn san hô cũng như nguồn tài nguyên phi sinh học.
“Trong hơn 30 năm, luật và các quy định thủy sản có liên quan của Trung Quốc đã được thực hiện nhất quán một cách bình thường, và chưa bao giờ gây ra bất kỳ căng thẳng nào.
“Nếu ai đó cảm thấy có nhu cầu nói ra rằng việc sửa đổi có tính kỹ thuật quy định nghề cá địa phương vốn được thực hiện đã cách đây nhiều năm sẽ gây căng thẳng trong khu vực và tạo một mối đe dọa cho sự ổn định khu vực thì tôi chỉ có thể nói rằng nếu điều này không xuất phát từ thực tế thiếu ý thức cơ bản chung thì hẳn phải là một động cơ bí ẩn.”
‘Bất hợp pháp’
“Tất cả các hoạt động của nước ngoài trong các vùng biển [mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền] mà không có sự chấp thuận của Việt Nam thì đều là bất hợp pháp và không có cơ sở“
Lương Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
Khu vực mà Trung Quốc đòi tàu cá nước ngoài phải xin phép mới được hoạt động rộng tới 2 triệu km vuông, tức hơn 2/3 diện tích Biển Đông, bao gồm không chỉ các đảo mà còn nhiều tuyến hàng hải cùng các khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.
Tàu cá và tàu khảo sát nước ngoài khi đi vào vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý sẽ phải xin phép.
Quy định này được tỉnh Hải Nam thông qua cuối tháng 11 năm ngoái.
Giới chức Trung Quốc dọa tàu cá nước ngoài hoạt động không phép sẽ bị tịch thu ngư cụ, tài sản và phạt tới 500.000 Nhân dân tệ (83.000 đôla Mỹ).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm 8/1 nói Manila đang tìm kiếm thêm thông tin về quyết định này.
Trong khi đó, hãng Reuters dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói: “Tất cả các hoạt động của nước ngoài trong các vùng biển [mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền] mà không có sự chấp thuận của Việt Nam thì đều là bất hợp pháp và không có cơ sở”.
Ngư dân Việt Nam đã nhiều lần than phiền rằng họ bị kiểm ngư Trung Quốc sách nhiễu hoặc cản trở, thậm chí hành hung, khi đánh bắt trong ngư trường truyền thống ở Biển Đông.
Theo BBC