LỜI KHUYÊN CON
Về tác giả và tác phẩm
Tăng Quốc Phiên (1811-1872) tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, người Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, đỗ tiến sĩ triều Đạo Quang, bổ Nội các Học sĩ. Tướng lĩnh chỉ huy Tương quân (đoàn quân khởi phát ở Tương Hương), cánh quân chủ lực trong cuộc chiến chống quân Thái Bình Thiên quốc. Sau khi bình định Thiên quân, Tăng Quốc Phiên được Thanh triều bổ nhậm Tổng đốc Lưỡng Giang, phong Nhất đẳng Dũng Nghị hầu, trở thành văn nhân có tước vị cao nhất trong lịch sử triều Thanh, là một nhân vật có công nghiệp hiển hách trong thời cận đại và cũng gây nhiều tranh nghị trong lịch sử.
“Tăng Quốc Phiên gia thư” hay còn gọi “Tăng Quốc Phiên gia huấn”, “Tăng Văn Chính công gia huấn” là ấn bản tập hợp những bức thư của Tăng Quốc Phiên gởi cho gia đình, cho các em, các con trong thời gian ông bận việc quân, tập gia thư này (bản do Lý Hãn Chương sưu tập) xuất bản lần đầu vào năm Dân Quốc thứ 12 (1923) với hình thức thạch ấn bản do Thượng Hải Tảo Diệp Sơn phòng. “Tăng Văn Chính công gia huấn” chiếm một vị trí đặc biệt trong thể loại sách Gia huấn ở Trung Quốc, ảnh hưởng rất lớn, ngang hàng với các sách đã xuất hiện trước như “Nhan Thị gia huấn” của Nhan Chi Thôi đời Nam Bắc triều, “Minh Đạo gia huấn” của Trình Hạo-Trình Di (Tống), “Trị gia cách ngôn” của Châu Bá Lư (Thanh) (hai sách này đã được dịch Quốc ngữ do Đoàn Trung Còn – 1971), “Chu Tử gia chính” của Chu Hi (Tống), “Truyền gia chí bảo” của Thạch Thiên Cơ (Thanh)…
LỜI KHUYÊN CON
Mấy bức thư của Tăng Văn Chính (tức Tăng Quốc Phiên) viết cho các con
Tựa của dịch giả:
Cổ nhân có câu rằng: Hoàng kim vạn lạng phi vi quý, nhất gia hoan lạc trị tiền đa. Nghĩa là: Vàng kia muôn lạng coi thường vậy, nhà cửa vui vầy giá mới cao. Lại có câu rằng: Gia hòa tắc phúc tự sinh, bất hòa tắc tai họa lập chí. Nghĩa là: Trong nhà mà hòa hợp tự khắc phúc đến, trong nhà mà bất hòa, thì tai vạ đến ngay. Xem hai câu này thì đủ biết người ta ở đời không gì sướng bằng trong gia đình có cảnh vui cha lành con hiếu, vợ thuận chồng hòa, anh yêu em kính, mà không gì khổ bằng trong gia đình cùng ngang trái nhau.
Vả lại, trong gia đình cùng dạy dỗ khuyến miễn nhau, cùng biết hòa hợp với nhau, không những cầu được hạnh phúc mà lại có ảnh hưởng đến tinh thần, đến chính trị trong xã hội nữa. Nên những các bậc hiền triết xưa nay, ai cũng chăm chỉ về việc trị nhà. Trị nhà tuy rằng có nhiều cách, nhưng cốt nhất là phải sửa mình cho chính đính, ăn ở cho hợp lễ, cho phải đạo làm người. Sách Đại học có câu rằng: Muốn trị nhà phải sửa mình trước. Kinh Thư có câu rằng: Những nhà đời đời hưng vượng đều vì có lễ cả. Ấy là cái chứng rõ cho người ta biết rằng trị nhà không sao bỏ đạo sửa mình và lễ được.
Tự khi có cái sóng tự do tràn sang, những bọn thiếu niên ta hiểu lầm nghĩa hai chữ tự do, cho rằng phá đổ trật tự, bỏ hết lễ pháp để cầu sướng riêng một mình là tự do, không biết rằng cái hồn tự do chính ở trong trật tự lễ pháp mà ra, nên lại bị con ma tự do láo nó làm tan nát mấy cái dây thân ái, gây nên thảm họa trong gia đình, mà bấy nay ta thường mắt trông thấy, tai nghe thấy những nông nỗi cha từ con, vợ lìa chồng, anh hại em, đăng ở trên báo chướng đấy, truyền ở ngoài cửa miệng đấy, có đáng ghê không! Ôi tự do! Tự do! Dịu dàng như mùa Xuân, ngào ngạt như hoa thơm, bỏ tự do còn cái gì là sướng. Người Tây đã có câu rằng: Không được tự do, thà chết còn hơn. Mong rằng đồng bào ta nên hương hoa mà sùng bái cái tinh thần tự do, đừng có hâm mộ cái bề ngoài tự do.
Nói tóm lại, công phu tu tề của đạo Nho ta cũng như người xuống nước rửa ghét, các cụ ta tuy chưa tìm được cái suối vô để, cái đầm thiên nhiên, nhưng cũng đã phí bao nhiêu tinh sức, trải bao nhiêu cuộc bể dâu mới tu tạo được một cái ao trong trẻo sạch sẽ, dấn mình xuống đấy, cũng đủ rửa sạch được những điều không phải mà trở nên một người hoàn toàn nhân cách rồi. Nay ta chê ao nhà là đục, ta bỏ ta tìm cái ao khác, để mong hơn các cụ x