Tôm, cua biển sắp biến mất khỏi thực đơn hải sản
Cua, sao biển và một số sinh vật biển khác có thể biến mất khỏi các thực đơn của nhà hàng và đại dương trên toàn thế giới sau vài thập kỷ nữa.
Nguyên do là vì quá trình axit hóa nhanh chóng các đại dương do hàm lượng cao khí CO2 trong nước. Các chuyên gia về đại dương học hàng đầu thế giới, trong đó có các nhà khoa học của Viện Hải dương học Matxcơva cùng đi đến kết luận trên trong công trình nghiên cứu chung của mình.
Các đại dương thế giới đang hấp thụ khoảng một phần tư lượng khí dioxide carbon do con người thải ra. Tuy nhiên, nồng độ tăng cao của chất này trong nước dẫn đến quá trình axit hóa đại dương. Bởi vì CO2 sẽ chuyển hóa thành axit cacbonic – H2CO3. Nó ảnh hưởng đến tình trạng của các sinh vật biển .
San hô và trai chịu những ảnh hưởng tồi tệ nhất. Các nhà khoa học đã xác lập được rằng những sinh vật này bị thay đổi quá trình trao đổi chất và tốc độ tăng trưởng. Lớp mai của động vật biển bị mất canxi, do đó trở nên ít cứng hơn.
Cua biển sắp biến mất khỏi thế giới |
Nếu những con cá hoạt động khá tích cực và có thể điều chỉnh cân bằng axit – kiềm trong máu của mình, thì đây là một vấn đề khó khăn cho những con san hô mà cả đời chỉ đứng nguyên một chỗ. Chúng không thể phục hồi bộ xương đã hư hỏng và cuối cùng phải chết.
Theo các nhà hải dương học Nga, sao biển khó có thể tồn tại được trong tình hình nồng độ dioxide carbon ngày một tăng hiện nay.
Các nhà khoa học dự đoán sự tuyệt chủng của loài này vào cuối thế kỷ 21. Cua và nhện biển cũng nằm trong tình trạng nguy hiểm, các học giả cho biết. Không chỉ quá trình axit hóa nước biển mà cả việc nhiệt độ của đại dương đang ngày một tăng do khí hậu ấm lên có tác động tiêu cực đến những động vật này.
Sự tích tụ khí dioxide carbon trong nước biển dẫn đến một quá trình nguy hại nữa đối với môi trường, các chuyên gia của Viện Hải dương học nói thêm. Đó là việc giảm nồng độ lưu huỳnh vào khí quyển. Nồng độ axit của nước tăng đã giết chết thực vật phù du – nguồn thức ăn của nhiều loài động vật biển.
Các chuyên gia hải dương học đã so sánh hiện trạng của các đại dương thế giới với tình trạng của 55 triệu năm về trước . Khi đó nước biển cũng bị bão hòa bởi khí dioxide carbon. Hậu quả là số lượng của rất nhiều loài sinh vật biển đã bị giảm mạnh.
Giải Nhi (vtc.vn)