283 phạm nhân kinh tế và tham nhũng được đặc xá từ ngày 1/9
Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá cho 3.035 phạm nhân từ ngày 1/9, trong đó có 283 phạm nhân thuộc các tội danh tham nhũng, kinh tế, 21 phạm nhân nước ngoài, 499 người dân tộc thiểu số, 314 phạm nhân là người có tôn giáo.
Theo báo Thanh Niên, vào chiều ngày 30/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định đặc xá năm 2021, đặc xá cho 3.035 phạm nhân từ ngày 1/9. Trong đó, có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án.
Sáng ngày 31/8, ông Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời báo giới về câu hỏi trong số những người được đặc xá năm 2021 này, có bao nhiêu phạm nhân bị án các tội về tham nhũng, kinh tế.
Cụ thể, ông Hùng cho biết, lần này có 3.026 phạm nhân được đặc xá, trong đó có 283 phạm nhân thuộc tội danh xâm phạm về quản lý kinh tế và chức vụ.
Ông Hùng cho biết thêm, số phạm nhân được đặc xá thuộc các tội danh xâm phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã nộp 24 tỷ đồng để thực hiện các bản án dân sự và bồi hoàn dân sự. Số tiền được nộp nhiều nhất là 10 tỷ đồng của phạm nhân Trần Khắc Điệp tại trại giam Thanh Xuân.
Tổng số phạm nhân đặc xá đợt này đã bồi thường án dân sự tổng số tiền là 80 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về việc trong đợt đặc xá lần này có bao nhiêu phạm nhân về chính trị, ông Hùng khẳng định hiện Việt Nam không có phạm nhân về chính trị, các phạm nhân đều vi phạm về luật hình sự.
Ngoài ra trong đợt đặc xá này còn có 21 phạm nhân nước ngoài gồm 10 phạm nhân Trung Quốc, 2 phạm nhân Nhật Bản cùng 5 quốc tịch khác. Đặc xá 499 người dân tộc thiểu số, 314 phạm nhân là người có tôn giáo.
Trước đó, vào chiều ngày 30/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định đặc xá năm 2021, đặc xá cho 3.035 phạm nhân từ ngày 1/9. Trong đó, có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án.
Yên Yên (t/h)