Trái đất sẽ ra sao nếu Mặt trăng biến mất?
Đã bao giờ bạn băn khoăn: “Điều gì sẽ xảy ra với Trái đất nếu Mặt trăng biến mất?” Đó là câu hỏi giả định mà giới khoa học luôn tìm cách giải đáp bấy lâu nay.
Mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra được một vài lý giải hợp lý cho câu hỏi này.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu quan tâm đến cách thức Mặt trăng bị phá hủy. Chúng ta vẫn biết rằng, lực hút của Mặt trăng giúp Trái đất ổn định độ nghiêng của nó trong quá trình xoay quanh Mặt trời.
Nhưng các nhà thiên văn học chỉ ra, ngoài Mặt trăng giúp Trái đất hoạt động ổn định, lực hút các hành tinh khác trong Hệ mặt trời cũng góp phần duy trì độ nghiêng ổn định của hành tinh chúng ta.
Lực hút của Mặt trăng và Mặt trời tạo nên thủy triều trên Địa cầu. Nếu Mặt trăng biến mất, thủy triều vẫn sẽ xảy ra, nhưng nó sẽ cao vào mỗi buổi giữa trưa, ở khắp mọi nơi. Sự biến đổi này có thể sẽ kéo theo những trận động đất, núi lửa phun trào hỗn loạn.
Trục tự quay của Trái đất hoàn thành một chu kỳ trong khoảng 26.000 năm. Mặt trăng giúp làm ổn định trục quay của Trái đất và điều này làm ổn định các vùng khí hậu trên Trái đất.
Nếu không có Mặt trăng, trục tự quay của Trái đất biến đổi nhiều hơn và làm xáo trộn các vùng khí hậu, các loài sinh vật khó lòng phát triển được. Cuộc sống trên Trái đất sẽ có một bộ mặt khác hoàn toàn, với các chu kỳ di trú và vòng ngày – đêm ngắn hơn.
Nhờ Mặt trăng mà cứ sau 100 nghìn năm, độ nghiêng trục xoay của Địa cầu chỉ thay đổi từ 0,5 – 1 độ. Nếu không có lực hấp dẫn của Mặt trăng, sau 100 nghìn năm, trục quay của Trái đất sẽ dịch chuyển một góc 85 độ. Sự thay đổi lớn như vậy sẽ khiến hai cực Địa cầu lần lượt gây nên sự biến đổi khí hậu rõ rệt và nhanh chóng.
Thêm vào đó, nếu một ngày không có Mặt trăng, có thể con người sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến những chuyến du hành vào không gian để thực hiện sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ.
Theo Vietnamnet