Trung Quốc yêu cầu Mỹ tránh xa tranh chấp Biển Đông
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong họp báo hôm nay nói rằng chỉ những quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển tranh chấp mới nên tham gia vào việc thảo luận để giải quyết tranh chấp.
“Chúng tôi hy vọng các nước không liên quan đến tranh chấp… sẽ tôn trọng nỗ lực của các nước có liên quan trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề thông qua đối thoại trực tiếp”, ông Hồng nói.
Tàu hải giám của Trung Quốc. Một trong số các tàu của lực lượng này đã tham gia cắt cáp thăm dò của tàu Việt Nam trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 26/5. Ảnh: PVN |
“Tuyên bố của ông Hồng đưa ra chỉ một ngày sau khi thượng nghị sĩ danh tiếng của Mỹ, Jim Webb, chủ tịch tiểu ban châu Á Thái bình dương của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, công bố dự thảo nghị quyết lên án thái độ của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Webb cũng đề nghị Mỹ có sự tham gia trong một cơ chế đa phương nhằm giải quyết tranh chấp ở khu vực biển giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược này.
Cũng hôm nay Tổng thống Philippines Bengino Aquino nói rằng Manila cần sự giúp đỡ của Mỹ trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Hải quân hai nước đồng minh lâu năm này chuẩn bị tập trận vào cuối tháng 6, dự đoán tại vùng biển phía tây Philippines.
Biển Đông trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế kể từ năm ngoái, khi mà tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo hôm nay ông Hồng cho biết Trung Quốc sẽ khẳng định tuyên bố với toàn bộ vùng biển tranh chấp và các nhóm đảo trên đó, nhưng sẽ không sử dụng vũ lực hay ngăn chặn tự do hàng hải.
Ông Hồng cũng “lên án những hành động làm mở rộng và phức tạp thêm tình hình”, AP cho biết.
Cùng ngày, xã luận của tờ nhật báo Quân giải phóng Trung Quốc nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng các nước “không liên quan” nên tránh xa tình trạng căng thẳng hiện nay.
“Chuyện tranh chấp phải được giải quyết hòa bình thông qua tham vấn hữu nghị giữa hai bên liên quan”, Reuters dẫn lại bài viết của tờ báo quân đội nói trên. Bài báo cũng khẳng định rằng Trung Quốc “phản đối việc quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Giữa ASEAN – mà một số thành viên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông – và Trung Quốc hiện có một cơ chế giải quyết xung đột Biển Đông, đó là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên (DOC) ký năm 2002. Trung Quốc được cho là muốn giải quyết tranh chấp thông qua các đối thoại tay đôi. Tuy nhiên, trong những cuộc họp gần đây của ASEAN, nhiều vị lãnh đạo tỏ ý muốn nhanh chóng có một bản quy chế chặt chẽ hơn, quy định việc thực hiện DOC. Quy chế tương lai này thường được đề cập đến là COC.
Thanh Mai