The Voice Trung Quốc kiếm hàng triệu USD mỗi tuần
Lên sóng truyền hình Chiết Giang (Trung Quốc) từ ngày 13/7, cuộc thi tài năng âm nhạc The Voice of China (TVOC) nhanh chóng thu hút một lượng lớn khán giả. Sau 10 tập, tỷ suất bạn xem đài của chương trình này đã lên tới 4%. Theo anh Gu – nhân viên đài truyền hình Chiết Giang, tỷ suất 1% đã được xem là ăn khách. Các show truyền hình top đầu trên các kênh thường chỉ đạt 3%.
Từ khóa “The Voice of China” cũng trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên tiểu blog Sina Weibo. Một số fan hâm mộ bày tỏ hy vọng chương trình này sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc.
The Voice phiên bản Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ doanh thu quảng cáo. Ảnh: Global Times |
Từ khi cuộc thi này trở nên nổi tiếng, phí quảng cáo cũng tăng lên đáng kể. Đài Chiết Giang ra giá tới 500.000 NDT (78.750 USD) cho một đoạn quảng cáo 15 giây trong chương trình, gấp ba so với 150.000 NDT lúc mới công chiếu. Các chương trình ăn khách khác, như Happy Camp của đài Hồ Nam, giá quảng cáo 15 giây cũng chỉ là 180.000 NDT.
The Voice of China được đầu tư rất mạnh tay, từ phông nền, ánh sáng, bài trí sân khấu cho đến vị trí đặt micro. Trường quay có trang bị 27 camera, sẵn sàng bắt được mọi khoảng khắc của các huấn luyện viên và thí sinh. Kể cả bốn chiếc ghế đỏ của ban huấn luyện cũng được đặt mua từ Anh. Dàn âm thanh tại đây cũng có giá 20 triệu NDT (3,14 triệu USD), lớn hơn cả chi phí cho đên gala mừng năm mới.
Công ty đồ uống Jia Duo Bao là nhà tài trợ độc quyền với mức tiền 60 triệu NDT (9,43 triệu USD). Tuy nhiên, con số thực tế cho tới thời điểm này có thể lên tới 80 triệu – 90 triệu NDT (14,14 triệu USD). Theo thống kê mới nhất của CSM Media Research, tổng doanh thu từ quảng cáo của TVOC trong 10 tập đầu tiên vào khoảng 250 triệu – 270 triệu NDT, tương đương 3,9 – 4,4 triệu USD mỗi tuần.
Canxing Productions – công ty đã chi 3 triệu NDT mua bản quyền The Voice về Trung Quốc còn dự định tiếp tục hợp tác và đào tạo các thí sinh tiềm năng sau khi cuộc thi kết thúc. Canxing sẽ tận dụng Channel [V] để quảng bá cho thí sinh, đồng thời giúp họ hợp tác với các nhạc sĩ và nhà sản xuất tên tuổi.
Là chi nhánh của Star China Media – công ty liên doanh giữa News Corp và China Media Capital, Canxing cũng đang cân nhắc thành lập dự án “V-house”, kết hợp giải trí và thương mại, bất động sản. Gần đây, họ đã ký thỏa thuận với hai chuỗi quán rượu và đàm phán với một số công ty bất động sản để cung cấp địa điểm tổ chức buổi diễn cho thí sinh The Voice.
Một nguồn thu khác của chương trình này là nhạc chuông điện thoại. Trung Quốc chưa có nền tảng mua bán trả tiền như iTunes, Canxing đã quyết định bắt tay với China Mobile thu phí download nhạc về điện thoại. Các ca khúc được thể hiện trong cuộc thi sẽ được chuyển thành nhạc chuông với phí tải 1 NDT mỗi bài.
Các huấn luyện viên cũng được chia lợi nhuận từ việc tải nhạc này. Nếu The Voice of China thành công như dự kiến, doanh thu từ tải nhạc chuông có thể lên tới 320 triệu NDT.
Hà Thu (tổng hợp)
(vnexpress.net)