Dấu hiệu công ty sắp cắt giảm nhân sự
Dấu hiệu ban đầu:
–Nhiều khoản ngân sách bị giảm hoặc cắt bớt: Nhân viên phải đi công tác bằng tàu, ô tô thay vì máy bay như trước kia. Văn phòng phẩm cũng được cấp phát một cách hạn chế.
–Sản phẩm/ Dự án mới bị trì hoãn hoặc hủy bỏ: Trong lúc hoạt động tốt, công ty luôn tìm cách tung ra các sản phẩm, dự án mới. Nhưng trong thời buổi khó khăn, họ tập trung vào những công việc tạo ra lợi nhuận cho hiện tại hơn là tương lai.
–Ý kiến của nhân viên bị phớt lờ: Đây là điều nhân viên cảm nhận được nhưng không được ước lượng chính xác. Jim Link, giám đốc nhân sự của một công ty tuyển dụng, cho biết: “Có thể trước kia, sếp là người luôn lắng nghe nguyện vọng, thắc mắc của nhân viên nhưng hiện tại, anh/ cô ấy không có tâm trí hoặc thời gian cho hoạt động này nữa”.
Dấu hiệu nghiêm trọng:
–Ngân sách cho các hoạt động giảm sút đáng kể: Việc công tác chỉ dành cho những người mang lại doanh thu cho công ty. Các bữa tiệc, buổi liên hoan của công ty, phòng ban bị loại bỏ. Thậm chí, trợ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại cho nhân viên cũng không còn.
–Quản lý cấp cao từ chức: Một người từ chức chưa phải là vấn đề lớn nhưng khi 2 hoặc nhiều hơn cán bộ cấp cao trong công ty đồng loạt xin nghỉ, có thể họ muốn thoát khỏi bế tắc hiện tại để tìm kiếm “phao cứu sinh”. Theo Mike Manoske, một nhà quản lý kinh doanh và tuyển dụng, “khi những nhân vật chủ chốt đột ngột nghỉ việc cùng lúc, đó là do họ không còn tự tin ở công ty”.
–Cách giao tiếp thay đổi: Mọi thứ trước kia từng trao đổi qua lời nói giờ phải qua văn bản hoặc ngược lại. Hay tồi tệ hơn: bạn bị loại khỏi cuộc họp mà trước kia mình từng là nhân vật chính. Những thay đổi này có thể do thay đổi cơ cấu hoặc người quản lý muốn làm mọi thứ khác đi. Dù vậy, khi không có lý do chính đáng cho sự thay đổi, đó là dấu hiệu xấu.
Dấu hiệu cảnh báo:
–Ngân sách cắt giảm triệt để: Tất cả việc công tác giảm thiểu tốt đa. Công ty thu hẹp quy mô và chuyển tới vị trí ít đắt đỏ hơn.
–Các phòng ban, nhóm hoặc văn phòng được hợp nhất để tránh dư thừa, tiết kiệm chi phí.
–Nhà cung cấp phàn nàn vì không được công ty thanh toán hóa đơn hàng đã cung ứng: Đây là tình trạng phổ biến ở công ty nhỏ khi dòng tiền bấp bênh. Nhân viên thu mua và kế toán sẽ biết vấn đề này trước tiên.
Khi nhận thấy một vài dấu hiệu trên ở công ty bạn, có thể đã quá muộn để duy trì công việc hiện tại. Vì vậy, bạn phải luôn luôn tỉnh táo, nhanh chóng nắm bắt thông tin trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn để “cứu cánh” cho sự nghiệp của mình. Dưới đây là một số việc bạn nên làm cho dù nền kinh tế đang khó khăn hay thịnh vượng:
–Thu thập thông tin: Những câu chuyện “phiếm”, lời đồn đại có thể giúp bạn có cái nhìn sơ bộ về tình hình đang diễn ra. Nhưng để có thông tin chính xác hơn, bạn nên cởi mở với người quản lý và cả các thành viên ở phòng ban khác. Manoske gợi ý bạn nên làm thân với kế toán bởi đây là những người nắm rõ nhất tình hình tài chính của công ty. Tuy nhiên, hãy khéo léo, đừng lợi dụng họ hay đặt họ vào những tình huống khó xử.
–Làm việc năng suất và hiệu quả: Nhân viên yếu kém là những người đầu tiên phải ra đi khi công ty làm ăn xuống dốc, thậm chí ngay cả khi hoạt động tốt. Ngoài ra, nếu có nhiều người làm cùng một vị trí, công việc, tất nhiên người làm tốt hơn sẽ được giữ lại. Do đó, bạn phải không ngừng duy trì và phát huy năng suất, hiệu quả làm việc của mình. Bạn nên tìm kiếm những cơ hội mới để chứng tỏ bản thân, chủ động đề nghị những dự án không nằm trong mô tả công việc của mình. Hãy chứng tỏ bạn là người nhiệt tình, năng động và luôn muốn giúp đỡ. Dù bạn bị sa thải, những kỹ năng đó cũng giúp bạn tìm kiếm một công việc mới hoặc khởi nghiệm kinh doanh của riêng bạn một cách thuận lợi hơn.
–Luôn luôn học hỏi: Không có gì là chắc chắn trong nền kinh tế hiện nay và bạn phải bắt kịp với những thay đổi. Điều đó có nghĩa là tiếp tục học tập, mở rộng kỹ năng và sáng tạo để có thêm kinh nghiệm.
Vũ Vũ
Theo Monster
(dantri.com.vn)