20 triệu người gặp khó do dịch virus Vũ Hán sẽ nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng
Mới đây, Chính phủ đã xin ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội về đối tượng, nguồn vốn của gói 62.000 tỷ, sớm ban hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch virus Vũ Hán (Covid-19). Dự kiến 20 triệu người với 6 nhóm được tham gia nhận hỗ trợ từ gói này.
Khoảng 20 triệu người được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng
Theo trang Thanh Niên, hôm 6/4 Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng đã gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch virus Vũ Hán (Covid-19). Theo tính toán của Chính phủ, gói hỗ trợ này dành cho khoảng 20 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng.
Theo dự kiến, đề nghị trên sẽ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp ngày 8/4 tới đây.
6 nhóm được trợ cấp và số tiền trợ cấp hàng tháng
Nhóm 1: Người có công với cách mạng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng.
Nhóm 2: Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 1 triệu đồng /hộ/tháng.
Cả hai nhóm này sẽ được nhận hỗ trợ trong 1 lần với mức hỗ trợ của 3 tháng.
Nhóm 3: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng.
Nhóm 4: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm 1 triệu đồng/tháng.
Nhóm 5: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, với điều kiện đã tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 1 triệu đồng/tháng.
Nhóm 6: Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Về nguyên tắc: Chỉ những người bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch virus Vũ Hán (Covid-19) thì Chính phủ, doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Về nguồn vốn của gói 62.000 tỷ
Ngân sách nhà nước khoảng 36.000 tỉ đồng; trong số này ngân sách trung ương khoảng 22.000 – 23.000 tỉ đồng, phần lớn là từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019; ngân sách địa phương khoảng 13.000 – 14.000 tỉ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn còn lại của năm 2019 của ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương và nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
Tuy nhiên, số tiền 62.000 tỉ đồng kể trên còn bao gồm hỗ trợ gián tiếp, thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (khoảng 6.500 tỉ đồng); hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỉ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỉ đồng).
Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 1,8 tỷ USD trong 20 năm, có 706 triệu USD trong lĩnh vực y tế
Gần đây nhất, hôm 31/3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam gần 3 triệu USD để ứng phó dịch bệnh virus Vũ Hán (Covid-19).
“Gần 3 triệu USD hỗ trợ y tế sẽ giúp chính phủ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm, kích hoạt phát hiện trường hợp và giám sát dựa trên sự kiện, hỗ trợ các chuyên gia kỹ thuật để ứng phó và chuẩn bị, truyền thông rủi ro, phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm…”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 31/03.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch (CDC) của Mỹ kết hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đào tạo cho 15 bệnh viện của Việt Nam và đã giúp đào tạo cho 63 tỉnh thành trong việc giám sát, báo cáo và thu thập mẫu virus Vũ Hán (Covid-19), và đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm quốc gia dịch bệnh Covid-19.
Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ thuốc thử Covid-19, và hiện Hoa Kỳ đang phối hợp với cơ quan DTRA để tìm nguồn cung ứng tại địa phương.
Trong 20 năm qua, chỉ riêng trong lĩnh vực y tế, Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam hơn 706 triệu USD trong tổng số 1,8 tỷ USD số tiền tài trợ cho Việt Nam.
Từ Nguyên (t/h)