Standard Chartered mất 17 tỷ USD sau 1 ngày bị nghi “rửa tiền”
Bất chấp sự phủ nhận của Standard Chartered trước cáo cuộc của Sở dịch vụ tài chính New York rằng đã giúp Iran “rửa tiền” với khối lượng giao dịch trị giá 250 tỷ USD, cổ phiếu của ngân hàng có trụ sở tại London vẫn lao dốc không phanh. Kết thúc phiên giao dịch 7/8 trên sàn Hồng Kông, cổ phiếu của Standard Chartered sụt giá hơn 16%.
Standard Chartered có nguy cơ bị phạt nặng (ảnh: BBC)
Đến khi thị trường London mở cửa, các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo khiến giá mỗi cổ phiếu của ngân hàng này chỉ còn 12,28 bảng, giảm 16,4%. Như vậy chỉ riêng trong ngày 7/8, Standard Chartered bị thiệt hại tới 17 tỷ USD. Còn tính chung từ thời điểm thông tin nhà băng này bị điều tra “rửa tiền” được công bố cuối ngày 6/8 theo giờ Mỹ, giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng này đã “bốc hơi” 24%.
Theo hãng tin Reuters, trước những thông tin bất lợi liên tiếp nêu trên, CEO Peter Sands đã phải tức tốc chấm dứt kỳ nghỉ để quay về giúp ngân hàng lập kế hoạch phòng thủ, hạn chế tổn thất cả về tài chính lẫn danh tiếng. Đáng chú ý là trong ngày hôm qua, chính phủ Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định sẽ coi việc vi phạm lệnh cấm vận là hành vi “cực kỳ nghiêm trọng”.
“Việc vi phạm lệnh cấm vận là điều mà chính phủ luôn xem xét một cách cực kỳ nghiêm trọng và luôn xử lý nghiêm”, thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney phát biểu trước báo giới. Đồng thời vị quan chức này cho biết thêm rằng Bộ Tài chính Mỹ đang liên hệ chặt chẽ với các cơ quan liên bang cũng như chính quyền bang New York về vụ việc này.
Vào ngày 15/8 tới Standard Chartered sẽ phải ra điều trần trước cơ quan chức năng bang New York. Đồng thời sẽ có một buổi họp chính thức được tổ chức để “xác định án phạt tiền”. Ngoài ra ngân hàng này cũng đang có nguy cơ bị tước giấy phép kinh doanh nếu không thể đưa ra lý lẽ đủ thuyết phục để bảo vệ cho mình.
Theo kết quả điều tra của Sở dịch vụ tài chính New York, Standard Chartered đã cố ý làm sai lệch thông tin trong các giao dịch chuyển tiền để che giấu danh tính các khách hàng người Iran. “Ngân hàng đã cung cấp những chỉ dẫn chi tiết từng bước cho việc loại bỏ thông tin tại bất kỳ bức điện chuyển tiền nào có chứa thông tin về khách hàng Iran”, bản báo cáo viết.
Các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng còn được cho rằng đã mã hóa những quy trình bất hợp pháp của mình dưới dạng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, một trong số đó có tên: “Quy trình quản lý chất lượng giao dịch ngân hàng Iran”.
Trong rất nhiều bức thư điện tử từ năm 1995, các luật sư của Standard Chartered đã tư vấn cho ngân hàng này cách “lách” các quy định về cấm vận của Mỹ. Tháng 3/2001, cố vấn pháp lý của ngân hàng này đã tư vấn rằng “chỉ thị thanh toán của chúng ta (cho khách hàng Iran) không nên nêu danh tính khách hàng hoặc mục đích của việc chuyển tiền”.
Đến năm 2006, những giao dịch của Standard Chartered chi nhánh New York bắt đầu bị hoài nghi. Khi ấy CEO phụ trách châu Mỹ của ngân hàng này đã gửi một email về London nói rằng cần “đánh giá xem liệu các lợi ích chiến lược và lợi nhuận có…đủ bù đắp cho những nguy cơ tổn thất rất nghiêm trọng, thậm chí là thiệt hại ghê gớm về danh tiếng của tập đoàn”.
Vậy nhưng cảnh báo trên đã bị các lãnh đạo tại hội sở chính của ngân hàng lờ đi và tiếp tục có những hành vi che đậy một cách phi pháp. 4 trong số các cáo buộc của cơ quan điều tra đó là: làm giả hồ sơ giao dịch; không đảm bảo sự chính xác của sổ sách và hồ sơ; không báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng và vi phạm các lệnh cấm vận của chính quyền liên bang Mỹ.
Phát biểu trên BBC, giám đốc Penelope Lepeudry của công ty tư vấn điều tra tài chính Kroll Advisory Solutions, “nếu các cáo buộc là chính xác, đây sẽ là một vụ việc rất nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng sẽ không bị thuyết phục chỉ sau một tuyên bố từ ngân hàng. Họ cần có bằng chứng”.
Thanh Tùng (dantri.com.vn)