Nghệ thuật cổ điển với nghệ thuật hiện đại
NEW YORK- Theo một thử nghiệm được một nhà phê bình nghệ thuật của website MailOnline.com là Philip Hensher tiến hành ở Tate, Vương Quốc Anh, công chúng dường như không muốn xem tranh hoặc các công trình nghệ thuật hiện đại mà lại thích nghệ thuật cổ điển hơn.
Thay vì tiến hành một cuộc khảo sát, Hensher và 8 quan sát viên khác đã ghi lại phản ứng thực của những người đến tham quan bảo tàng. Cuộc điều tra này đã đặt các nghệ sĩ hiện đại, Damien Hirst, Tracy Emin, và Rachel Whiteread, và các bậc thầy vĩ đại trong lịch sử như Whistler, Hogarth, và Sargent vào sự thử thách của thời gian.
Ophelia (Tranh màu dầu trên vải) của John Everett Millais (1851), một phần của bộ sưu tập Tate Gallery. (Wikipedia tiếng Việt)
Các bài báo trên MailOnline, xuất bản tháng ba, có tiêu đề đầy khiêu khích “Chúng tôi biết chúng tôi thích những gì, và nó không phải là nghệ thuật hiện đại!”
Bài báo trên MailOnline, một ấn phẩm của Anh giải thích: Các quan sát viên đã dành một ngày ghi lại phản ứng của mọi người với 4 bức tranh cổ điển so với tác phẩm của 4 nghệ sĩ đương đại người Anh nổi tiếng. Các quan sát viên tính thời gian mà khách tham quan xem các bức tranh và mỗi tác phẩm này thu hút kiểu khách nào.
Theo báo cáo: “Ngạc nhiên thay, bất chấp tất cả các tranh cãi và sự khuyến khích công khai của các nghệ sĩ mới của Anh, trong thử thách này họ đã kém hơn so với các nghệ sĩ thế kỷ 18 và 19 ấy”.
Ví dụ, thời gian xem trung bình của 379 khách tham quan dành cho bức tranh của Damien Hirst, gồm một hình vuông lớn với các chấm màu nhỏ, là 5 giây, trong khi thời gian xem lâu nhất là 30 giây. Các nhà quan sát lưu ý rằng hầu hết mọi người chỉ đi lướt qua tác phẩm.
Bản báo cáo cũng miêu tả chi tiết: “Một người phụ nữ trung niên thở dài, bước giật lùi, lắc đầu rồi bỏ đi. Một phụ nữ 24 tuổi nói “Với tôi nó chỉ trông giống như giấy gói hàng. Mặc dù mẫu mã khá đẹp’”.
Các quan sát viên cũng chỉ ra rằng các nhóm học sinh rất thích tác phẩm chú cừu cau có của Hirst. Chú cừu chết trôi nổi trong bể kính chứa chất fomanđêhyt.
Theo phòng trưng bày này, gian phòng Damien Hirst gồm có 5 tác phẩm quan trọng làm nên sự nghiệp của Hirst, bao gồm cả những con bướm chết và một bức ảnh của một cái đầu bị cắt đứt.
Tác phẩm “Ophelia” của Sir John Everett Millais cũng được yêu thích. Tác phẩm này diễn tả người nữ anh hùng trong bi kịch của Shakespeare, trượt chân ngã xuống một dòng suối và để mình chết đuối.
Trong số 562 khách, thời gian trung bình xem bức tranh này là 1 phút 57 giây, trong khi lâu nhất là 30 phút. Nhìn chung, theo các ghi chép này thì người xem thực sự bị cuốn hút, và khoảng một nửa trong số đó đã thảo luận về bức họa này. Ngược lại, mọi người chỉ có xu hướng nhìn lướt các tác phẩm đương thời.
Theo cuộc thử nghiệm này thì tác phẩm “Hoa cẩm chướng, hoa loa kèn, hoa loa kèn, hoa hồng” của John Singer Sargent cũng là một bức họa được yêu thích, với thời gian xem trung bình là 59 giây và lâu nhất là 3 phút. Bức tranh này là một hình ảnh đẹp của hai cô gái trong một khu vườn xung quanh ngập tràn hoa nở. Họ đang cầm những chiếc đèn lồng trong cái giống như là ánh sáng lúc hoàng hôn. Người xem thoải mái bày tỏ rằng họ rất thích tác phẩm này.
Một người đàn ông 56 tuổi ở Florida đã nói trong báo cáo “Tôi bị cuốn hút bởi ánh sáng và thảm cỏ xung quanh chân họ. Tôi thích những tác phẩm truyền thống hơn. Các tác phẩm hiện đại có rất ít hy vọng”.
Những người phụ trách bảo tàng và phòng trưng bày có thể suy nghĩ lại về những gì họ đang nắm giữ thay mặt cho công chúng.
Chủ tịch Trung tâm đổi mới nghệ thuật, Fred Ross trong bài phát biểu của mình có tên là “Nghệ thuật hay, nghệ thuật dở: khép lại bức màn” tại một hội nghị năm 2001 tạibảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York, đã nói rằng: “Chủ nghĩa hiện đại là nghệ thuật về nghệ thuật. Nó không ngừng hỏi, đến mức nhàm chán, rằng nghệ thuật là gì? Nghệ thuật là gì? Chỉ những điều mở rộng các ranh giới của nghệ thuật là tốt, những cái khác đều là xấu [trong chủ nghĩa hiện đại]. Nó là nghệ thuật về nghệ thuật. Bởi vì các bạn của tôi ơi, tất cả nghệ thuật vĩ đại trong lịch sử là nghệ thuật về cuộc sống”.
Tác giả: Mantyk Katy
(Theo Epochtimes)