Trung Quốc âm mưu vũ trang ngư dân xuống biển Đông
Một quan chức cấp cao ngành ngư nghiệp Trung Quốc mới đây đề xuất chính phủ trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân nước này để tràn xuống biển Đông “đánh bại Việt Nam và các nước láng giềng đang thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh” ở biển Đông.
Người đưa ra ý kiến sặc mùi gây hấn này là Hạ Kiến Bân, người đứng đầu tập đoàn quốc doanh Ngư nghiệp Bảo Sa đóng tại tỉnh Hải Nam. Trong bài bình luận trên tờ báo nổi tiếng hiếu chiến Thời báo Hoàn Cầu hôm 28-6, ông Hạ viết: “Nếu chúng ta điều 5.000 tàu cá xuống biển Đông thì sẽ có 100.000 ngư dân. Và nếu chúng ta biến họ thành chiến binh, cho họ vũ khí, ta sẽ có một lực lượng quân sự mạnh hơn cả lực lượng tổng hợp của các nước trên biển Đông”.
Ông này còn tự tin tuyên bố vào thời điểm hiện nay, điều phối số tàu cá trên xuống biển Đông là “chuyện nhỏ”. “Chỉ riêng tỉnh Hải Nam đã có hơn 23.000 tàu với hơn 225.000 thuyền trưởng kinh nghiệm. Chúng ta nên huấn luyện họ vào khoảng giữa tháng 5 đến tháng 8 hàng năm khi hoạt động đánh bắt đang tạm nghỉ” – ông Hạ viết.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại bãi đá Su Bi thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông ta còn công khai xem những ngư dân này là lực lượng “giải quyết vấn đề biển Đông” cho Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn xác định Hải quân Mỹ là chướng ngại vật chính và là kẻ thù số một trong cục diện biển Đông. Chính vì vậy, sử dụng tàu cá thay vì tàu hải quân sẽ giúp Trung Quốc “không rơi vào bẫy của Mỹ”, theo ý ông Hạ Kiến Bân.
Là một quan chức cấp cao của ngành ngư nghiệp Trung Quốc, đề xuất của ông Hạ Kiến Bân phản ánh rõ nét tư tưởng quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh. Trong vài tuần gần đây, theo báo Washington Times, chính quyền Trung Quốc không ngừng sử dụng chiêu bài tàu cá để leo thang căng thẳng với hầu hết các quốc gia có chung đường biên giới trên biển, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines.
Có thể điểm mặt trong các vụ đụng độ nóng bỏng nhất, chủ yếu là với Nhật Bản và Philippines, tàu cá Trung Quốc luôn đóng vai trò chủ chốt. Dĩ nhiên, theo sau những chiếc tàu cá dân sự này chính là tàu công vụ của Cục Hải giám và Cục Ngư chính trong khi Hải quân Trung Quốc chưa tiện ra mặt thách thức trực tiếp lực lượng hải quân hùng mạnh của Nhật, Hàn và có thể là Mỹ.
Các tàu hải giám, ngư chính đã hỗ trợ đắc lực cho tàu cá Trung Quốc trong vụ tranh chấp bãi đá ngầm Scarborough với Philippines. Cũng với sự hộ vệ của tàu ngư chính, đoàn tàu cá 30 chiếc của tỉnh Hải Nam đang ngang nhiên khai thác tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đến ngày 18-7, đội tàu này đang đánh bắt tại bãi đá Su Bi thuộc quần đảo Trường Sa, theo Tân Hoa Xã.
HẢI NGỌC