Tảo hôn – bi kịch cô dâu trẻ và cuộc đời bị đánh cắp

15/05/12, 15:13 Tin Tổng Hợp

Tảo hôn là việc kết hôn khi có ít nhất một bên vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Cùng với bạo hành và lạm dụng tình dục, đây là một trong những cơn ác mộng kinh hoàng nhất đối với nữ giới ở một số nước đang phát triển. Đặc biệt, ở Trung Đông, Nam Á và khu vực châu Phi cận Sahara, tảo hôn còn biến tướng như một hình thức nô lệ hôn nhân thời hiện đại. Bộ ảnh có tên tên “Too young to wed” (tạm dịch là: Quá trẻ để kết hôn) dưới đây do phóng viên ảnh người Mỹ – Stephanie Sinclair thực hiện.

Cô bé Ghulam (11 tuổi) và chồng Mohammed (40 tuổi) trong căn nhà ở Afghanistan trước lễ cưới. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Phụ nữ (ICRW), trên thế giới hiện có khoảng 51 triệu bé gái dưới 18 tuổi đã kết hôn và ước tính con số đó sẽ lên tới 100 triệu vào cuối thập kỷ này. Nhiều bé gái bị buộc kết hôn khi chưa đến tuổi dậy thì, đa phần bị gả cho những người đàn ông lớn tuổi.

Cô bé Rajni (5 tuổi) bị đánh thức từ mờ sáng để chuẩn bị cho lễ cưới bí mật vào lúc 4h. Hai chị em gái của cô bé cũng vừa kết hôn trước đó không lâu khi mới 13 và 15 tuổi.

Rajni và chú rể 10 tuổi trong hôn lễ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới nghiêm cấm tảo hôn, song do điều kiện kinh tế, quan niệm tôn giáo và những phong tục lạc hậu mà thực trạng này vẫn tồn tại phổ biến.

Majabin (13 tuổi) cùng chồng mới cưới, vợ cả và con của vợ cả. Người cha ham mê cờ bạc đã dùng cô bé để gán nợ cho người đàn ông này như một món hàng. Hình ảnh những “đôi đũa quá lệch” như vậy ở đây không hề hiếm và được người dân xem như chuyện rất đỗi bình thường.

Các thành viên trong gia đình đang trùm chiếc khăn màu trắng lên đầu Leyualem (14 tuổi) trước khi đưa cô đến nhà chú rể. Chiếc khăn này sẽ ràng buộc cô với cuộc hôn nhân theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi nó không chỉ là tín vật theo nghi thức mà còn được người lớn dùng như vật che chắn để cô bé không tìm được đường về nhà.

Bức ảnh cưới của Maya (8 tuổi) và Kishore (13 tuổi) trong ngôi nhà mới của họ ở phía Bắc Ấn Độ. Kể từ đây, cuộc đời của hai đứa trẻ này sẽ bị ràng buộc với nhau và liệu đó có phải mong muốn của cả hai?

Một gia đình có tới 2 người vợ và 6 đứa con đang tụ tập lấy nước bên dòng suối ở ngoại ô Bahir Dar, Ethiopia.

Bức ảnh giống như một cô bé nghịch ngợm bên ông mình, nhưng thực chất lại là một cặp vợ chồng sắp cưới – Roshan (11 tuổi) và Mohammed (55 tuổi). Sau lễ cưới, cô sẽ đến ở cùng vợ cả, ba cậu con trai và một cô con gái út của “chồng” cũng trạc tuổi cô. Cô bé vẫn còn quá hồn nhiên để hiểu được thế nào là hôn nhân và điều gì đang chờ mình phía trước.

Đối với cô gái này, ngày cưới không hề hạnh phúc mà chỉ có nước mắt và đắng cay.

Sumeena (15 tuổi) khóc nấc trên lưng cha khi ông đưa cô đến nhà chồng ở làng Kagati, Nepal.


Em gái của Sumeena gào khóc khi cha đưa chị gái đi.

Người trưởng thôn đang thực hiện nghi thức chúc phúc cho ngôi nhà mới trong đám cưới. Ở nhiều nước đang phát triển, việc kết hôn trước tuổi nằm ngoài vòng pháp luật nhưng được xã hội âm thầm chấp nhận.

Tahani (áo hồng) chụp ảnh cùng chồng và gia đình cô bạn học cũ Ghada ở vùng núi Hajjah, Yemen. Tahani đã kết hôn khi cô mới 6 tuổi còn chồng cô 25 tuổi. “Bất cứ khi nào nhìn thấy anh ta, tôi đều trốn. Tôi không muốn nhìn thấy anh ta” – cô nhớ lại những ngày đầu của cuộc hôn nhân.

Cô dâu mới cưới người Afghanistan này đang ôm mặt khóc trong ngôi nhà của mình ở tỉnh Takhar. Pháp luật Afghanistan quy định tuổi kết hôn của nữ giới là đủ 16 trở lên, nhưng theo thống kê của UNICEF, 57% các cuộc hôn nhân ở Afghanistan là những cô dâu chưa đầy 16 tuổi và 80% trong số đó là bị ép buộc hoặc dàn xếp. Ở Ấn Độ và Bangladesh, tỉ lệ này xấp xỉ 1/3 trong khi ở Nigeria và Ethiopia lên tới 1/2.

Thiếu phụ trẻ này phải ra đồng làm việc từ sáng sớm. Sau ngày cưới, cánh cửa tương lai của cô gần như đã đóng lại, giam hãm cuộc đời cô trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói, thất học và bạo hành.

Gương mặt buồn rầu của cô dâu Ghulam (11 tuổi) trong ngày cưới. Cô bé tâm sự ước muốn của mình là trở thành cô giáo, song số phận nghiệt ngã đã buộc em phải làm vợ, làm mẹ trong khi em còn cả một tuổi thơ chưa đi hết và ước mơ dang dở. Khi được hỏi cảm giác của mình về chồng mới cưới, cô bé bối rối: “Cháu chưa từng gặp ông ta trước đó, cháu nên cảm thấy như thế nào đây?”.

Ziagul (16 tuổi) ngồi bên gia đình chồng Mohammed Wazir (50 tuổi) ở một ngôi làng ven Jalalabad, Afghanistan. Cô bị gả bán cho người đàn ông này với giá 10.000 USD (khoảng 208 triệu đồng) và hiện giờ đang mang thai đứa con thứ hai. Chồng cô đã bán tất cả nhà cửa, đất đai và gia súc để kiếm đủ số tiền đó, giờ đây gia đình họ lại sống trong cảnh nghèo khó.

Yekaba Kerebet (16 tuổi) người Ethiopia đang được cáng đi bệnh viện để sinh đứa con đầu lòng. Cô đã kiệt sức vì vật lộn suốt 3 ngày trong cơn đau trở dạ. Cô gái này sau đó đã mắc phải biến chứng fistula (một dạng biến chứng đối với phụ nữ sau sinh, khiến họ không thể kiểm soát được việc đi vệ sinh của mình) và bị dân làng xa lánh vì cho rằng cô bị thần linh nguyền rủa.

Việc sinh con khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, đẻ non, nguy cơ tử vong cao gấp 2 – 5 lần so với phụ nữ trưởng thành. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm ở những vùng nông thôn hẻo lánh, nơi các sản phụ không được hỗ trợ thuốc men và các phương tiện y tế cần thiết khi sinh.

Một cô gái trẻ làm nghề mại dâm bị đánh bởi khách làng chơi. Rất nhiều cô gái chạy trốn khỏi các cuộc tảo hôn và thông thường, họ bị bọn buôn người lừa bán vào nhà thổ, phải đối mặt với bạo lực, lạm dụng và nhiễm HIV.


Elsa Haile (20 tuổi) với con trai của mình. Ở tuổi 11, Elsa đã chạy trốn vào cái ngày cô bị ép lấy một người đàn ông không hề quen biết. Cô tìm được việc trong một cửa hàng nhưng không ngờ đó lại là nhà chứa và hiện giờ, chính cô cũng không biết cha của con mình là ai. Cô dự định đi xét nghiệm HIV cho 2 mẹ con và cầu nguyện những tháng ngày đen tối này mau chấm dứt.

Marzia (15 tuổi) đang được điều trị bỏng tại một bệnh viện địa phương. Cô gái đáng thương đã làm hỏng chiếc TV của nhà chồng và sợ tới mức tự thiêu mình khi nghĩ tới những trận đòn roi tàn nhẫn mà họ vẫn dùng để trừng phạt cô.

Nữ cảnh sát Malalai Kakar đang bắt giữ Janan sau khi anh ta đuổi giết cô vợ Jamilia (15 tuổi) và đâm nhiều nhát vào bà ngoại của cô. Jamilia đã đính hôn từ năm 1 tuổi, kết hôn năm 10 tuổi, song vì vẫn chỉ là một đứa trẻ nên cô thiếu những kỹ năng cần thiết để trở thành một người vợ và nhiều lúc, điều đó đã chọc giận người chồng vũ phu.

Họ hàng của Rokhshana Rahimi đang cầu nguyện trong đám tang của cô. Rahimi đã tự thiêu khi người chồng mà cô kết hôn vào năm 10 tuổi, người đã rời bỏ cô sau 14 năm ở nước ngoài, buộc cô phải quay lại với anh ta.


Cô bé 15 tuổi Sahar Gul đã bị gia đình chồng đánh đập dã man khi cô chống đối việc làm gái mại dâm để kiếm tiền cho họ. Trong nhiều tháng, họ nhốt cô dưới một tầng hầm dơ bẩn, rút móng tay, giật tóc và dùng lửa để tra tấn cô. Sahar đã được giải thoát sau đó và gia đình chồng cô cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình. Vụ việc đã làm dấy lên dư luận phản đối bạo hành gia đình và vi phạm quyền con người ở Afghanistan trong suốt một thời gian dài, song khía cạnh tảo hôn lại không mấy được quan tâm.

Những người thân đau khổ trước sự ra đi của Shakila. Sau khi bị chồng đánh đập, cô đã tự thiêu và qua đời do vết bỏng quá nặng. Kẻ gián tiếp cướp đoạt đi cuộc sống của Shakila không chỉ là chồng cô mà chính là cả cái xã hội đầy những định kiến, lạc hậu và đói nghèo.

Cậu con trai mới 2 tuổi của Shakila sẽ không bao giờ được gặp lại mẹ mình nữa.

Mejgon Amoni (16 tuổi) than khóc trong phòng mình ở một trại tị nạn của tổ chức WASSA (một tổ chức về dịch vụ xã hội và hỗ trợ phụ nữ ở Afghanistan). Cô đã ở đây 6 tháng chờ người nhà tới đón về, nhưng trong xã hội Afghanistan, người phụ nữ bỏ chồng dù với bất kỳ lý do nào cũng đều bị cho là hư hỏng và không ai được phép chứa chấp. Amoni bị cha mình bán đi ở tuổi 11 cho một người đàn ông 60 tuổi chỉ vì hai tép heroin. Cô đã phải sống nhiều năm trời cùng thuốc phiện cho đến khi trốn thoát.

(kenh14.vn)

Ad will display in 09 seconds

Thời nay ai bị coi là Tà dâm?

Ad will display in 09 seconds

Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

Ad will display in 09 seconds

Mạng 5G: Mối hiểm họa cho con người!

Ad will display in 09 seconds

Thế gian này điều gì là quý giá nhất? Luân hồi 3000 năm mới tìm thấy câu trả lời

Ad will display in 09 seconds

Câu chuyện đẫm nước mắt của lão hòa thượng làm heo

Ad will display in 09 seconds

Đâu là khí chất của một người cao quý

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

Ad will display in 09 seconds

Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Lời dặn của quỷ đói

Ad will display in 09 seconds

Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

  • Thời nay ai bị coi là Tà dâm?

    Thời nay ai bị coi là Tà dâm?

  • Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

    Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

  • Mạng 5G: Mối hiểm họa cho con người!

    Mạng 5G: Mối hiểm họa cho con người!

  • Thế gian này điều gì là quý giá nhất? Luân hồi 3000 năm mới tìm thấy câu trả lời

    Thế gian này điều gì là quý giá nhất? Luân hồi 3000 năm mới tìm thấy câu trả lời

  • Câu chuyện đẫm nước mắt của lão hòa thượng làm heo

    Câu chuyện đẫm nước mắt của lão hòa thượng làm heo

  • Đâu là khí chất của một người cao quý

    Đâu là khí chất của một người cao quý

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Trước khi đại náo Thiên Cung  Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

    Trước khi đại náo Thiên Cung Tôn Ngộ Không là người như thế nào?

  • Lời dặn của quỷ đói

    Lời dặn của quỷ đói

  • Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện

    Cả đời bái Phật nhưng vì sao vẫn không toại nguyện