Đi vòng quanh thế giới tìm 4 loại cây kỳ quái
1. Cây máu rồng
Đến thăm quần đảo Socotra của đất nước Yemen, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều loại cây kỳ lạ, một trong số đó là cây Kinnabari hay còn gọi là cây máu rồng.
Với những tán lá mở rộng nên khi nhìn từ dưới lên, trông cây máu rồng như một chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh; còn khi nhìn từ trên cao xuống thì trông chúng như những chiếc ô khổng lồ đem đến bóng mát, nuôi dưỡng cây con phát triển trong khí hậu khắc nghiệt.
Từ dáng vẻ bề ngoài tới dòng nhựa bên trong, loại cây Kinnabari này trông giống hình thù một con rồng có móng vuốt sắc nhọn chĩa lên trời. Tên của cây có nguồn gốc từ chính màu nhựa đỏ sẫm của cây chứ không phải nhựa màu trắng giống loại cây khác. Các thương nhân coi chính nhựa màu đỏ thẫm máu đã làm cho cây trở thành một mặt hàng có giá trị. Cây máu rồng đã được ca tụng từ thời kỳ La Mã cổ đại cho mục đích y tế, nó được sử dụng để làm sản phẩm y dược, các loại thuốc nhuộm, kem đánh răng.
2. Cây đạn đại bác
Cây Cannonball (hay còn gọi là cây đạn đại bác) có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ); sống phổ biến trong khu rừng cận nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Ngày nay, cây này được trồng nhiều ở Ấn Độ, khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Cannonball là một dạng cây thân gỗ, cây có thể cao tới 30-35m. Hoa Cannonball mọc ra từ thân cây, suốt từ gốc lên, chùm hoa có khi dài tới 3m. Quả Cannonball tròn, to có đường kính 15-24cm, mỗi quả chứa 200-300 hạt, có hình dáng như đạn đại bác vậy. Thỉnh thoảng, quả lại rụng xuống bất ngờ nên teen cần cẩn thận kẻo bị rơi trúng đầu khi đứng gần cây này nhé!
Tuy có bề ngoài sần sùi nhưng cây Cannonball này có nhiều công dụng lắm nha! Quả cây Cannonball có tính kháng sinh, kháng nấm, sát khuẩn, có tác dụng giảm đau đặc biệt là đau răng, thân cây được sử dụng để chữa bệnh cảm lạnh và đau dạ dày nữa đấy!
3. Cây Baobab
Cây Baobab là 1 trong 8 loại cây đặc biệt sống ở Madagascar, châu Phi và châu Úc. Các ấy có biết, phải đến 40 người nắm tay nhau mới ôm hết “vòng eo” 50m của cây này đấy! Tuổi thọ trung bình của cây này từ 4.000 tới 5.000 tuổi.
Lá, quả và vỏ cây Baobab đều có thể làm thuốc. Lá non có thể phòng chữa bệnh thiếu máu và còi xương; vỏ cây có nhiều xơ dùng để xe sợi dệt vải, đan rổ rá, bện thừng hay làm giấy nữa cơ.
Điều thú vị là cây Baobab là một anh béo “rỗng” – trong thân cây hoàn toàn rỗng không, mùa hè có thể dùng làm nơi “nghỉ mát”, mùa mưa lấy chỗ cho sư tử, ngựa vằn trú tạm.
4. Cây Banyan
Người Ấn Độ vô cùng tôn thờ cây Banyan bởi nó gắn liền với truyền thuyết về các vị Phật. Họ làm lễ dưới gốc cây và đi “lang thang” len lỏi giữa các rễ phụ khổng lồ của cây. Bản thân một cây Banyan thôi cũng trông giống như “khu rừng” rồi do lượng rễ phụ vô cùng nhiều và chu vi tán cây có thể lên tới… 330m.
Các rễ phụ của Banyan khi chạm được tới mặt đất có thể tự hút dinh dưỡng từ lòng đất, góp phần phát triển “ngôi nhà chung” khổng lồ ấy.