Xung đột Armenia-Azerbaijan: Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ các nhà ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức họp kín vào ngày 29/9, để bàn về vấn đề xung đột tại Nagorno-Karabakh mà không có sự tham gia của Armenia và Azerbaijan.
“Cuộc họp nhiều khả năng sẽ được tổ chức vào ngày 29/9 theo hình thức tham vấn kín sau buổi thảo luận về tình hình Syria, theo đề xuất của Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Estonia”, một nguồn tin trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết vào ngày 28/9.
Hình thức tham vấn kín đồng nghĩa với việc chỉ có 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự họp, các bên liên quan đến xung đột đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh không được tham gia.
Hãng tin Reuters cho biết, tình trạng giao tranh tại vùng Nagorno-Karabakh đã leo thang mạnh trong ngày 28-9 và hàng chục người đã thiệt mạng khi cuộc xung đột giữa Azerbaijan – Armenia tiếp diễn tại đây ngày thứ hai.
Theo Hãng tin AFP, các quan chức tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh cho biết đã có thêm 26 binh sĩ của họ thiệt mạng vào cuối ngày 28/9, nâng tổng số binh sĩ thiệt mạng lên 84. Cùng với 9 dân thường thiệt mạng ở phía Azerbaijan và 2 dân thường ở phía Armenia, tổng số người thiệt mạng đã tăng lên 95.
Azerbaijan không báo cáo số thương vong quân sự nào. Tuy nhiên, phía Armenia đã công bố các hình ảnh cho thấy xe bọc thép bị cháy và thi thể của các binh sĩ mà theo họ chính là binh sĩ Azerbaijan.
Ngày 28/9, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo, nước này sẵn lòng tổ chức đàm phán cấp cao giữa Armenia và Azerbaijan, bày tỏ ủng hộ nỗ lực giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh thông qua đối thoại, “Do không có giải pháp thay thế mang tính hòa bình khác cho cuộc xung đột, phải lập tức nối lại các cuộc đàm phán một cách vô điều kiện”, Bộ Ngoại giao Thụy sĩ cho biết.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan
Anh và Canada hôm qua ra tuyên bố chung kêu gọi hai nước chấm dứt tình trạng thù địch quanh vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh: “Canada và Anh quan ngại sâu sắc trước báo cáo về hoạt động quân sự quy mô lớn dọc theo Đường Tiếp giáp trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. Các báo cáo về khu dân cư bị pháo kích và dân thường thương vong gây lo ngại sâu sắc”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về leo thang xung đột tại Nagorno-Karabakh, đề nghị Armenia và Azerbaijan “làm mọi điều có thể để ngăn xung đột tiếp tục leo thang và chấm dứt thái độ thù địch”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay đang xem xét tình hình xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh, bày tỏ mong muốn hòa giải xung đột.
Xung đột ở Karabakh bắt đầu vào tháng 2/1988, Armenia và Azerbaijan luôn trong tình trạng đối đầu ở vùng biên giới Nagorno-Karabakh. Khu tự trị Nagorno-Karabakh đã tuyên bố tách khỏi Azerbaijan. Trong thời kỳ xung đột 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận.
Minh Huy (t/h)