‘Xù’ hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia, DN đăng ký xuất khẩu hàng chục tấn ra nước ngoài
Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã mở đợt thầu thu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020. Tuy nhiên có rất nhiều doanh nghiệp trúng thầu không đến ký hợp đồng, khiến số lượng thu mua mới chỉ đạt 7.700 tấn, điều đáng nói là dù hủy hợp đồng dự trữ trên nhưng một số doanh nghiệp lại đăng ký xuất khẩu hàng chục ngàn tấn gạo ra nước ngoài…
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, qua việc rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký các tờ khai xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã phát hiện có một số doanh nghiệp ‘bùng’ gạo dự trữ Nhà nước để đem đi xuất khẩu.
Doanh nghiệp ‘xù’ hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia để đem đi xuất khẩu
Cụ thể, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, Tổng cục Hải quan nhận thấy có nhiều doanh nghiệp trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ, những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Điều đáng nói là dù không ký kết hợp đồng dự trữ gạo nhưng khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu gạo với số lượng lên tới hàng nghìn tấn.
Theo thống kê của Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan thì hiện có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách trên, gồm:
Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa ký hợp đồng nhưng lại đăng ký đến 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Tổng Công ty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, cho đến thời điểm này cũng chưa ký hợp đồng nhưng lại đăng ký xuất khẩu đến 7.200 tấn gạo.
Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh và Công ty Cổ phần Vĩnh Tường cũng nằm trong danh sách trúng thầu trên nhưng đến nay dù chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước nhưng cả hai doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn gạo.
Sẽ mở đợt thầu mới để mua đủ số gạo dự trữ còn thiếu
Theo Cơ quan Hải quan thì việc làm trên của các doanh nghiệp sẽ làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, không đảm bảo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên hiện chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu dự trữ quốc gia rồi mới được xuất khẩu.
Để giải quyết vấn đề trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết sẽ báo cáo cấp trên về việc hủy đợt thầu mua gạo dự trữ vừa diễn ra, đồng thời sẽ tiến hành đợt đấu thầu mới ở 22 cục Dự trữ trên cả nước.
Tịch thu toàn bộ tiền bảo lãnh của DN ‘bùng’ hợp đồng gạo dự trữ quốc gia
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) Đỗ Việt Đức thì những doanh nghiệp trúng thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng bỏ ngang như trên sẽ bị tịch thu toàn bộ tiền bảo lãnh dự thầu, tương đương 1,5-2% giá trị gói thầu.
Trước đó vào ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua cao hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt trước đó.
Thực hiện chỉ đạo trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã đấu thầu rộng rãi việc mua dự trữ 190.000 tấn gạo, loại 15% tấm, gạo và đến ngày 3/4 đã trúng được 178.000 tấn gạo dự trữ năm 2020, dự kiến sẽ hoàn thành nhập kho trước ngày 15/6.
Tuy nhiên, sau đó lại có hiện tượng các doanh nghiệp trúng thầu kéo dài thời gian ký hợp đồng và không thực hiện đúng thương thảo hợp đồng khiến hàng loạt đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải hủy kết quả trúng thầu trên…
Vũ Tuấn (t/h)