Xây dựng kính thiên văn ‘khủng’ nhất thế giới
Một liên minh gồm 15 quốc gia châu Âu dự định sẽ xây dựng kính thiên văn lớn nhất thế giới vào năm 2022.
Tổ chức Quan sát thiên văn Nam bán cầu của châu Âu (ESO), với sự ủng hộ từ 15 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, vừa tiết lộ dự án xây dựng kính thiên văn lớn nhất thế giới Extremely Large Telescope (E-ELT) trị giá 1,08 tỷ euro trên đỉnh núi cao 3.060 m tại Chile. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2022.
Tấm gương lớn bên trong của kính thiên văn E-ELT sẽ có đường kính lên tới 39m – rộng gấp 4 lần so với kính thiên văn lớn nhất hiện nay. Với kích thước khổng lồ, kính thiên văn E-ELT có thể giúp các nhà thiên văn học quan sát các hành tinh xa và mờ trong Hệ mặt trời của chúng ta. Các nhà thiên văn học hy vọng, kính thiên văn E-ELT sẽ giúp hiểu rõ hơn về sự hình thành của các thiên hà và hố đen tự nhiên trong vũ trụ. Họ cũng hy vọng, E-ELT sẽ giải đáp được 2 bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ của chúng – là sự hình thành của ‘vật chất tối’ và ‘năng lượng đen’. Tại cuộc họp giới thiệu dự án kính thiên văn E-ELT ở Garching (Đức) vào đầu tuần này, tất cả 15 quốc gia thành viên của ESO đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ. Trong đó, Áo, CH Czech, Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Thụy Sĩ đã quyết định bỏ phiếu đồng thuận đối với dự án này. Bốn quốc gia khác gồm Bỉ, Phần Lan, Italia và Anh bày tỏ ủng hộ, nhưng còn chờ quyết định cuối cùng từ chính phủ. Giám đốc của ESO, ông Tim de Zeeuw, cho biết trên Daily Mail: “Kết quả thu được ban đầu thật tuyệt vời đối với ESO. Bây giờ chúng tôi có thể tiến hành những bước tiếp theo của dự án khổng lồ này.” Hà Hương
|
Theo VietnamNet