Vụ án có thật được lồng ghép trong hoạt hình của Ghibli: Totoro là sứ giả của thần chết?
Studio Ghibli thường nổi tiếng với các bộ phim hoạt hình liên quan đến tâm linh, hoặc mang những hàm ý sâu sắc nào đó về thực trạng xã hội, những điển tích, hoặc biến cố trong lịch sử. Chúng được khéo léo lồng ghép vào ý tưởng của cốt truyện. Trong đó, bộ hoạt hình Hàng Xóm Tôi Là Totoro, là một trong những bộ gây tranh cãi, bởi theo nhiều đồn đoán, nó liên quan đến một vụ án mạng có thật vào năm 1963.
Ra mắt năm 1988, Hàng Xóm Tôi Là Totoro là một trong những bộ phim hoạt hình kinh điển nổi tiếng của đạo diễn Hayao Miyazaki. Bộ phim kể về cuộc phiêu lưu kỳ diệu đầy phép màu của hai cô bé là Satsuki (11 tuổi) và Mei (4 tuổi). Cả hai đã kết bạn với một “người hàng xóm” kỳ lạ được cho là thần rừng tên là Totoro.
Xuyên suốt bộ phim đều toát lên sự nhẹ nhàng, vui tươi, trong sáng, nhưng cũng khéo léo đưa vào đó các giá trị về gia đình như: tình mẹ con, tình chị em; còn có cả tình làng xóm, tình cảm bạn bè…
Điểm nhấn bộ phim còn cho thấy tình bạn giữa hai đứa trẻ với những sinh vật kỳ lạ, cùng những phép màu mà chỉ trên phim mới có, khiến người xem có cảm giác tò mò lôi cuốn thậm chí là mơ mộng.
Tuy nhiên, ẩn sau tác phẩm kinh điển này, nhiều người đồn đoán rằng, tác giả đã cố ý lồng ghép vào những tình tiết có thật trong “Sự kiện Sayama”.
“Sự kiện Sayama” là gì?
“Sự kiện Sayama” là một vụ án giết người từng gây tranh cãi vào năm 1963, được đặt tên theo thành phố Sayama, Saitama của Nhật Bản.
Vào ngày 1/5/1963, tại thị trấn Sayama, tỉnh Saitama, Nhật Bản, cô bé Yoshie Nakata, 16 tuổi, đang trên đường đi học về nhà thì bị bắt cóc. Hung thủ đã viết một lá thư tống tiền gửi cho gia đình nạn nhân, yêu cầu đưa tiền chuộc là 200.000 yên (tương đương 556 đô la Mỹ vào thời điểm đó).
Vào ngày 2/5, chị gái của Yoshie đã đem tiền chuộc đến điểm hẹn, theo sau là cảnh sát đang mai phục. Tuy nhiên, hung thủ đã nghi ngờ trong lúc đang trao đổi với người chị, và nhanh chóng tẩu thoát.
Đến sáng ngày 4/5, xác của Yoshie được phát hiện, cô bé đã bị hãm hiếp và giết chết. Người chị vì quá đau buồn và dằn vặt trước cái chết của em gái, không lâu sau cũng đã tự sát.
Tình tiết trong “Hàng Xóm Tôi Là Totoro” và sự trùng hợp với “Sự kiện Sayama”
Đầu tiên bộ phim được lấy bối cảnh của thị trấn Tokorozawa, trong khi đó, thị trấn này lại nằm sát bên thị trấn Sayama – nơi xảy ra vụ án. Liên tưởng đến tên phim vì sao lại gọi là “Hàng Xóm Tôi Là Totoro” ? Điều này nhiều người lý giải rằng “từ hàng xóm” ý chỉ hàng xóm của thị trấn Tokorozawa, chính là thị trấn Sayama.
Tên của hai chị em
Trong phim tên của người chị gái là Satsuki (皐月), theo tiếng Nhật từ này ám chỉ tháng 5. Trong khi tên của cô bé Mei lại phát âm gần giống với “May” cũng có nghĩa là tháng 5 trong tiếng Anh. Điều này trùng hợp với hôm xảy ra vụ án cũng là vào tháng 5.
Ám chỉ qua tên hộp trà
Trong một phân cảnh của bộ phim, chú ý kỹ có thể thấy thùng trà phía sau bà Nanny có in dòng chữ (狭山茶 – Trà Sayama). Từ Sayama này chính là tên của thị trấn xảy ra vụ án, và Yoshie bị sát hại cũng chính là trên một ruộng trà.
Hình tượng thật sự của Totoro
Trong vụ án Sayama, chi tiết người chị phát hiện thấy xác của Yoshie, cô đã đau khổ đến điên loạn và không ngừng nói những điều kỳ lạ như thấy một con chồn ma hay một con mèo ma rất to. Điều này so sánh với hình tượng của Totoro thì không khó để nhận thấy Totoro khá giống với một con mèo hoặc chồn.
Một giải thiết nữa, nhiều người cho rằng, Totoro có thể không phải là thần rừng, mà chính là thần chết. Totoro đến là để đưa linh hồn của hai đứa trẻ đi.
Satsuki và Mei có thể đều đã qua đời
Chỉ những ai sắp chết mới có thể nhìn thấy linh hồn và thần chết. Trong khi đó, ngay từ đầu phim, chỉ có cô bé Mei là người duy nhất nhìn thấy Totoro. Điều này có thể hiểu là vì cô bé sắp chết, và Totoro đến để chuẩn bị mang cô bé đi.
Một tình tiết khác là lúc Satsuki hốt hoảng đi tìm em gái của mình bị mất tích. Một người hàng xóm đã vớt lên được một đôi dép màu hồng cạnh bờ sông, và đã đưa nó cho Satsuki xem.
Nhưng lúc này Satsuki đã trả lời rằng nó không phải của em gái mình. Nhưng ngay sau đó, khi Satsuki tìm thấy Mei thì rõ ràng cô bé đang mang đôi giày giống hệt như vậy.
Điều này có thể hiểu rằng Mei đã chết đuối, còn Satsuki vì quá đau buồn, cô bé không muốn tin đó là sự thật nên từ chối nhận đôi giày đó là của Mei.
Một chi tiết thứ nữa củng cố thêm cho điều này, chính là khoảnh khắc Mei ngồi bên cạnh 6 pho tượng Ojizou-san. Được biết tại Nhật Bản, Ojizou-san được xem là thần hộ vệ cho các linh hồn của trẻ nhỏ, thường được đặt ở nghĩa trang. Điều này càng làm nghi ngờ về cái chết của Mei, và hình ảnh Mei ngồi khóc dưới các pho tượng này thực tế chỉ là linh hồn của cô bé.
Gần cuối phim lúc Satsuki tìm đến Totoro nhờ sự giúp đỡ. Ban đầu Satsuki không hề nhìn thấy Totoro, nhưng sau đó đã nhìn thấy và còn trò chuyện cùng Totoro.
Sau đó, Totoro đã đưa Satsuki lên một chuyến xe buýt mèo, và nếu để ý kỹ sẽ thấy tấm biển trên đầu xe buýt có in dòng chữ “墓道” nghĩa là “Mộ đạo”, ám chỉ đây là chuyến đi đến nghĩa trang. Và tại đây hai chị em đã tìm thấy nhau và ôm nhau rất hạnh phúc.
Có thể hiểu, lúc Satsuki đến xin Totoro giúp mình đi tìm em gái, thực chất là xin được lên thiên đường cùng em. Nhiều người cho rằng nó tương tự như việc chị gái của Yoshie đã tự sát để chết theo em mình.
Trong cảnh cuối của bộ phim khi hai chị em Satsuki và Mei yêu cầu Totoro đưa cô bé đến thăm mẹ đang nằm tại bệnh viện. Thì lúc này người mẹ trong phim đã nói một câu: “Hình như mình vừa thấy Satsuki và Mei đang ngồi cười trên cái cây ngoài kia”.
Điều này đồng nghĩa với việc người mẹ có thể cũng sắp qua đời, nên mới nhìn thấy hai cô con gái, bởi trong phim người mẹ đang mắc bệnh nặng. Và thực tế, trong sự kiện Sayama, hai chị em cũng có một người mẹ đã chết vì bệnh.
Cuối phim phân cảnh hạnh phúc của hai chị em, nhiều người cũng lý giải rằng, đó chỉ là những hồi ức đẹp mà hai cô bé nhớ lại. Thực tế thì cả hai chị em đều đã chết và lên thiên đường rồi.
Tạm kết
Toàn bộ những giả thiết trên cũng chỉ là những phỏng đoán của fan hâm mộ tác phẩm, thế nhưng những tình tiết trùng hợp đến kỳ lạ như thế, cũng khiến nhiều người tin rằng tác giả đã lấy ý tưởng từ vụ án này để làm thành bộ phim.
Một số người cho rằng, nếu theo góc nhìn ấy, thì toàn cảnh bộ phim này thật u buồn và rùng rợn. Nhưng đứng ở một góc độ khác, có thể lý giải theo một hướng tích cực rằng, tác giả chỉ đang muốn an ủi linh hồn của hai cô bé xấu số. Cho cả hai một cái kết thật đẹp, chính là hạnh phúc trên thiên đường.
Chúc Di (t/h)