Video từ camera an ninh: Máy bay Ukraine đã trúng liên tiếp 2 tên lửa của Iran
Một đoạn video được đăng tải trên Youtube vào ngày 14/1 cho thấy, chiếc máy bay Boeing của Ukraine đã trúng 2 tên lửa Iran trước khi phát nổ và rơi xuống ngoại ô Tehran, khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng.
Theo xác minh của NY Times, video được quay từ camera đặt trên mái một tòa nhà gần làng Bidkaneh, cách khu vực quân sự của Iran khoảng 6,4 km. Trong video, hai tên lửa được phóng đi cách nhau khoảng 23 giây từ một căn cứ quân sự của Iran cách máy bay khoảng 13km. Chiếc máy bay sau đó đã bốc cháy và lập tức quay đầu lại sân bay Tehran. Vài phút sau, chiếc máy bay phát nổ rồi rơi xuống cạnh làng Khalaj Abad.
Sự cố xảy ra vài giờ sau khi Iran phóng hàng chục tên lửa vào 2 căn cứ lính Mỹ đồn trú ở Iraq để trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani.
3 ngày sau khi vụ việc xảy ra, Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh lực lượng không gian vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã xác nhận các tên lửa được phóng từ một căn cứ gần đó và cho hay, đó là do sai sót của con người, khi nhầm lẫn máy bay với một tên lửa hành trình.
Video máy bay Ukraine bị trúng 2 tên lửa của Iran
Theo phân tích của tờ New York Times, chiếc máy bay đang bay lên với vận tốc khoảng 610 m/phút sau khi cất cánh từ sân bay Tehran. Ngay sau khi trúng quả tên lửa thứ 1, thiết bị phát đáp của máy bay đã ngưng hoạt động.
Sự xuất hiện của video này đã giúp giải thích lý do tại sao thiết bị phát đáp của máy bay ngưng hoạt động khoảng 23 giây trước khi bị trúng tên lửa thứ 2.
Bất chấp những lời xin lỗi và nhận trách nhiệm của giới lãnh đạo, các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Iran, yêu cầu lãnh đạo tối cao nước này từ chức sau vụ nhầm lẫn khiến hàng trăm người dân vô tội thiệt mạng.
Chính quyền Iran ngày 14/1 cho biết đã bắt 30 nghi phạm bắn nhầm máy bay để phục vụ quá trình điều tra. Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi sự cố là “sai lầm không thể tha thứ” và những người chịu trách nhiệm sẽ bị trừng phạt.
Được biết, trong video, ngày hiển thị trên màn hình là “2019/10/17”, không phải ngày 8/1 (ngày máy bay bị hạ). Tờ The New York Times cho rằng điều này là do hệ thống camera đang sử dụng lịch Ba Tư chứ không phải Dương lịch.
Thùy Linh (t/h)