Vì sao bom tấn Hollywood “The Laundromat” bị cấm chiếu ở Trung Quốc Đại lục?
Bộ phim bom tấn nổi tiếng Hollywood “The Laundromat” (Rửa tiền) được biên soạn dựa trên cuốn sách “Secrecy World” (Thế giới tiền bạc). Bộ phim lấy vụ rò rỉ “Tài liệu Panama” được phơi bày năm 2016 làm chủ đề, trong đó có khoảng 13 phút kể về những chuyện bí mật xảy ra ở Trung Quốc.
“The Laundromat” có sự tham gia của một số nhân vật hàng đầu Hollywood, từ đạo diễn Steven Soderbergh (từng đoạt giải Oscar), nữ diễn viên Meryl Streep (15 lần được đề cử giải Oscar và 3 lần được giải Oscar), nam diễn viên Gary Oldman (năm ngoái từng giành giải Oscar), nhà biên kịch nổi tiếng và một đội ngũ lớn các ngôi sao hạng A.
Đây là bộ phim hài, nhưng chủ đề phim lại về hoạt động phạm pháp rửa tiền và trốn thuế nghiêm trọng. Những câu chuyện có thật được ngụ ý mô tả trong phim không những không nhẹ nhàng mà còn đầy máu me và giết chóc.
“Bộ phim này thực sự thú vị, tươi mới, hài hước, kể câu chuyện cười về cuộc sống vô cùng đen tối”, nữ vai chính Meryl Streep chia sẻ với một tâm trạng nặng nề. “Bộ phim rất thú vị, nhưng thực sự là, thực sự là, thực sự là…”. Cuối cùng Streep lặp lại từ “really” ba lần mà cô không biết diễn tả thế nào.
Nhà làm phim chuyển tải câu chuyện có thật này lên phim dưới hình thức hài hước, khả năng thể hiện câu chuyện nặng nề một cách hóm hỉnh mang lại cảm giác thú vị cho người xem, thể hiện lương tâm cùng tài năng của người nghệ sĩ.
Vào sáng ngày 1/9 trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice, “The Laundromat” đã tổ chức buổi công chiếu đầu tiên, đã lọt vào vòng tranh cử vinh dự cao nhất Giải Sư tử vàng cùng 20 bộ phim khác.
“The Laundromat” tiết lộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thu hoạch nội tạng sống
Có một chủ đề trong “The Laundromat” mà trước đây Hollywood không dám động chạm đến: “ĐCSTQ mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công”. Nội dung quan trọng này xuất hiện trong “Bí mật thứ năm: Giết chóc”, kể về những sự kiện có thật xảy ra ở Trung Quốc, xoay quanh bà Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai mưu sát doanh nhân nước ngoài Heywood, và việc Bạc Hy Lai bị bắt cùng với các sự kiện có thật khác, vì vậy mà bộ phim này bị ĐCSTQ cấm chiếu.
Đối với những người có kiến thức về tình hình Trung Quốc, các tình tiết trong The Laundromat đã lột trần hoạt động làm giàu khủng khiếp của vợ chồng Bạc Hy Lai: Nhân vật Maywood chính là để chỉ Neil Heywood ngoài đời thật. Trong phim còn có một nhân vật chỉ người tập Pháp Luân Công (Christopher Chen – Falun Gong man). Chi tiết tra tấn bên trong một nhà xác treo toàn xác vịt là ngụ ý tới việc vợ chồng Bạc Hy Lai buôn bán nội tạng của người tập Pháp Luân Công và buôn bán thi thể nhựa hóa (Cinema Scope).
Trong phim có cảnh, một nhóm các học viên Pháp Luân Công mặc quần áo màu vàng đang tập luyện trong một sân vườn kiến trúc kiểu Trung Quốc. Vương Lập Quân dẫn cảnh sát đến đó và bắt đầu bắt cóc các học viên Pháp Luân Công. Các nhân viên y tế theo sau và đã lấy đi nội tạng của các học viên Pháp Luân Công trong một nhà máy.
Họ mổ lồng ngực lấy đi quả tim, dùng giao lấy đi giác mạc và bỏ nội tạng vào các hộp y tế. Các nội tạng này đều được ghi giá rõ ràng, chẳng hạn như một quả thận trị giá 16.000 đô la. Trong phim, hình ảnh về cách ĐCSTQ đàn áp và lấy nội tạng của các học viên Pháp Luân Công đã được tái hiện một cách chân thực, mỗi cảnh đều gây sốc và cho thấy sự tàn nhẫn cực độ.
Máy quay đưa khán giả trở lại căn phòng khách sạn đó một lần nữa. Cốc Khai Lai đưa cho Heywood một ly rượu, và yêu cầu anh ta ly dị vợ để đảm bảo rằng không ai có thể biết đến các hoạt động bất hợp pháp giữa hai người này. Heywood từ chối yêu cầu này và cho rằng Cốc Khai Lai bị “điên”. Vì vậy, Cốc Khai Lai đã dùng rượu độc giết chết Heywood.
Sau khi xóa dấu vết tại hiện trường vụ án mạng, Cốc Khai Lai đã đến Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và lên kế hoạch trốn sang Pháp cùng Bạc Hy Lai – người mà vừa phát biểu trên sân khấu, nhưng đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ tại trận.
Bộ phim tái hiện chân thực việc Cốc Khai Lai đã bị bắt vì cáo buộc mưu sát doanh nhân người Anh Neil Heywood vào năm 2012. Cùng năm đó, Bạc Hy Lai ngã ngựa vì bị ảnh hưởng bởi việc Vương Lập Quân trốn khỏi Lãnh sự quán Hoa Kỳ. Tháng 9/2013, Bạc Hy Lai đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.
Ngay sau đó, ĐCSTQ đã ra lệnh cho Sina.com xóa tất cả những tin tức liên quan mà trang này từng đưa về để giới thiệu phim, và trang phim Douban cũng đã xóa tất cả thông tin liên quan đến bộ phim này.
Dễ thấy, The Laundromat không chỉ không thể vào được thị trường Trung Quốc mà còn bị ngăn chặn triệt để. Thực ra tình trạng bê bối của giới quan tham ĐCSTQ mà bộ phim tiết lộ không phải vấn đề khiến ĐCSTQ lo ngại nhất, vì vấn đề này không có gì mới. Điều khiến ĐCSTQ lo lắng là những tội ác được ngụ ý thông qua bộ phim.
Tác giả chia sẻ: “Một cảnh trong phim diễn ra tại Trung Quốc, đó là một câu chuyện có thật, có quan hệ trực tiếp với Hồ sơ Panama, hoạt động buôn bán nội tạng là một phần nhỏ trong phim, nhưng thể hiện rất chính xác tình hình thực tế”. Ông cũng cho biết câu chuyện ông viết là về thực tế, bộ phim là câu chuyện có thật, tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ không phải hư cấu. ĐCSTQ nhận thức rõ việc phơi bày sự thật này gây tác động quá mạnh mẽ, cho nên họ vẫn sẽ giả câm giả điếc như cũ, không lên tiếng phản đối, nhưng sẽ ngăn chặn bộ phim.
Chúng ta đều biết, để vào được thị trường Trung Quốc, trong nhiều năm qua Hollywood đã buộc phải thỏa hiệp với ĐCSTQ. Để vượt qua được kiểm duyệt của Tổng cục Phát thanh, Phim và Truyền hình của ĐCSTQ, mọi thứ phải được điều chỉnh theo quan điểm của ĐCSTQ. Về chủ đề mổ cướp nội tạng, Hollywood phải miễn cưỡng né tránh.
Không ít người đã biết đến câu chuyện về “cậu bé vàng” Richard Gere của Hollywood. Ông đóng vai chính trong một số bộ phim bom tấn, ông từng một thời là biểu tượng của Hollywood. Nhưng do ông lên án tình hình nhân quyền của ĐCSTQ và gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, vậy là ĐCSTQ gây áp lực khiến Hollywood cũng như giải Oscar phải xa rời ông. Đây là một đòn răn đe khá hiệu quả của ĐCSTQ đối với một tổ chức có ảnh hưởng hàng đầu thế giới là Hollywood.
“Để có một phần trong thị trường khổng lồ tại Trung Quốc, thời điểm này không nhà sản xuất phim nào của Hollywood làm phim về những vấn đề chính trị nhạy cảm như tình hình Đài Loan, Tây Tạng, thảm sát Thiên An Môn…”, giáo sư Aynne Kokas tại Đại học Virginia cho biết.
Ngày 4/10/2018, trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ tại Viện Hudson, ông đã diễn tả cách ĐCSTQ xâm nhập toàn diện vào Mỹ. Ông điểm tên hai bộ phim Hollywood đã buộc phải sửa chữa một số nội dung để được vào thị trường Trung Quốc. Ông cáo buộc do sức ảnh hưởng quá mạnh của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood nên trong thời gian dài ĐCSTQ đã thúc đẩy hoạt động thâm nhập vào Hollywood.
Năm 2019, với sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Cục Điện ảnh ĐCSTQ đã có động thái mạnh mẽ trả đũa Mỹ với mục tiêu nhắm vào Hollywood, kéo cuộc chiến vào hoạt động phim ảnh. Những bộ phim mới năm 2019 của Hollywood không chỉ không vào được thị trường Trung Quốc mà còn không cho diễn viên Mỹ đóng trong các phim hợp tác sản xuất giữa Trung Quốc và Mỹ. ĐCSTQ vẫn là côn đồ lưu manh trong ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình quốc tế!
Hollywood vì muốn có thị phần tại Trung Quốc đã nhiều năm phải khuất phục ĐCSTQ, giờ đây cuối cùng cũng có trường hợp thức tỉnh, bắt đầu suy nghĩ và hành động nhắm vào những vấn đề xã hội nghiêm trọng từng nhiều năm bị che giấu, đặc biệt là thế giới đen tối dưới quyền lực độc tài của ĐCSTQ. Chuyện lần này có nhà làm phim Hollywood dám vén tấm màn đen mổ cướp nội tạng, dùng quyền lực của phim ảnh chống lại quyền lực ma quỷ của ĐCSTQ, thật đáng ngạc nhiên!
Điểm nhấn này cung cấp thêm cho thế giới thêm một hình ảnh về lòng can đảm đạo đức và tinh thần hướng thiện, cũng mang đến cho thế giới một bất ngờ! Giống như trong lời mở đầu phim đã gợi mở cho khán giả: “Đây không chỉ là câu chuyện của chúng tôi, cũng là câu chuyện của các bạn”.
Minh Huy (Theo Bannedbook)