Tướng Iran vừa bị Mỹ bắn hạ có tầm ảnh hưởng đến mức nào?
Rạng sáng ngày 3/1, hai chiếc xe chở Qassem Soleimani, lãnh đạo Lực lượng Quds ở Iran và Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq đã bị tên lửa Mỹ bắn hạ khiến tất cả những người trên xe thiệt mạng. Vậy rốt cuộc Qassem Soleimani thực chất là ai và có tầm ảnh hưởng đến mức nào?
Một số chuyên gia đã gọi cái chết của Soleimani là một bước ngoặt trong khu vực và là một đòn giáng chí mạng đối với nhà nước Iran. Ông được coi là người có quyền lực thứ 2 trong chế độ nhà nước Iran.
Để biết vị trí quyền lực thực sự của Soleimani, trước tiên cần hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Lực lượng Quds, một đơn vị của IRGC. Đây là hai lực lượng nòng cốt của nhà nước Iran.
Xuất phát từ những giáo điều tôn giáo thời Trung cổ, nhà nước Iran đã không đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu kinh tế, chính trị và văn hóa thiết yếu của người dân trong thế kỷ 21. Theo bà Maryam Rajavi, lãnh đạo phe đối lập Iran, chính quyền này đang được duy trì thông qua sự đàn áp và vi phạm nhân quyền thô bạo trong nước và thông qua việc khủng bố, mở rộng chiến tranh ra nước ngoài.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (gọi tắt là lực lượng IRGC) được thành lập vào năm 1979, 3 tháng sau khi Ayatollah Khomeini lên nắm quyền. Từ “Iran” không xuất hiện trong tên gọi chính thức của lực lượng bán quân sự này, vì lý do đơn giản nhiệm vụ của lực lượng này được thực hiện ngoài vùng lãnh thổ Iran. Lực lượng này là công cụ quan trọng của Lãnh tụ tối cao Iran trong việc thành lập Nhà nước Hồi giáo Iran.
Theo bản tin của Đài truyền hình nhà nước Iran ngày 2/10/2019, Lãnh tụ tối cao Iran hiện tại Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố trước các chỉ huy của lực lượng IRGC: “Khái niệm ngoài vùng lãnh thổ của lực lượng IRGC là mục tiêu mang tầm chiến lược quốc gia, đôi khi là ưu tiên hàng đầu và trên hết”.
Ông Khomeini, người sáng lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, đã mơ về một vương quốc Hồi giáo theo phái Shia với Iran, Iraq và Syria là các đơn vị chủ chốt. Khamenei đã lên nắm quyền và chế độ nhà nước buộc phải bành trướng để tồn tại.
Quds Force, lực lượng mở rộng của Iran
Sau cuộc chiến dài 8 năm với Iraq, trong chính quyền Iran đã diễn ra các cuộc tranh luận kéo dài về chiến lược nhằm bảo vệ sự sống còn cho chế độ này. Những người ủng hộ chính trị thần quyền cuối cùng đã chọn hình thức khủng bố. Quyết định này đã khai sinh ra Lực lượng Quds vào năm 1990 với mục đích thành lập một “đội quân Hồi giáo quốc tế”. Lực lượng Quds là thành quả từ hàng loạt kinh nghiệm của chính quyền Iran trong những năm 1980, dựa trên các hoạt động khủng bố khác nhau.
Chính sách đối ngoại của Iran dựa trên chủ nghĩa bành trướng và việc xuất khẩu chủ nghĩa cơ yếu. Nhiệm vụ của lực lượng IRGC là chuẩn bị quá trình thực hiện các mục tiêu này. Lực lượng Quds trên thực tế đã kiểm soát chính sách đối ngoại của chính quyền Iran thông qua một số đại sứ quán ở Iraq, Syria, Lebanon, Afghanistan, Yemen, Bahrain và Azerbaijan. Lực lượng Quds cũng thể chế hóa sự ảnh hưởng và sự can thiệp của chính quyền Iran tại các quốc gia trong khu vực, thậm chí ngay cả ở châu Phi.
Soleimani đã lãnh đạo IRGC vào năm 1997 để biến lực lượng này thành yếu tố chính trong tất cả chính sách của khu vực. Nhưng vai trò của ông không dừng lại ở việc chỉ huy. Theo Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Quỹ Quốc phòng Dân chủ có trụ sở tại Washington, Soleimani còn hoạt động trên nhiều mặt trận khác, chẳng khác gì “một người chỉ huy của Bộ chỉ huy lực lượng chung, tương tự giám đốc CIA và bộ trưởng ngoại giao thực sự của Iran. Ông là người đã xét duyệt các Đại sứ quán Iran cho các quốc gia trong khu vực.
Sau khi Soleimani qua đời, chính quyền Iran và các phương tiện truyền thông đều cho rằng ông ta là trái tim và khối óc của nhà nước Iran. Điều này không hề phóng đại. Qassem Soleimani là người đứng đầu cho vấn đề thiết yếu sau: gây ra khủng bố và kích động chiến tranh.
Giết hại trẻ em và nhiều tội ác khác tại Syria
Hình ảnh lực lượng IRGC và lính đánh thuê của họ tàn sát những đứa trẻ ở Syria dưới sự chỉ huy của Soleimani cho thấy những góc độ tội phạm mới chống lại nhân loại. Theo lệnh của Khamenei, Soleimani đã dàn xếp vụ thảm sát người Syria vào ngày 26/4/2011 để cứu cánh cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến hàng trăm ngàn người dân vô tội bị giết và hàng triệu người không có nhà ở, buộc phải di cư.
Theo tờ AFP, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã nghe lời khai từ các bác sĩ Syria. Các bác sĩ đã cho họ xem những bức ảnh gây sốc về những đứa trẻ bị thương từ các vụ nổ bom. Họ nói rằng họ không thể cứu được những đứa trẻ này vì thiếu thuốc điều trị.
Người đứng sau vụ xả súng người biểu tình Iraq
Trong cuộc nổi dậy nổi tiếng ở Iraq năm 2019 chống lại nạn tham nhũng, Soleimani đã mau chóng tới Baghdad để huấn luyện những kẻ áp bức Iraq cách đàn áp người dân.
Trong một bản tin ngày 30/10/2019, AP cho biết Soleimani đã đáp chuyến bay đêm đến Baghdad, sau đó đi vào “Vùng Xanh”. Chính quyền Iraq có mặt tại một cuộc họp an ninh, vốn thường do Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi chủ trì, đã rất ngạc nhiên khi thấy Soleimani chủ trì cuộc họp này.
Theo 2 nhà chức trách cấp cao của Iraq, Soleimani đã cho họ những chỉ dẫn giống các biện pháp được áp dụng ở Iran để dập tắt các cuộc biểu tình và nói rằng: “Chúng tôi sống tại Iran nên biết cách giải quyết các cuộc biểu tình. Vấn đề này đã xảy ra tại Iran và chúng tôi đã kiểm soát được nó”. Năm 2009 tại Iran, và sau đó ở Syria, các tay súng bắn tỉa cũng đã nhắm vào đầu và ngực những người biểu tình và hạ gục họ.
Không phải vô cớ mà người dân Baghdad xuống đường ăn mừng trước tin tức về cái chết của Soleimani và “tay dưới” của ông, Abu Mahdi al-Muhandis. Niềm vui không dừng lại ở Iraq mà còn lan sang Syria, thậm chí đến Gaza và các nơi khác.
Ở Iran, mặc dù bị kiểm duyệt nhưng người dân vẫn ăn mừng mà không để lực lượng đàn áp phát hiện. Họ biết rất rõ sự ra đi của Soleimani còn có ý nghĩa hơn cả sự mất mát của một người chủ chốt. Đó là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự mất quyền lực của lực lượng IRGC, một trụ cột thiết yếu cho sự sống còn của chính quyền Iran. Do đó, điều này càng khiến khả năng chính quyền Iran bị sụp đổ tăng cao.
Trong những năm gần đây, chế độ này đã đầu tư rất nhiều vào một chiến dịch tuyên truyền để tạo ra bộ mặt hình ảnh chính trị cho Soleimani giống như hình tượng cựu Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower, nhằm phục vụ mục tiêu hướng tới chức vị tổng thống.
Không có Soleimani, Lực lượng Quds sẽ không còn như trước và nếu không có Lực lượng Quds, IRGC cũng sẽ không thể như xưa. Chính quyền Iran có lẽ sẽ nhận ra điều này, đồng thời sẽ phải đối diện với hàng loạt khó khăn trong tương lai, khi những cuộc biểu tình, nổi dậy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tác giả: Hamid Enayat
Hamid Enayat là một nhà phân tích chính trị và nhà văn độc lập người Iran.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT Tinh Hoa.
Huy Hoàng (Theo The Epoch Times)