TT Trump cấm WeChat, TikTok, chính quyền Bắc Kinh giận dữ đáp trả
Tổng thống Donald Trump hôm 6/8 đã ra lệnh cấm tất cả công ty, cá nhân Mỹ giao dịch với công ty mẹ của TikTok và WeChat là ByteDance và Tencent. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày nữa.
Ngày hôm sau, chính quyền Bắc Kinh đã giận dữ đáp trả, trong khi người dùng Trung Quốc ở Mỹ lo lắng điều gì sẽ xảy ra với các giao dịch và liên lạc của họ với Đại lục.
Phản ứng của chính quyền Trung Quốc
Trong một cuộc họp báo ngày 7/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết quyết định của ông Trump là “sử dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty không phải của Mỹ một cách phi lý. Rõ ràng đó là hành vi bắt nạt”. Ông Uông lặp lại câu nói này 2 lần.
Tuy nhiên, ông Uông không đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc cấm các trang web, ứng dụng và nền tảng mạng quốc tế như Facebook, Twitter, WhatsApp, Wikipedia và Line. Ông cũng không nói về việc chính quyền Trung Quốc loại các công ty nước ngoài khỏi các lĩnh vực chiến lược quan trọng của họ như dầu khí, ngân hàng và đường sắt.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một bài bình luận vào ngày 7/8, nói rằng ông Trump muốn “giết chết” TIkTok với ý định để một công ty Mỹ mua lại công ty mẹ của họ – ByteDance. Gần như tất cả hãng truyền thông lớn của Trung Quốc, cả các hãng tư nhân đều đăng lại bài bình luận này.
Trên thực tế, ông Trump cho TikTok hạn chót là ngày 15/9 để bán lại cho một công ty Mỹ, nếu không sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Nhưng ông chưa bao giờ bày tỏ ý định buộc công ty mẹ của ứng dụng này bán lại cho công ty Mỹ.
Trong khi đó, một kênh truyền thông ủng hộ Bắc Kinh ở Hong Kong phỏng đoán liệu Bắc Kinh có trả đũa bằng cách cấm Apple cung cấp WeChat trên App Store ở Trung Quốc. Họ dẫn lời các nhà kinh tế ước tính doanh số iPhone sẽ giảm đáng kể, vì nhiều người Trung Quốc dùng WeChat. Ngoài việc là một ứng dụng, WeChat còn có tính năng của ví điện tử và ngân hàng trực tuyến. Ứng dụng này thường được sử dụng để thực hiện các giao dịch tài chính ở Trung Quốc.
Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang nhận định mặc dù những tuần gần đây, chính quyền Trump đã có những hành động quyết liệt để giải quyết các mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh dường như không thực sự đáp trả.
“Trung Quốc chỉ la hét và la hét, nhưng về cơ bản họ không trả đũa”, ông Chang nói với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times.
“Có thể họ đang chờ cuộc họp ngày 15/8 để bàn về thỏa thuận thương mại giai đoạn một trước khi thực sự hành động. Nhưng hiện tại, Bắc Kinh yên lặng một cách lạ thường. Hai bên dự kiến gặp nhau trong tháng này để thảo luận về tiến độ thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận thương mại”, Wall Street Journal dẫn lời ông Chang cho biết.
Tác động đối với người Trung Quốc
Do chính quyền Trung Quốc cấm hầu hết nền tảng truyền thông và mạng xã hội quốc tế, nên người Hoa ở nước ngoài chỉ có thể dùng WeChat và các ứng dụng Trung Quốc khác để liên lạc với người thân ở quê nhà. Người Hoa hải ngoại cũng thường sử dụng chức năng ngân hàng trực tuyến của ứng dụng để chuyển tiền.
Truyền thông Trung Quốc ngày 7/8 đưa tin, người Hoa hải ngoại lo lắng tài khoản WeChat của họ có thể sớm bị đóng, và bắt đầu thu xếp cho bạn bè hoặc người thân ở Trung Quốc chuyển tiền mặt vào tài khoản WeChat của họ.
Tại đại lục, một số người dùng WeChat đã bắt đầu chia sẻ danh bạ sao lưu cho một số ứng dụng bị hạn chế ở Trung Quốc. Những người khác dự định vượt “tường lửa” bằng mạng riêng ảo (VPN) để truy cập các ứng dụng và trang web nước ngoài như Facebook, Twitter, v.v…
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)