Truyền thông Mỹ: Nếu Trung Quốc là một công ty thì “ông chủ” đã bị sa thải từ lâu
Virus Vũ Hán còn chưa qua thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại cưỡng ép thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, điều này đã khiến các nước phương Tây nổi giận và không ngừng ban hành các lệnh trừng phạt. George Calhoun, Giáo sư tài chính định lượng ở Hoa Kỳ đã nói rằng, nếu Tập Cận Bình là tổng giám đốc điều hành (CEO) của một công ty thì ông đã bị sa thải từ lâu.
Tạp chí Forbes gần đây đã đăng một bài báo được viết bởi Giáo sư Tài chính Định lượng George Calhoun của Viện Công nghệ Stevens (Stevens Institute of Technology) nói rằng, ĐCSTQ đã cố gắng thúc đẩy một chiến lược nước đôi, bao gồm phấn đấu trở thành một siêu cường quốc và cố gắng thiết lập hệ thống tài chính kinh tế hiện đại.
Bài báo nói rằng, sau nhiều thập kỷ phát triển, Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của thế giới”. Trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ không coi ĐCSTQ là mối đe dọa và sẵn sàng ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng thời tin tưởng nền dân chủ của Trung Quốc sẽ được cải thiện khi đất nước trở nên phồn thịnh, và cuối cùng trở nên văn minh, cởi mở như các nước phương Tây. Nhưng mọi thứ đã đi ngược lại mong muốn này.
Sau khi nền kinh tế Trung Quốc được phục hồi sự suy thoái, Bắc Kinh đã trở mặt với cộng đồng quốc tế, liên tục củng cố vũ khí và gia tăng mối đe dọa.
Calhoun nói, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã có thái độ quyết liệt hơn về phương diện chính trị, phớt lờ tác động đối với sự phát triển kinh tế, bao gồm xử lý vụng về sự cố Huawei; đề xuất áp thuế chống bán phá giá đối với Úc sau khi Úc kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Vũ Hán; tranh chấp biên giới gần đây với Ấn Độ. Những trở ngại đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang dần xuất hiện.
Bài báo cho rằng ĐCSTQ đã phạm phải những sai lầm tồi tệ nhất trong 10 năm qua, đặc biệt là trong việc đàn áp chính trị và kinh tế của Hồng Kông. Hồng Kông là trung tâm tài chính quốc tế lớn thứ ba thế giới, là do sự tín nhiệm của các quốc gia đối với chế độ công bằng và cơ chế quản lý của Hồng Kông, đây cũng là nền tảng cho sự thành công của Hồng Kông trong nhiều năm qua.
Hồng Kông xử lý hơn 70% giao dịch quốc tế đối với đồng nhân dân tệ, là kênh chính để vốn lưu thông ra vào Trung Quốc. Hơn 60% vốn đầu tư nước ngoài vào Đại lục thông qua Hồng Kông. Hồng Kông cũng là nơi quan trọng để biến đồng nhân dân tệ có thể trở thành một loại tiền tệ chính như đồng đô la Mỹ hay đồng Euro. Hồng Kông là “huyết mạch của Trung Quốc”, phá hủy hệ thống tài chính của Hồng Kông có thể làm mất giá đồng nhân dân tệ, đe dọa giá trị của đồng đô la Hồng Kông, hoặc thậm chí bị biến mất.
Kể từ khi chủ quyền của Hồng Kông được chuyển giao cho Bắc Kinh, các công ty Đại lục đã huy động được hơn 350 tỷ đô la Mỹ thông qua IPO tại Hồng Kông. Hồng Kông đóng một vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Đại lục, mà sáng kiến “một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đề xướng trong những năm gần đây cũng thanh toán bằng đô la Mỹ. Nếu ĐCSTQ kiểm soát hoàn toàn Hồng Kông, nó có thể có tác động tiêu cực đến ngành tài chính của Đại lục.
Calhoun nói, sự đánh giá sai lầm về Hồng Kông của Tập Cận Bình sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài không còn tin tưởng Hồng Kông như một báu vật vô giá, và điều đó cũng sẽ mang lại những tác động kinh tế tiêu cực cho Trung Quốc ở hiện tại và trong tương lai. Việc vi phạm nhân quyền quá mức của ĐCSTQ không chỉ thúc đẩy cuộc đối đầu giữa các đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ, nó cũng làm cho các nước phương Tây đoàn kết chống lại ĐCSTQ và coi ĐCSTQ là “thế lực xấu xa trên thế giới”.
Bài báo nói rằng, Tập Cận Bình không hiểu cách hoạt động tài chính vận hành, để có được lợi ích quốc tế, thì cần phải được tôn trọng, cân bằng lẫn nhau v.v. Nếu Trung Quốc là một doanh nghiệp, một giám đốc điều hành như Tập đã liên tục phạm sai lầm, hội đồng quản trị có thể đã bãi nhiệm ông từ lâu. Bài báo cũng cho rằng, ngay cả khi Tập rời khỏi chức vụ, tất cả những thiệt hại mà Hồng Kông phải chịu là không thể đảo ngược. Một khi “ma thuật tài chính” mất hai thế kỷ mới được thành lập ở Hồng Kông biến mất, thì sẽ không thể đảo ngược lại được nữa.
Nhà bình luận Phan Tiểu Đào đã đăng một bài báo nói rằng, hầu hết nội dung bài báo trên của giáo sư là chính xác. Sau khi Tập Cận Bình nhậm chức, ông đã thay đổi cách làm của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình. Chấm dứt sự phát triển hòa bình của Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ đã rơi vào hoàn cảnh tồi tệ nhất kể từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này ít nhiều là do các chính sách của ĐCSTQ.
Còn về tầm quan trọng của Hồng Kông đối với các công ty Trung Quốc và thậm chí cả nền kinh tế Trung Quốc là điều không phải bàn cãi. Từ Luật dẫn độ đến luật An ninh quốc gia hiện nay, vô hình chung đã khiến Hồng Kông trở thành một thành phố bình thường của Trung Quốc, mất đi sự tôn trọng và giá trị mà nó xứng đáng có được trong cộng đồng quốc tế, đây là một sự thật phũ phàng, đây là do các chính sách của ĐCSTQ gây ra.
Tuy nhiên, Phan Tiểu Đào không đồng ý với nhận định rằng Tập Cận Bình sẽ bị sa thải nếu ông là CEO của một doanh nghiệp.
Phan Tiểu Đào nói rằng, bởi vì Tập Cận Bình không chỉ là Giám đốc điều hành mà còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông cũng nắm giữ các vị trí quan trọng như COO, CFO, tổng giám đốc, giám đốc nhân sự và trưởng phòng quan hệ công chúng v.v, mà hầu hết các vị trí quan trọng khác trong công ty, bao gồm cả các thành viên Hội đồng quản trị, phần lớn đều là người của ông ấy. Như vậy thì ai có thể sa thải ông ấy? Các công ty khác có thể có cơ hội đuổi người, nhưng công ty ‘Trung Quốc’ thì tuyệt đối không!
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thực tế là tình hình hiện tại của Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh hiện nay chủ yếu là do chính quyền của Tập Cận Bình đang sống chết bảo vệ Đảng Cộng sản, dẫn đến thường xuyên có những động thái hồ đồ, làm dấy lên một làn sóng chống Cộng sản chưa từng thấy ở trong và ngoài nước. Căn nguyên của vấn đề nằm ở hệ thống ĐCSTQ, chừng nào hệ thống Đảng Cộng sản không tan rã, thay đổi bất cứ người nào làm “ông chủ” của Trung Quốc cũng chỉ mang lại một kết quả giống nhau. Chỉ khi ĐCSTQ tan rã thì Trung Quốc mới có thể có lối thoát.
Minh Huy (Theo NTDTV)