Trung Quốc vẫn chưa mua được quyền lực mềm dù đã chi tiền tỷ
Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu vừa công bố hôm 9/12, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho các dự án quyền lực mềm ở châu Á, nhưng mục tiêu giành được thiện cảm của những người dân bản địa vẫn chưa được như mong muốn của nước này.
Chính sách ngoại giao thâu tóm quyền lực mềm của Bắc Kinh
Theo Báo cáo của phòng nghiên cứu AidData thuộc trường Cao đẳng William & Mary, bang Virginia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tăng gấp đôi khoản ngân sách đối ngoại trong vòng 6 năm qua, từ 30 tỷ lên 60 tỷ Nhân dân tệ (8,5 tỷ USD) nhằm thúc đẩy chính sách ngoại giao toàn cầu. Trong vòng 17 năm (từ 2000-2017), Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 126 tỷ USD vào khu vực Nam Á và Trung Á.
“Ngoại giao công chúng là thành phần quan trọng trong bộ công cụ của Bắc Kinh nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm tàng, khắc phục những bất lợi nội bộ và vượt lên những đối thủ cạnh tranh trong khu vực”, báo cáo cho biết.
Nghiên cứu này được thực hiện cùng với sự hợp tác cùng Viện Chính sách Xã hội châu Á và Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington.
Báo cáo kết luận, bộ công cụ gây ảnh hưởng tại khu vực Nam và Trung Á của Trung Quốc bao gồm: các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các hoạt động truyền thông do Bắc Kinh tài trợ, các thành phố kết nghĩa, ngoại giao quân sự và các Viện Khổng tử.
Dữ liệu của AidData cho thấy có đến 95% nguồn tài chính ngoại giao của Trung Quốc được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, và chỉ 5% ngân sách này được phân bổ cho các lĩnh vực khác như hỗ trợ nhân đạo hay giảm nợ.
Chỉ riêng 2 quốc gia Pakistan và Kazakhstan đã nhận được một nửa số tiền đầu tư của Bắc Kinh vào khu vực này. Đây cũng là hai thành viên quan trọng trong dự án toàn cầu ‘Vành đai và Con đường’ của ông Tập. Dự án ‘Con đường tơ lụa mới’ trị giá nghìn tỷ USD này hiện đang vấp phải không ít tranh cãi.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh tổ chức các sự kiện văn hóa, cấp học bổng và trao đổi sinh viên. Hầu hết các quốc gia ở Nam và Trung Á giờ đây có ít nhất một kênh truyền thông của nhà nước Trung Quốc, bao gồm truyền hình, phát thanh và báo in.
Ngoài ra, Trung Quốc đã tổ chức 61 chuyến giao lưu cho các nhà báo ở khu vực Nam và Trung Á từ năm 2004-2017. Theo bản báo cáo, việc Bắc Kinh chiếm thiện cảm của truyền thông các nước nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng phạm vi phủ sóng ảnh hưởng, đồng thời ngăn chặn những tiếng nói chỉ trích tiêu cực.
Tuy nhiên, các công cụ ngoại giao công chúng vẫn không đủ sức giúp Bắc Kinh thu về những lá phiếu ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc.
Chi tiền tỷ vẫn không dành được thiện cảm của người bản địa
Báo cáo AidData cho biết, tại quốc gia láng giềng Kazakhstan, đã xuất hiện hiện tượng kỳ thị Trung Quốc “Sinophobia” trong giới tinh hoa. Giới lãnh đạo Kazakhstan vẫn nới lỏng cho các tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ dù trước đó họ đã ký thỏa thuận với Trung Quốc nhằm giúp nước này ngăn chặn các phong trào ly khai của nhóm thiểu số.
Kazakhstan là nơi sinh sống của 75% người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực. Theo báo cáo: “Nếu Bắc Kinh muốn duy trì ổn định ở trong nước,… họ có lẽ sẽ cần thuyết phục không chỉ giới tinh hoa chính trị mà cả công chúng Kazakhstan, vốn có khuynh hướng ủng hộ lợi ích cho những người anh em Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.
“Trên khắp Nam Á, khả năng hòa nhập với người dân bình thường của Bắc Kinh là vô cùng hời hợt”, báo cáo nhấn mạnh.
Mặt khác, nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc cũng đang là điều khiến không ít quốc gia châu Á lo âu.
Trung Quốc đang vấp phải nhiều sự chỉ trích. Các nước phương Tây cáo buộc Bắc Kinh giăng bẫy các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng những khoản vay mà đối phương không có khả năng hoàn trả, để từ đó thúc đẩy ảnh hưởng chính trị.
Bắc Kinh bác cáo buộc, khẳng định các khoản vay của họ là rất cần thiết và được hoan nghênh, đồng thời khẳng định cung cấp các khoản vay mà không đi kèm bất cứ điều kiện chính trị nào.
Tuy nhiên, việc nước này lợi dụng các khoản vay ưu đãi đổi lại việc thuê đất 99 năm để xây đặc khu kinh tế, cảng nước sâu,… ở Sri Lanka, Pakistan,… đang là đòn cảnh tỉnh rất thực tế cho các nước có dự định làm ăn lâu dài với Trung Quốc
Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Christine Lagarde cũng khuyến cáo các nước chấp nhận tham gia “Con đường tơ lụa mới” không nên coi chính sách cho vay ưu đãi của Bắc Kinh là “bữa ăn miễn phí”, đồng thời nêu ra nguy cơ tham nhũng trong những dự án lớn với Trung Quốc.
Thiện Thành (t/h)