Trung Quốc hối thúc doanh nghiệp hoạt động trở lại, làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách cho người dân quay lại làm việc tại các nhà máy giữa lúc đại dịch viêm phổi vẫn chưa được kiểm soát, làm tăng nguy cơ bùng phát một đợt lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, theo Straits Times.
Chính quyền Trung Quốc đang nới lỏng các tiêu chí để các nhà máy hoạt động trở lại vì quốc gia này đang mất cân bằng giữa việc vừa thắt chặt việc kiểm soát chủng virus đã giết chết hơn 2.600 người vừa phải ngăn chặn tình trạng giá trị kinh tế đang không ngừng sụt giảm.
Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo đứng đầu bộ máy nhà nước Trung Quốc đã ban hành các chính sách nới lỏng, thúc giục các doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất để đất nước có thể đáp ứng chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2020. Chính quyền cấp tỉnh của Trung Quốc đã nhận được chỉ đạo từ Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong thời gian nghỉ ngơi dài hạn từ Tết Nguyên Đán, hơn một nửa cơ sở công nghiệp tại Trung Quốc đã ngưng hoạt động. Sau nhiều tuần chứng kiến cảnh tượng đường phố vắng bóng người và hàng loạt các cửa hàng đóng cửa, giờ đây các chuỗi nhà máy sản xuất ở các vùng ven biển của Trung Quốc đã có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Cách vùng tâm chấn dịch Covid-19 Vũ Hán khoảng 600km, các khu chợ bán sỉ tại tỉnh Chiết Giang đã quay lại hoạt động vào ngày 18/2, sớm hơn 3 ngày so với dự tính. Các thương gia và khách hàng tại khu chợ bán sỉ Nghĩa Ô đều được đo thân nhiệt tại cổng trước khi vào chợ.
Nhu cầu về năng lượng tại Trung Quốc cũng dần tăng khi 6 nhà máy lớn báo cáo vào ngày 20/2 rằng lượng tiêu thụ than đã tăng 7% so với ngày trước đó, dù mức tiêu thụ này vẫn thấp hơn mức tiêu thụ than trước kỳ nghỉ Tết.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thì nhân lực lao động vẫn là một vấn đề nan giải. Ông Dong Liu, phó chủ tịch một nhà máy dệt may tại Phúc Kiến với khoảng 400 công nhân cho biết: “Nhà máy của chúng tôi vẫn còn thiếu khá nhiều nhân công, hiện giờ chúng tôi chỉ có thể sản xuất ở mức hạn chế”.
Ông Dong cho biết ông đã nộp đơn lên chính phủ vào ngày 17/2 xin phép hoạt động lại nhà máy. Ngày hôm sau, các thanh tra đã đến và phê duyệt đề xuất của ông. “Ngày càng có nhiều nhà máy được cho phép hoạt động trở lại trong tuần này”, ông nói.
Tuy nhiên, động thái tái hoạt động sản xuất này sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus corona chủng mới ngày càng lớn hơn vì thông tin về chủng virus này hiện vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
Được biết, trong hơn 77.000 ca lây nhiễm trên toàn thế giới, có tới hơn 90% đến từ 7 tỉnh Trung Quốc, phần lớn là tại tỉnh Hồ Bắc. nhiều thành phố của khu vực này đã được ban lệnh hạn chế di chuyển, nhưng nhiều người đã rời khỏi khu vực để đi nghỉ Tết trước khi sắc lệnh được đưa ra.
Vào ngày 24/2, ông Zhong Nanshan, một chuyên gia về bệnh hô hấp có công tìm ra phương thức chữa trị bệnh SARS vào năm 2003, đã chia sẻ với các nhà báo tại thành phố Quảng Châu như sau: “Đỉnh điểm của dịch bệnh có lẽ sẽ là vào cuối tháng này, nhưng chưa chắc dịch sẽ suy yếu dần sau đó. Khả năng dịch bệnh sẽ còn lây lan nghiêm trọng hơn nữa sau khi người dân đi làm trở lại”.
Theo báo cáo từ Bloomberg Economics, nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động với khoảng 50-60% công suất vào tuần vừa qua. Số liệu thống kê từ chính quyền cho hay khoảng 70% nhà máy xí nghiệp tại các tỉnh như Sơn Đông, Chiết Giang và Giang Tô đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên các nhà máy này vẫn chưa thể hoạt động hết công suất do thiếu tới 50% nhân lực.
Vào ngày 17/2, tỷ lệ tái hoạt động tại tỉnh Hồ Nam chỉ rơi vào khoảng 46% do lượng nhân viên quay trở lại làm việc còn chưa tới ⅓ lúc đầu.
Các tiêu chuẩn nới lỏng
Các thành phố phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực chế tạo như Đông Hoản và Trung Sơn đều cho biết hiện tại họ không yêu cầu công nhân phải cách ly nếu thể trạng họ vẫn khỏe mạnh, và các nhà máy đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn vừa được ban hành sẽ có thể tiếp tục hoạt động trở lại và không cần phải chờ phê duyệt của chính phủ.
Nhà kinh tế học Iris Pang tại Tập đoàn ngân hàng ING Hồng Kông cho hay: “Việc cho các nhà máy hoạt động trở lại là rất quan trọng. Nếu không, thu nhập của công nhân và dòng tiền của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng tới quá trình xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài”.
Tuy nhiên, điều này lại tiềm ẩn các hiểm nguy. Bà Iris Pang chia sẻ: “Hãy thử tưởng tượng xem, nếu một nhà máy hoạt động trở lại vào hôm nay nhưng một công nhân được phát hiện lây nhiễm Covid-19 vào tuần sau đó, vậy thì nhà máy này sẽ lại phải đóng cửa trong 2 tuần kế tiếp”.
Đây chính là điều khiến cho chính quyền và chủ doanh nghiệp ở các địa phương cần phải thận trọng trong quy trình vận hành.
Tại Đông Hoản, một thành phố sản xuất chủ đạo của đồng bằng Châu Giang, chính phủ đã yêu cầu các nhà sản xuất xuất trình một phiếu chứng nhận để đảm bảo cơ sở vật chất của họ đều đã được khử trùng và nhân viên đều trong trình trạng khỏe mạnh, theo Bloomberg.
Các nhà máy đều có thể tiếp tục hoạt động sau khi đăng tải thông báo hoạt động trở lại cho nhân viên và công chúng biết. Văn kiện từ chính phủ cũng cho biết các doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm với nhiều mối nguy khôn lường trong việc kiểm soát virus và sẽ bị xử phạt nếu họ thất bại. Các nhân viên có thể trạng khỏe mạnh với thân nhiệt dưới 37.3 độ C ở ngoài tỉnh Hồ Bắc và các khu vực bị lây nhiễm nặng khác có thể đi làm trở lại ngay lập tức sau khi trở về Đông Hoản.
Tuy nhiên, việc cho phép tái hoạt động mới chỉ là trở ngại đầu tiên trong công cuộc phục hồi sản xuất toàn diện. Các nhân viên đến từ những khu vực bị lây nhiễm bệnh nghiêm trọng vẫn bị cấm trở lại làm việc tại các thành phố công nghiệp lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng buộc phải chờ phía nhà cung cấp cung ứng nguyên liệu, các khu vực, thị trấn tháo dỡ rào chắn đường và các công ty vận chuyển đi vào hoạt động thì mới có thể tiếp tục phân phối sản phẩm.
Jacky Han, chủ một nhà máy sản xuất phụ tùng xe ô tô tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, cho hay: “Do những yêu cầu để được tái sản xuất tại mỗi địa phương là khác nhau nên ngay cả khi bên chúng tôi đã hoạt động trở lại, chúng tôi vẫn cần phải giải quyết một loạt các vấn đề, từ nguồn vật liệu thượng nguồn và hạ nguồn cho đến khâu hậu cần, đóng gói và trữ kho”.
“Về căn bản, các doanh nghiệp đều phải tự thân vận động, sử dụng nguồn lực và mạng lưới của họ để xử lý vấn đề của mình”.
Kể từ dịp Tết Nguyên Đán, số lượng các chuyến đi mỗi ngày chỉ bằng khoảng 20% so với năm ngoái, đồng nghĩa với việc vẫn còn hàng triệu người chưa quay trở lại thành phố nơi họ làm việc để sinh sống. Các xe buýt tuyến dài chỉ được phép hoạt động 50% công suất để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.
Chính quyền Trung Quốc tại trung ương và địa phương đều đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng về kinh tế từ trận bùng phát dịch bệnh. Nguồn tin từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với thủ tướng Anh Boris Johnson vào cuối tuần trước. Ông Tập cho biết Trung Quốc vẫn tự tin sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra trong năm nay.
Chính phủ cũng đang xem xét nên truyền tiền trực tiếp hay sáp nhập lại để hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không, bao gồm đề xuất cho chính quyền địa phương tiếp quản tập đoàn HNA Group Co. hiện đang vướng cảnh nợ nần.
Theo nhà ngoại giao Liu Xiaoming, một quan chức bộ giao thông vận tải, khoảng 80 triệu người lao động nhập cư hiện đã quay trở lại nơi làm việc, và sẽ có thêm 120 triệu người nữa quay trở lại nơi làm vào cuối tháng 2, 100 triệu người nữa sẽ đi làm lại vào tháng 3 tới.
Ngay cả khi các nhà máy đã huy động được toàn bộ nguồn nhân lực thì những hạn chế trong quy trình làm việc khả năng vẫn sẽ khiến họ không thể hoạt động với toàn công suất được.
Tại Trấn Giang, một thị trấn của tỉnh Giang Tô, một nhà máy sản xuất đèn LED cho xe ô tô vừa mới được phép trở lại hoạt động, nhưng đó là chỉ sau khi nhà máy này nhập đủ nguồn vật tư để đáp ứng yêu cầu từ chính phủ: cung cấp cho mỗi công nhân 5 khẩu trang y tế cùng với dung dịch khử trùng và đồ bảo hộ.
Huy Hoàng (Theo Straits Times)