Trung Quốc đã xâm nhập nền chính trị Australia như thế nào?
Sử dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” cùng Hoa Kiều tại Úc, ĐCSTQ đã tạo ra một “mặt trận thống nhất”, làm xói mòn xã hội vốn cởi mở ở quốc gia này.
Vào cuối tháng 5/2005, đại diện ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm dẫn vợ con rời khỏi lãnh sự quán nước này đến Sydney, và trốn ở các cơ quan của Úc.
Trong tâm trạng bị vỡ mộng với tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan của ĐCSTQ, ông Trần đã tiết lộ những thông tin tiêu cực. Ông nói lúc đó có cả ngàn gián điệp Trung Cộng đang hoạt động ở Úc. Hai năm sau, trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Trần đã cung cấp các chi tiết về chiến dịch tuyên truyền, hối lộ và tống tiền của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Úc gốc Hoa đông đảo tại đây, để tranh thủ sự ủng hộ của họ với các chương trình nghị sự của ĐCSTQ.
Kể từ đó, cảnh báo của Trần Dụng Lâm rất được quan tâm bởi người Úc cũng như người Hoa.
Cuộc xâm lăng thầm lặng
Trong những năm gần đây, những tỷ phú Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ đã trở thành những nhà tài trợ chính của các chính trị gia Úc, họ điều hành các chiến dịch quy mô lớn trên khắp các phương tiện truyền thông và trường đại học nhắm vào cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài.
Chính phủ Úc hiện đang cố gắng nghiên cứu ảnh hưởng của Bắc Kinh nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đến các quyết định chính trị của mình. Trong khi đó, những bài thuyết trình cởi mở về việc ĐCSTQ vươn vòi bạch tuộc đến tận Úc đang bị chèn ép.
Trên tờ ABC News, Tiến sĩ Chongyi Feng phát biểu: “Ngay cả sự tự do của tôi ở Úc đang ngày càng bị đe dọa bởi quyền lực mềm của Trung Quốc”. Nguyên nhân vì ông Feng là người phê phán mạnh mẽ ĐCSTQ.
Đầu năm 2017, khi ông Feng đến Trung Quốc thăm bạn, ĐCSTQ đã ngăn cản ông trở về Úc. Ông chỉ được phép về Úc sau khi bị thẩm vấn dưới vỏ bọc “giúp đỡ điều tra pháp lý” do ĐCSTQ đưa ra.
Đáng chú ý, tháng 11 này, cuốn sách “Cuộc xâm lăng thầm lặng: Trung Quốc đã biến nước Úc thành con rối như thế nào?” được nhà xuất bản Allen & Unwin – Úc phát hành.
Giám đốc điều hành của nhà xuất bản Robert Gorman viết trong một email cá nhân rằng, không nghi ngờ gì, đây là cuốn sách rất ý nghĩa, nhưng ông cũng rất lo lắng về “những nguy hiểm tiềm ẩn với cuốn sách và nhà xuất bản từ những hành động trả đũa của Bắc Kinh”.
Theo mệnh lệnh của Thủ tướng Malcolm Turnbull, Tổ chức Tình báo An ninh Úc đã bắt đầu điều tra các tỷ phú Trung Quốc có liên hệ với ĐCSTQ để gây ảnh hưởng đến các chính trị gia Úc.
Sau khi điều tra kỹ lưỡng, Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari bị phát hiện có liên hệ với cơ quan nhập cư Úc 2 lần. Sam Dastyari đã nhờ họ giúp đỡ nhà tài trợ Đảng này, tỷ phú Trung Quốc Huang Xiangmo đê ông nhập quốc tịch Úc.
Huang có quan hệ mật thiết với ĐCSTQ. Ông này lãnh đạo chi nhánh của một hiệp hội do ĐCSTQ kiểm soát, ủng hộ việc sát nhập Đài Loan vào Trung Quốc đại lục dưới chế độ cộng sản.
‘Kiều vụ’
Trong những năm 2000, khi nhà ngoại giao Trần Dụng Lâm đào tẩu tới Sydney, ông đã thuật lại chi tiết phương thức các đại diện của ĐCSTQ hoạt động ở Úc cũng như các quốc gia khác. Họ được yêu cầu xúc tiến thực hiện đường lối của Đảng đối với các nhóm và cá nhân mà Đảng coi là kẻ thù chính trị. Trong số đó có những người lưu vong Tây Tạng, người Đài Loan, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các nhà hoạt động dân chủ, và các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, môn thiền định ôn hòa bị đàn áp với quy mô lớn nhất kể từ sau Cách mạng Văn hoá (1966-1976), trở thành một trong những mục tiêu tấn công hàng đầu của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Ông Trần Dụng Lâm cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, khi các học viên Pháp Luân Công sống ở nước ngoài đã tích cực lên án, vạch trần cuộc bức hại đức tin của ĐCSTQ, Đảng đã tác động đến các phương tiện truyền thông của Úc để giảm đi hiệu quả các các phương tiện thông tin đại chúng mà các học viên sử dụng.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Sydney Morning Herald, một biên tập viên của hãng truyền thông chuyên nghiệp ở Trung Quốc phát biểu: “Gần 95% các tờ báo của người Trung Quốc ở Úc đã chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ ở một mức độ nào đó”.
Là một quốc gia có diện tích lớn, giàu có và địa vị chiến lựơc, Australia là mục tiêu ngoại giao quan trọng của ĐCSTQ.
Nhưng có lẽ điều ĐCSTQ quan tâm nhất là thiết lập sự kiểm soát đối với cộng đồng đông đảo những người Úc gốc Hoa để Đảng này “duy trì sự ổn định” ở Trung Quốc – tức là đàn áp xã hội và những người bất đồng chính kiến.
Như được mô tả trong tác phẩm của chuyên gia James Too, Bắc Kinh đã gây ảnh hưởng đến cộng đồng Hoa kiều ở Úc thông qua một loạt các chính sách được viết tắt là “kiều vụ”.
Một trường hợp như thế là Tony Chang. Năm 2008, khi mới 14 tuổi, Chang đã bị bắt vì treo băng rôn đòi độc lập cho Đài Loan ngay ở quê nhà Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc. Từ đó, cậu đã bị ĐCSTQ theo dõi. Theo ABC News, đầu năm 2014, cậu bị chính quyền thẩm tra, điều này làm cậu càng quyết tâm đi ra nước ngoài. Năm 2014, cậu đã rời Trung Quốc để du học ở Úc.
Đến Úc, Chang tăng cường hoạt động chính trị. Đáp lại, các nhân viên an ninh Trung Quốc đã đưa cha mẹ cậu, vẫn còn sống ở quê nhà Thẩm Dương, đến thẩm vấn hết sức căng thẳng tại một quán trà.
Chang nói với các nhà chức trách Úc: “Các nhân viên an ninh của ĐCSTQ nhấn mạnh rằng cha mẹ tôi phải yêu cầu tôi dừng những hoạt động tôi đang tham gia và tránh gây sự chú ý của công chúng”.
Chang chỉ là một trường hợp trong số hơn 1,2 triệu người Hoa hoặc gốc Hoa sống ở Úc – số lượng đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2006. Những người đến từ Trung Quốc đại lục đã bị đầu độc trong nền văn hoá mang đậm tính chính trị của ĐCSTQ. Rất nhiều hiệp hội đại học có quan hệ với cơ quan lãnh sự của ĐCSTQ, đã trao đổi khoảng 100.000 du học sinh Trung Quốc đến học tập tại Úc dưới sự bảo trợ của Đảng.
Các biện pháp cưỡng chế
Mặc dù ĐCSTQ chú trọng dùng các phương pháp mềm dẻo như thiết lập mặt trận thống nhất, một mạng lưới gây ảnh hưởng và kiểm soát về chính trị trong cộng đồng những người Úc gốc Hoa, nhưng những trường hợp “cứng đầu” như Tony Chang, ĐCSTQ đã dùng đến các biện pháp cứng rắng hơn, được chuyên gia James To gọi là “các biện pháp cưỡng chế”.
Theo ABC News, nhà lãnh đạo học sinh Trung Quốc Lupin Lu “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn những người biểu tình chống Cộng”.
Đối với cộng đồng người Úc gốc Hoa, lo sợ bị trả thù khi thể hiện bất đồng quan điểm với ĐCSTQ hoặc thông cảm đối với người bị hại là nguyên nhân khiến nhiều người vẫn giữ thái độ phi chính trị hoặc im lặng. Dùng tấm gương của giáo sư Chongyi Feng – người đã bị bắt giam và thẩm vấn vì những quan điểm bất đồng khi về thăm Trung Quốc – làm ví dụ, Bắc Kinh và những nhân viên lãnh sự của mình đã dùng đến quyền lực lớn mạnh để dỗ dành những người Trung Quốc hải ngoại nghe theo Đảng.
Tháng 6/2005, ngay sau khi Trần Dụng Lâm đào tẩu, ông đã khẳng định rằng xã hội Úc bị các gián điệp Trung Quốc thâm nhập sâu. Là cựu thành viên của Phòng 610, một cơ quan thuộc ĐCSTQ được giao nhiệm vụ đàn áp Pháp Luân Công, ông Lâm cũng xác nhận Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu là các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở nước ngoài, ngoài việc bức hại những nhóm người này ở Trung Quốc.
Trần Dụng Lâm cho biết: “Kiểm soát cộng đồng người Hoa hải ngoại là một chiến lược nhất quán của ĐCSTQ, đã được lập kế hoạch và quản lý rất cẩn thận hàng chục năm nay. Không chỉ ở Úc, ĐCSTQ còn áp dụng phương thức này với các quốc gia khác như Hoa Kỳ và Canada”.
Bạch Vân, theo Epoch Times