Trung Quốc cấm truyền thông tiếng Hoa đưa tin biển Đông
Trung Quốc cấm báo đài tiếng Hoa đưa tin về các vấn đề Biển Đông được nêu ra trong Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) tổ chức ở Singapore hồi tuần trước.
Tại Đối thoại Shangri-la 2015 diễn ra từ ngày 29 – 31/5 vừa qua, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng theo sát tình hình nhưng bị Bắc Kinh kiểm duyệt theo 2 cách thức khác nhau.
Báo đài sử dụng tiếng Hoa bị cấm đưa tin về các căng thẳng liên quan đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông nhằm tránh kích động chủ nghĩa dân tộc. Trong khi đó, cũng các ấn phẩm này nếu sử dụng ngôn ngữ nước ngoài lại được phép trình bày và thảo luận về nhiều vấn đề mang tính “nhạy cảm”.
Một phóng viên Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post (Hồng Kông): “Lệnh kiểm duyệt có thể do cấp trên ban hành, không phải do bộ phận biên tập của chúng tôi”.
Trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc bản tiếng Hoa bị kiểm duyệt chặt chẽ, các ấn phẩm dùng tiếng nước ngoài của họ được miễn kiểm duyệt từ cơ quan chính phủ. Chẳng hạn phóng viên và người dẫn chương trình của kênh truyền hình trung ương Trung Quốc được phép nói chuyện với các đại biểu nước ngoài và các chuyên gia về vấn đề căng thẳng biển Đông.
Một vị chủ nhiệm khoa của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Ngoại ngữ Bắc Kinh, Qiao Mu lý giải: “Trong nhiều năm, các nhà báo làm việc cho phương tiện truyền thông nhà nước sử dụng tiếng nước ngoài được hưởng nhiều đặc quyền hơn so với các đồng nghiệp dùng tiếng Hoa, bởi do đối tượng độc giả khác nhau”.
“Lãnh đạo bộ phận tuyên truyền tin rằng người dân Trung Quốc xem các kênh truyền hình Trung Quốc, đọc báo chí Trung Quốc dễ dàng bị kích động chủ nghĩa dân tộc hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy phiên bản tiếng Anh của Global Times (Thời báo Hoàn cầu) khác nhiều so với phiên bản Trung Quốc”.
Trong một diễn biến liên quan đến Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm 5/6 thông báo, Manila đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc đàm phán cho phép máy bay quân sự và tàu biển quân Nhật Bản sử dụng các căn cứ Philippines để tiếp nhiên liệu và mở rộng phạm vi hoạt động vào Biển Đông.
Thỏa thuận này được coi là một Hiệp định Thăm viếng quân sự (VFA), qua đó dọn đường cho quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines trên cơ sở luân phiên, ông Aquino cho biết tại một cuộc họp báo ở Tokyo trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày tới Nhật Bản.
Theo NLĐ