Trung Quốc cấm các thầy tu Tây Tạng chuyển sinh nếu chưa xin phép
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm các thầy tu Tây Tạng đầu thai nếu không có sự chấp thuận của chính quyền. Động thái này giúp chính quyền chọn ra một Đạt Lai Lạt Ma mới theo ý mình để tiếp tục kiểm soát Tây Tạng và biến người dân nơi đây thành nô dịch.
Theo truyền thống đã có từ hơn sáu trăm năm, Phật tử Tây Tạng tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Sự tái sinh Luân Hồi được hiểu đơn giản là sự đầu thai lại và người Tây Tạng tin tưởng rằng có những vị cao tăng, những vị sư trưởng, khi chết thường có ý nguyện được tái sinh trở lại để giúp đỡ chúng sinh. Các vị Bồ Tát mặc dù đã thoát khỏi vòng Luân Hồi nhưng họ vẫn muốn được đầu thai trở lại để hoàn tất ước nguyện cứu độ những người còn chìm đắm trong cõi thế.
Vị Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyastso ngày nay là hóa thân thứ 14 của một chuỗi dài các Đạt Lai Lạt Ma trong lịch sử Tây Tạng. Trong số này, cũng có người sinh ra tại Mông Cổ. Dân Tây Tạng nói chung coi đức Đạt Lai Lạt Ma là vị lãnh đạo Phật giáo đồng thời cũng là vị Quốc trưởng lãnh đạo quốc gia.
Năm 2008, sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sẽ tu chính thủ tục đề cử vị lãnh đạo tinh thần và bản thân mình thì sẽ hóa thân bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng, Bắc Kinh đã ra quyết định rằng Tây Tạng phải tôn trọng truyền thống Phật giáo trong cách đề cử lãnh đạo tôn giáo. Và Bắc Kinh mới có quyền xác định ai là đức Đạt Lai Lạt Ma.
Theo truyền thống, khi một vị Đạt Lai Lạt Ma qua đời, Đức Ban Thiền Lạt Ma có nhiệm vụ tìm kiếm vị luân hồi của Ngài. Ngày 14/5/1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã công nhận Gedhun Choekyi Nyima, một cậu bé sinh năm 1989 là Đức Ban Thiền Lạt Ma. Vài ngày sau đó, cảnh sát Trung Quốc bắt cóc cậu bé sáu tuổi và gia đình của cậu. Nơi ở của họ vẫn chưa được biết.
Sau khi Bắc Kinh bắt cóc cậu bé này liền chỉ định một cậu bé khác, sinh năm 1990, là đức Ban Thiền đời thứ 11. Nay là một đại biểu trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị.
Việc chọn người kế nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma là vấn đề hết sức nhạy cảm và có thể bùng nổ thành sự cố lớn, sau các vụ bạo động chống Trung Quốc tại Tây Tạng vào tháng 3/2008, dẫn đến việc Bắc Kinh gia tăng trấn áp và siết chặt an ninh ở vùng này.
Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma là chủ trương Tây Tạng ly khai, chuyên xúi giục bạo loạn, nhưng Ngài đã bác bỏ điều này, khẳng định là chỉ muốn quê hương của Ngài được hưởng một quyền tự trị rộng rãi. Tại Tây Tạng, Ngài vẫn được đa số người dân tôn sùng. Nhưng nhiều chuyên gia về Tây Tạng nghĩ rằng Bắc Kinh đang chờ Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời, rồi sẽ chỉ định một vị lãnh tụ tinh thần mới cho Tây Tạng.
TinhHoa tổng hợp