Triệu phú “nổi loạn” Lê Trí Anh: Có ngồi tù cũng không hối tiếc vì ủng hộ Hồng Kông
Ông trùm truyền thông – triệu phú Lê Trí Anh biết rằng, sự ủng hộ của ông đối với các cuộc biểu tình cho nền dân chủ ở Hồng Kông có thể sớm đẩy ông vào cảnh tù tội, nhưng “kẻ chuyên gây rối” tự hào nói rằng, ông không bao giờ hối tiếc.
“Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc bị cầm tù”, triệu phú 72 tuổi nói với AFP từ văn phòng của Next Digital – một tập đoàn truyền thông dân chủ lớn nhất và rầm rộ nhất Hồng Kông.
“Nếu ngày đó đến, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mà tôi chưa từng đọc. Điều duy nhất tôi có thể làm là sống thật tích cực”, ông điềm tĩnh nói.
Rất ít người Hồng Kông có thể khiến Bắc Kinh đả kích cay độc như cách họ làm với ông Lai.
Đối với nhiều cư dân của thành phố bán tự trị năng động này, ông Lê là một anh hùng bất đắc dĩ – ông là chủ sở hữu tờ báo tự lập không ngại đụng chạm, và là ông trùm duy nhất sẵn sàng chỉ trích Bắc Kinh.
Phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc gọi ông là “kẻ phản bội”, là “bàn tay đen” lớn nhất đằng sau các cuộc biểu tình rầm rộ năm 2019, và là người đứng đầu một “bộ Tứ” mới, âm mưu cùng với “thế lực nước ngoài” phá hoại đất nước.
Trong nhiều năm, một nhóm bí ẩn những người tự nhận mình là “người ái quốc” đã chặn gác ngay tại biệt thự của ông.
Trong chuyến thăm của AFP, một người đàn ông đã đỗ một chiếc xe tải bên ngoài văn phòng của Lai, với màn hình kỹ thuật số phát đi nhiều cáo buộc và thuyết âm mưu trên Internet, nói rằng ông Lê là con rối của Mỹ.
Ông Lê cho biết, ông đã học được cách đối đãi với những vu khống như vậy bằng “tiếng cười”.
“Bất cứ điều gì họ nói tôi đều không bận tâm, bởi vì họ có thể nói bất cứ điều gì họ thích. Mặc dù vậy, tôi cũng thấy cách chiếc xe tải đó làm là khá mới mẻ”, ông vừa cười vừa nói.
Ủng hộ Hồng Kông là đúng đắn
Câu chuyện cuộc đời của Lê là điển hình của nhiều cuộc hành trình, đi từ nghèo khổ đến giàu có của các ông trùm Hồng Kông.
Ông sinh ra ở tỉnh Quảng Đông -Trung Quốc đại lục trong một gia đình giàu có, nhưng họ đã mất tất cả của cải khi cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949.
Ông nhập cảnh lậu vào Hồng Kông khi mới 12 tuổi, ông Lê làm việc cật lực ở các công xưởng khổ sai, tự học tiếng Anh và cuối cùng thành lập thương hiệu quần áo Giordano cực kỳ thành công.
Nhưng năm 1989, khi Trung Quốc điều xe tăng để đè bẹp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh. Con đường của ông đã chuyển sang một hướng khác với những người cùng thời. Ngay sau sự kiện trên, ông nhanh chóng thành lập tờ báo đầu tiên của mình, các bài báo thường xuyên chỉ trích các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.
Giới chính quyền bắt đầu đóng cửa các cửa hàng quần áo của ông tại Trung Quốc Đại lục, vì vậy Lê đã bán hết thương hiệu và đổ tiền vào tòa soạn báo chí.
Khi được hỏi, tại sao ông không giữ im lặng và tận hưởng sự giàu có như những ông trùm khác của Hồng Kông? Ông Lê mỉm cười đáp: “Tôi chỉ vô tình dấn thân vào đó, nhưng tôi cảm thấy điều này là đúng đắn”, “có lẽ tôi là một kẻ nổi loạn bẩm sinh, và có lẽ tôi là người cần rất nhiều ý nghĩa để sống cuộc sống của mình ngoài tiền bạc”.
Truy tố và đền đáp
Ông Lê dùng tiếng cười để át đi những nguy cơ mà ông phải đối mặt. Nhưng hơn bao giờ hết, ông đang ở trong tầm ngắm, hiện đang bị truy tố cùng với 14 nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng khác vì đã tham gia các cuộc biểu tình năm 2019, với các cáo buộc lên đến 5 năm tù.
Ông từ chối thảo luận về vụ việc vì lý do pháp lý, nhưng khẳng định rằng ông không hối hận về việc tham dự và ủng hộ các cuộc biểu tình trong những năm qua.
“Tôi là một kẻ gây rối. Tôi đến đây không có gì cả, sự tự do của nơi này đã cho tôi tất cả mọi thứ. Có lẽ đã đến lúc tôi đền đáp lại sự tự do đó bằng cách chiến đấu vì nó”, ông nói.
Mối đe dọa mới nhất là kế hoạch của Bắc Kinh, họ áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với thành phố, điều này sẽ cấm các hoạt động biểu tình, ly khai, và ảnh hưởng từ nước ngoài.
Năm 2019, khi ông Lê có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Phó Tổng thống Mike Pence, ngay lập tức các cáo buộc rằng: Ông Lê thông đồng với người nước ngoài đã được tăng cường đưa tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Ông Lê lo ngại về luật an ninh áp đặt lên Hồng Kông, nó như là “một hồi chuông báo tử cho Hồng Kông”, “nó sẽ thay thế hoặc phá hủy luật pháp của chúng ta và phá hủy tình trạng tài chính quốc tế của chúng ta”, ông nói.
Ông cũng lo sợ cho các nhà báo của mình, “bất cứ điều gì chúng tôi viết, bất cứ điều gì chúng tôi nói có thể bị vu khống là lật đổ, là xúi giục nổi loạn”, ông nói.
Thù ngoài
Hai đầu báo chính của ông là, tờ báo Apple Daily và tạp chí kỹ thuật số Next – ủng hộ dân chủ không biết chùn bước trong một thành phố – nơi mà các đối thủ cạnh tranh khác hoặc ủng hộ Bắc Kinh, hoặc cẩn trọng hơn trong từng bước đi của họ.
Hai tờ báo hầu như không có quảng cáo trong nhiều năm do các thương hiệu tránh làm Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ, ông Lê đã bù các khoản lỗ bằng tiền túi của mình.
Nhưng chúng rất phổ biến, các tờ báo liên tục cung cấp tổng hợp các tin tức về người nổi tiếng, các vụ bê bối tình ái và các cuộc điều tra chân thực như, một loạt bài gần đây về việc nhà của một số sĩ quan cảnh sát cấp cao, đã vi phạm quy tắc xây dựng như thế nào.
Ông Lê cũng xuất bản một phiên bản Đài Loan của tạp chí Apple, lớn tiếng chỉ trích Bắc Kinh. “Trung Quốc đang ở thời điểm yếu nhược nhất trong nhiều thập kỷ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, nền kinh tế bùng nổ một thời hiện bị đe dọa bởi virus corona, cuộc chiến thương mại với Washington, và các mối quan ngại quốc tế về tham vọng của họ ngày càng tăng cao”, ông Lê cho biết.
“Những người cộng sản, khi họ gặp khủng hoảng trong nội bộ, họ cần tạo ra những kẻ thù bên ngoài để đoàn kết nhân dân”, ông Lê nói về thủ đoạn của ĐCSTQ. “Đó là lý do tại sao đột nhiên ông ta (Tập Cận Bình) trở nên hung hăng, hiếu chiến với Đài Loan và đang áp dụng luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông”.
Điều này khiến Hồng Kông rơi vào tình thế bấp bênh. Nhưng Lê cho biết, ông không có kế hoạch rời khỏi thành phố, hoặc điều chỉnh quan điểm của mình.
“Điều duy nhất chúng ta có thể làm là kiên trì, không để mất tinh thần hay hy vọng”, “và cứ tin rằng những gì đúng đắn cuối cùng sẽ thắng thế”, ông nói.
Việt Anh (Theo Bangkok Post)