Trên trời một vì sao, dưới đất một con người…
Cổ nhân từng dạy rằng: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, con người sinh ra ai cũng đều lương thiện, đều giống như những vì sao lấp lánh trên bầu trời, chỉ là tâm hồn chúng ta đang bị nhuốm bụi bẩn nên đã quên mất đi bản tính của mình…
Mỗi ngày tôi đều phải đậy máy tính lại, phải không ngừng lau chùi thì nó mới có thể trở nên sạch sẽ. Mặc dù như vậy, có đôi khi bạn bè thấy máy tính của tôi, còn kêu lên: “Ôi trời! Nhiều bụi như vậy, sao còn chưa lau chùi nó đi?”.
Tôi cười nói: “Thật ra mình đã lau chùi rồi, chỉ là bụi lại không ngừng bám vào thôi!”.
Bởi có được trải nghiệm như vậy với bụi, tôi nghĩ đến thế giới tâm hồn của chúng ta, phải chăng nó cũng giống chiếc máy tính kia không ngừng bị bám đầy bụi? Nếu quả thật như vậy, chúng ta cũng cần phải không ngừng lau chùi nó?
Tôi nghĩ rằng điều đó là cần thiết, bụi bám vào vật dụng cũng cần được lau chùi, như vậy tâm hồn bị bám vào thứ xấu cũng cần được chùi lau không ngừng. Sau khi được lau đi bụi bẩn, máy tính sẽ sáng bóng như lúc ban đầu; mà khi tâm hồn của chúng ta được “lau sạch”, tâm của chúng ta sẽ tỏa sáng rạng ngời như những vì sao trên trời cao.
Khi tôi còn bé, mẹ nói với tôi rằng: “Trên trời một ngôi sao, dưới đất một con người”. Lúc đó, chúng tôi nhìn lên bầu trời, nằm trong lòng mẹ, bao nhiêu là ông sao sáng, thật nhiều, không đếm được rốt cuộc là có bao nhiêu ông sao, thật là hằng hà vô số.
Mẹ hiền lành vuốt đầu tôi và mỉm cười nói: “Con ngoan, trên bầu trời nhiều ông sao như vậy, sao con có thể đếm được, nhưng ông bà ngày xưa có nói, bầu trời một ngôi sao, trần gian một con người, con tìm xem ông sao nào là con?”.
Tôi bắt đầu nghiêm túc tìm, tìm mãi vẫn không biết ông sao nào là bản thân tôi nên nhờ mẹ tìm giúp. Mẹ và tôi cùng ngước đầu cẩn thận tìm kiếm, một lát sau mẹ nói với tôi: “Con ngoan, con xem, vì sao sáng nhất kia chính là con đó!”. “A! Con sáng như vậy sao?”, nghe được lời mẹ nói, tôi vui mừng tay chân cứ vung loạn cả lên.
Thế nhưng sau khi lớn lên, những ký ức đẹp đẽ đó dần dần bị quên lãng, những vì sao thời thơ ấu đó cũng dần dần xa xôi. Ngày trước, mặc dù từng có chút suy nghĩ thoáng qua, nhưng nghĩ thế nào cũng không thông, con người làm sao có thể giống những vì sao cơ chứ?
Sau khi trưởng thành, tôi ngước nhìn lên bầu trời xanh và suy tư về những năm tháng trôi qua của cuộc đời. Con người, những ngôi sao và vũ trụ, thật giống nhau biết bao. Mỗi một vì sao trên bầu trời đại biểu cho một người sống trên đất, mỗi người trên mặt đất đối ứng với một vì sao trên bầu trời. Đời người chẳng phải tương tự như những vì sao trên trời hay sao? Đều có quỹ đạo của mình, đều có được hào quang của chính mình.
Một lần, tôi nghĩ về hào quang của những ngôi sao trong ký ức, ngẫm nghĩ một chút bỗng chốc tôi đã sáng tỏ thông suốt, kỳ thực đó là chỗ giống nhau giữa vì sao và con người. Đặc điểm của các vì sao là mọi thời khắc đều tỏa ra hào quang, còn con người chúng ta khác với những chúng vì chúng ta lúc sáng ngời lúc đen tối, một thoáng tâm tình sáng lạn, một hồi mưa dầm u sầu.
Những điều tiêu cực tựa như bụi bẩn che lấp con người chúng ta, tích tụ từng ngày khiến chúng ta ảm đạm vô quang, mà chúng ta đối với điều đó lại vô tư không phát hiện, thời gian dần qua chúng ta ngày càng đen tối.
Có lẽ trước kia chúng ta cũng giống những vì sao sáng trên bầu trời kia, chỉ là qua năm tháng vô tình bị bám đầy bụi bẩn. Thật ra những bụi bẩn kia không đáng sợ, chỉ cần nhẹ nhàng phủi đi là tốt rồi, điều đáng sợ chính là tâm hồn bị bám đầy bụi bẩn nhưng chúng ta không phát hiện ra mà lại nghĩ rằng bản thân đang rất sáng, hoặc đã quen sống trong bụi bẩn nên không nhận ra được bản thân có điều gì khác thường, cũng có thể đã nhận ra nhưng lại không biết làm sao để lau sạch.
Đúng vậy, đối với tâm hồn đầy bụi bẩn, làm thế nào để chúng ta có thể lau sạch chúng? Tôi nghĩ nếu muốn lau bụi bẩn trong tâm mình, đầu tiên chúng ta cần phải tìm thấy bụi bẩn trong tâm hồn mình. Nếu muốn phát hiện được bụi bẩn bám vào trong tâm thì cần phải có một đôi mắt không ngừng tự kiểm điểm tâm hồn của mình. Chúng ta có hai con mắt, rất dễ dàng nhìn thấy bụi bẩn của người khác, nhưng còn bản thân chúng ta thì sao? Dường như chúng ta rất khó nhìn thấy bụi bẩn trong tâm mình.
Bởi vì không muốn nhìn, hoặc nhìn không tới nên những bụi bẩn kia càng để lâu càng dày, dày đến độ che chắn hết hào quang của chúng ta. Như vậy, đối với chúng ta mà nói, đó là một việc rất đáng sợ. Bản tính của chúng ta vốn hồn nhiên trong sáng nhưng bởi bụi bẩn của dòng đời khiến nó bị vùi lấp, và giờ những quan niệm của cuộc sống lại làm chủ tư tưởng của chúng ta. Nếu không ngừng lau sạch, chúng ta sẽ bị những bụi bẩn đó phủ kín tâm hồn. Càng lâu về sau, con người lấp lánh hào quang của chúng ta sẽ càng dơ bẩn và vẩn đục.
Hôm nay, khi tôi đang cùng một người bạn nói về những mâu thuẫn và phiền não trong cuốc sống, tôi nói với cô ấy: “Lúc chúng ta phiền não, tức giận, chính là lúc những hạt bụi tiêu cực sẽ bám vào tâm hồn chúng ta, cũng là lúc hào quang của chúng ta ảm đạm đi một phần”.
Trong Tam Tự Kinh có ghi: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Thật ra bản tính của chúng ta vốn lương thiện, nó vốn sáng lấp lánh như những vì sao. Nhưng tại sao chúng ta không thể tỏa sáng như mặt trời, mặt trăng hay các vì sao? Bởi vì tâm hồn của chúng ta đã bị bụi phủ đầy.
Khi chúng ta không ngừng thức tỉnh bản thân, luôn luôn thanh tỉnh sửa đổi bản thân, không ngừng phủi đi bụi mờ trong tâm thì lúc đó chúng ta sẽ lại tỏa sáng rạng ngời như những vì sao trên trời cao.
Theo Vietdaikynguyen