Trên đời không có thành công dễ dàng, tất cả đều phải trải qua những tháng ngày tích lũy
Không có thành công nào trên đời mà không phải đánh đổi bằng mồ hôi công sức. Đôi khi chúng ta chỉ nhìn được sự hào nhoáng của thành công, mà không biết rằng đằng sau đó là bao nhiêu nước mắt…
1. Đằng sau thành công của một diễn giả
Trong một buổi diễn thuyết nọ, vị diễn giả đứng trên khán đài diễn thuyết một cách đầy cuốn hút, mỗi một cử chỉ, lời nói đều khiến cho mọi người ngồi dưới khán đài hưởng ứng mãnh liệt.
Ngay cả hình ảnh và ngôn từ được trình chiếu kèm theo cũng rất tinh tế, đơn giản, súc tích và đúng trọng tâm. Dường như mỗi một cử chỉ, lời nói hay một ánh mắt của vị diễn giả này đều có một sức hút mãnh liệt.
Có thể nói đây là một buổi diễn thuyết sống động và hấp dẫn. Vị diễn giả đã dẫn mọi người cùng tham gia một cách khéo léo, khiến cho ai nấy đều hòa nhập vào không khí buổi diễn thuyết lúc nào không hay. Nó làm cho mỗi một người nghe cảm thấy bản thân mình là một phần trong câu chuyện.
Trong lúc giải lao giữa buổi, có một người đến gặp vị diễn giả nói: “Em thật sự rất hâm mộ thầy! Phong cách, thần thái của thầy khi diễn thuyết trên khán đài thật quá cuốn hút. Mỗi một câu nói, mỗi một câu trả lời của thầy đều đơn giản dễ hiểu, đúng trọng tâm, khi gặp vấn đề thầy đều phản ứng một cách nhanh chóng, lý luận sắc sảo…”
Vị diễn giả mỉm cười đáp: “Em có tin không, hồi còn đi học tôi là một cậu bé nói lắp…”
Mọi người xung quanh nghe được đều hết sức kinh ngạc. Vị diễn giả tiếp tục nói:
“Mọi người bây giờ thấy tôi đứng trên khán đài, lời nói, cử chỉ đi đứng đều rất thoải mái nhẹ nhàng, rất có phong thái. Kỳ thực, trước mỗi một buổi diễn giảng tôi đều phải một mình đứng trước gương mà luyện tập không biết bao nhiêu lần. Tôi luyện cho mình thuộc nhuần nhuyễn những chỗ trọng tâm để khi nói không bị vấp, không bị thiếu sót, có như vậy khi đứng trên diễn đài tôi mới có thể tự tin được”.
“Còn nhớ lần đầu tiên đứng lên diễn giảng, tôi đã ở nhà luyện tập hơn một trăm lần. Không những vậy, tôi còn đưa ra mấy chục giả thuyết nếu như có người hỏi thì phải trả lời như thế nào? Mãi cho đến sau này khi thời gian nhân lên tôi mới bắt đầu thành thục.
Nhưng cho dù thành thục rồi thì tôi vẫn duy trì thói quen đó, trước mỗi buổi diễn thuyết tôi đều thận trọng luyện tập ở nhà cho thành thục. Đây chính là kết quả mà mọi người nhìn thấy khi tôi diễn thuyết trên khán đài”.
2. Muốn trở thành người xuất sắc, cần rất nhiều nỗ lực
Tôi có một người chị họ, trước đây chị là một nhân viên xuất sắc trong lĩnh vực bán ô tô, 3 năm nay chị ấy giữ chức vị lãnh đạo của công ty. Từ một nhân viên thực tập trở thành giám đốc bán hàng, mọi người đều ngưỡng mộ chị ấy. Nhưng đó chỉ là những gì mọi người thấy ở bề mặt, còn những điều họ không thấy lại nằm ở phía sau bức màn huy hoàng đó.
Khi còn là một nhân viên thực tập, chị ấy vô cùng khâm phục những đồng nghiệp, những người mỗi ngày đều có thể nhẹ nhàng bán được 4, 5 chiếc xe. Lúc đó chị cho rằng những người có năng lực xuất chúng đó đều là những thiên tài bẩm sinh.
Mãi cho tới một ngày, chị vô tình phát hiện: Những người bán hàng xuất sắc kia, họ không những hiểu rõ cấu tạo của mỗi một chiếc xe, mà còn hiểu rõ công dụng cũng như vị trí chính xác của mỗi một linh kiện, mỗi một con ốc nằm ở đâu?
Sau lần đó, chị ấy gia tăng quyết tâm, tranh thủ mọi lúc mọi nơi, đêm ngày học tập để nắm rõ mọi cấu tạo của mỗi một linh kiện cấu thành nên chiếc xe. Không những vậy, chị tìm hiểu nghiên cứu tâm lý, thị hiếu của từng đối tượng khách hàng. Chị còn tham gia một lớp bồi dưỡng tâm lý học để có thể đoán biết tâm lý của khách hàng qua cử chỉ lời nói…
Sau khi nắm bắt được mọi thứ, chị đã có thể giải đáp được mọi tâm tư nguyện vọng của khách hàng, khiến cho khách hàng khi gặp chị thì mọi thắc mắc đều được giải đáp một cách thoả đáng.
Dần dần kinh nghiệm tích luỹ, chất lượng bán hàng không ngừng tăng lên, cuối cùng mỗi tháng chị ấy đều trở thành quán quân bán hàng trong công ty.
Để có được thành quả, con đường trải qua sẽ là gian nan như vậy. Vậy nên, chỉ có không ngừng học tập, không ngừng rèn luyện chúng ta mới có thể đạt được cái đích mà mình mong muốn.
3. Thành công là một quá trình tích lũy
Năm ngoái, tôi tham gia một nhóm hội viên những người viết lách. Trong nhóm có một người xếp vào hàng cao thủ, hầu như mỗi bài viết của cô đều trên 10 nghìn từ, không những vậy nội dung luôn hấp dẫn và phong phú, đề tài đưa ra luôn có lập luận sắc sảo. Tôi đoán cô có khả năng thiên bẩm ngay từ khi còn nhỏ, nếu không thì sao có thể thông minh tài giỏi như vậy. Mỗi ngày đều có thể ra bài hay, nếu không phải thiên tài bẩm sinh thì sao có thể có năng lực như vậy?
Trong lúc tôi đang vạn phần ngưỡng mộ thì phát hiện một điều, cô ấy đã kiên trì viết hơn 10 năm nay. Cũng vì có kinh nghiệm, ngôn từ cũng như góc nhìn phong phú được tích luỹ lâu năm cho nên khi gặp bất cứ vấn đề gì cô ấy đều nhẹ nhàng “hạ bút thành văn”, viết ra cả mấy ngàn từ đi vào lòng người.
Khi tôi tìm hiểu kĩ thêm thì phát hiện, cô ấy đã nhiều năm làm biên tập và tiếp xúc công việc liên quan đến văn học lâu năm. Mỗi ngày cô ấy đều kiên trì đọc rất nhiều sách, đọc rất nhiều bài viết hay của mọi người. Hoá ra thành công của cô ấy ngày hôm nay chính là thành quả không ngừng tích luỹ trong suốt những năm qua.
***
Thành công chính là một quá trình tuần hoàn không ngừng tiến lên phía trước của một người. Vậy nên mới nói rằng, có hai kiểu người. Một là những người không ngừng tích luỹ kinh nghiệm để tiến lên phía trước và gặt hái thành công. Kiểu người còn lại thì thường khi gặp trở ngại là buông tay bỏ cuộc.
Lại có câu nói rằng: Chỉ cần bạn làm một nghề nào đó đủ lâu, bạn sẽ thành chuyên gia của nghề ấy.
Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy những phút giây huy hoàng của người diễn giả trên khán đài với hàng chục nghìn người lắng nghe. Nhưng lại không nhìn thấy những tháng ngày vất vả, đêm hôm miệt mài một mình độc thoại trước gương của họ.
Chúng ta chỉ nhìn thấy một người lãnh đạo, một giám đốc bán hàng xinh đẹp và thành công trên thương trường, nhưng lại không nhìn thấy những đêm thức trắng mày mò học hỏi từng con ốc. Chúng ta không nhìn thấy những buổi tan ca rồi vội vội vàng vàng cơm chả kịp ăn để kịp giờ học lớp tâm lý của họ.
Chúng ta chỉ có thể thấy được những bài báo với tư duy lập luận sắc bén, những đề tài nóng hổi cuốn hút người đọc, nhưng lại không nhìn thấy được sự miệt mài phấn đấu hơn 10 năm của họ.
Chúng ta ngưỡng mộ những gia đình hạnh phúc đầm ấm, với ánh mắt thân thương, quan tâm săn sóc lẫn nhau. Nhưng có biết rằng để có được điều đó thì cần đổi lại những hi sinh, công hiến và trách nhiệm của mỗi một thành viên trong gia đình ấy ra sao.
Quả vậy, trên đời này không hề có chuyện một bước lên tiên. Mọi thành công và phần thưởng, chỉ dành cho những ai nỗ lực cố gắng hết mình.
Theo ĐKN