TQ: Lượng lớn người dân thất nghiệp, thành phố Đại Liên cạn kiệt tài chính
Gần đây, Epoch Times đã thu được một loạt tài liệu nội bộ từ chính quyền thành phố Đại Liên cho thấy, thành phố phía Đông Đắc Trung Quốc đang bế tắc về tài chính.
Tình hình này trở nên trầm trọng hơn trước những chi phí phục vụ cho công tác chống dịch bệnh COVID-19.
Trong một tài liệu chính thức được công bố ngày 21/5/2020, Cục Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn, Quận Phổ Lan Điếm thành phố Đại Liên cho hay: “Đặc biệt đề nghị chính quyền quận cho phép vay 1,6 triệu nhân dân tệ, từ quỹ duy trì ổn định thuộc Bộ Thư từ và Thăm viếng (Letters and Visits Department) của quận, từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2020. Ngân quỹ sẽ được trao tới các doanh nghiệp nhà nước, để đáp ứng bảo hiểm và phúc lợi cho công nhân xây dựng tại địa phương”.
Các vấn đề về bảo hiểm và phúc lợi tại Trung Quốc thường được biết đến qua thuật ngữ “5 bảo hiểm 1 quỹ” bao gồm:
- Bảo hiểm hưu trí
- Bảo hiểm y tế
- Bảo hiểm thất nghiệp
- Bảo hiểm tai nạn lao động
- Bảo hiểm thai sản và quỹ dự phòng nhà ở.
“Duy trì ổn định” là cách nói giảm nói tránh của chính quyền Trung Quốc, nhằm nỗ lực đàn áp những cá nhân bất đồng chính kiến, và duy trì sự bình ổn cho ĐSTQ.
Cục quản lý nhà ở là một cơ quan do chính phủ nắm giữ quyền lực chính trị. Hiện cơ quan này đang dần cạn kiệt tài chính, điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn tài chính đang diễn ra tại thành phố Đại Liên.
Trong tài liệu, cục quản lý nhà ở cam kết sẽ “trả lại khoản nợ [từ quỹ duy trì ổn định] đúng hạn”, với 2 điều kiện tiên quyết:
- Thứ nhất, tòa án phải mở khóa tài khoản ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước.
- Thứ hai, kho bạc địa phương sẽ chi trả phí bảo trì xây dựng thành phố.
Đại dịch Covid-19 đã có tác động rất lớn đến tài chính của ĐCSTQ. Theo các quan chức, doanh thu tài khóa của quốc gia lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vào tháng 3, con số này đã giảm 26,1% so với năm 2019.
Mặc dù chính quyền thành phố Đại Liên chưa công bố dữ liệu tài chính cho năm 2020, nhưng họ ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp, và doanh nghiệp lớn đã giảm 62,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2020.
Chính quyền Trung Quốc nhận định, các doanh nghiệp lớn là những thực thể có doanh thu kinh doanh chủ đạo từ 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,89 triệu USD) trở lên.
14% dự án xây dựng bị trì hoãn
Theo tài liệu từ Cục quản lý nhà ở, báo cáo về các dự án được phê duyệt tiếp tục thực hiện cho biết: Tính đến ngày 29/3, có tổng cộng 543 dự án nhà ở – 61 trong số đó là các dự án mới khởi công, và 482 dự án còn lại là đang trong quá trình xây dựng.
Trong số các dự án tiếp tục thực hiện, chỉ có 409 dự án được phê duyệt. Số dự án còn lại rơi vào các nhóm không an toàn (6 dự án), trì hoãn dài hạn (29 dự án), không có ý định tiếp tục (13 dự án) và không thể tiếp tục (19 dự án), nâng tổng số dự án tại thành phố bị bỏ dở lên đến 67.
Điều phối lao động nhập cư về Đại Liên
Tài liệu còn cho biết, tổng cộng có 2.365 công nhân nhập cư đã được điều phối về Đại Liên – quê nhà của họ, trong thời gian xảy ra đại dịch để làm việc cho các dự án địa phương. Điều này đồng nghĩa rằng người lao động nhập cư không thể tìm được việc làm tại các khu vực thành thị nơi họ chuyển đến.
Điều này phản ánh rằng đại dịch hiện nay đã cản trở nghiêm trọng đến sự phục hồi của thị trường lao động.
Đại dịch đã gây ra tình trạng thiếu hụt về cả kinh phí, và lao động với chính quyền thành phố Đại Liên, và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục thi công các dự án xây dựng của thành phố.
Ngày 17/3, Văn phòng Thương mại Đại Liên đã ban hành một thông báo nhấn mạnh rằng, doanh số bán lẻ đã giảm 25,1% trong tháng 1 và tháng 2.
Báo cáo chỉ ra những tác động bất lợi của đại dịch đối với thương mại và lưu thông hàng hóa: “Diễn biến của đại dịch vẫn chưa rõ ràng, môi trường kinh tế bên ngoài hỗn loạn, và sự phát triển của các doanh nghiệp bị hạn chế bởi nguồn tiền thuê, lao động và hậu cần”.
Một loạt báo cáo đặc biệt về thuế, do Cơ quan thuế quận Phổ Lan Điếm phát hành cho thấy: Xuất khẩu và thuế đã bị tác động tiêu cực bởi đại dịch.
“Do ảnh hưởng từ đại dịch, giá trị xuất khẩu tháng 2 đã giảm 23.99 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm 2019, tức là giảm 37.26%”, và tình hình xuất khẩu năm nay không mang lại tín hiệu khả quan, báo cáo cho biết.
Một cuộc khảo sát 15 công ty đóng thuế quan trọng trong khu vực cho thấy, mặc dù có đến 73,33% công ty tiếp tục hoạt động sản xuất, nhưng phần lớn vẫn thua lỗ trong năm 2020. Chỉ có 4 công ty làm ăn có lãi trong quý 1, và 2 trong số đó là có sự gia tăng về lợi nhuận và thuế so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, còn có hàng loạt các tài liệu nội bộ khác từ chính quyền thành phố Đại Liên cho thấy: Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn cấp bách về kinh tế và tài chính.
Việt Anh (Theo Epoch Times)