Tổng thống Nga ký sắc lệnh tạm ngừng các chuyến bay đến Ai Cập
Khi ngày càng nhiều thông tin cho thấy chiếc Airbus A321 bị khủng bố, Tổng thống Nga đã thông qua đề xuất tạm ngừng các chuyến bay đến Ai Cập và văn bản luật này có hiệu lực từ ngày 8/11.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/11 nhất trí với đề xuất ngừng các chuyến bay đến Ai Cập tới khi nguyên nhân khiến chiếc máy bay A321 rơi được làm rõ của Ủy ban chống khủng bố quốc gia.
“Các hãng hàng không Nga tạm thời bị cấm thực hiện các chuyến bay gồm cả thương mại từ Nga tới Ai Cập, ngoại trừ các chuyến bay được ủy quyền đưa các công dân tới với những mục đích liên quan đến công việc“, Itar Tass dẫn bản thông báo trên cổng thông tin chính thức về văn bản luật cho hay.
Cũng theo sắc lệnh này, Bộ Ngoại giao Nga phải phối hợp với phía Ai Cập đảm bảo sự an toàn của các công dân và thực hiện tất cả các biện pháp để đưa các công dân Nga ở Ai Cập trở về cùng hành lý của họ.
Trong khi đó, Nga hôm 7/11 đã đưa 44 máy bay đến Ai Cập để đưa công dân đang du lịch bên bờ Biển Đỏ về nước khi ngày càng nhiều thông tin cho thấy chiếc Airbus A321 bị khủng bố. Trong đó 30 chiếc đến Hurghada và 14 chiếc khác tới Sharm el-Sheikh, nơi chiếc phi cơ xấu số khởi hành hôm 31/10.
Chính quyền London cũng sẽ tăng cường các chuyến bay hồi hương và dự kiến đưa hơn 2.000 công dân Anh về nước trên 9 chuyến bay trong ngày 8/11, các quan chức Anh ở sân bay Sharm el-Sheikh cho biết. Tuy nhiên nhiều du khách có thể phải đợi ít nhất 10 ngày.
Chuyến bay 9268 của hãng Kogalymavia hôm 31/10 rơi sau hơn 20 phút cất cánh từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập tới thành phố St. Petersburg, Nga. Toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng. Đây được coi là thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất của Nga.
Chi nhánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng ở Ai Cập tuyên bố đứng sau vụ việc này. Các điều tra viên của Ai Cập hôm 8/11 cho biết, họ tin rằng chiếc máy bay gặp nạn do bị đặt bom trên khoang.
Tờ Telegraph cùng ngày đưa tin, trong đoạn trao đổi mà các tình báo Anh nghe lén được, các phiến quân nghi liên quan đến vụ gài bom máy bay Nga nói giọng London và Birmingham.
Tờ báo cho biết thông tin đặt ra giả thuyết các phiến quân thánh chiến người Anh được đào tạo ở Syria có thể đã tham gia hỗ trợ vụ đặt bom. Tuy nhiên tờ báo cũng khẳng định chưa thể kết luận những kẻ này có thực sự là công dân Anh hay không.
New York Times cho biết, Cục điều tra liên bang Mỹ FBI cũng đã vào cuộc điều tra vụ rơi máy Nga sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama “xem xét nghiêm túc” việc máy bay bị đánh bom.
Sau Anh, Mỹ và Ai Cập, các quan chức Pháp cũng nghiêng về giả thuyết đánh bom máy bay.
Theo VnExpress, Tuổi Trẻ