Tiêm chủng chưa đến 6%, dịch Covid-19 tại Châu Phi vẫn giảm nhanh một cách khó hiểu
Khi dịch bệnh Covid-19 mới xuất hiện, các quan chức y tế thế giới đã lo ngại đại dịch sẽ quét qua châu Phi và giết chết hàng triệu người bởi đây là châu lục có điều kiện sống và y tế kém. Tuy nhiên, kịch bản bất ngờ đã xảy ra.
Theo hãng tin AP, dù chưa rõ số ca tử vong cuối cùng trong đại dịch sẽ là bao nhiêu, nhưng kịch bản thảm khốc trên vẫn chưa diễn ra ở Zimbabwe hoặc phần lớn châu Phi.
Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu, trong khi có chưa tới 6% người dân nơi đây được tiêm chủng.
Trong khi đó, tại các quốc gia có điều kiện sống tốt hơn, có cả vaccine ở châu Mỹ và châu Âu thì tỉ lệ tử vong lần lượt là 46% và 29%.
Tại một khu chợ sầm uất ở một thị trấn nghèo bên ngoài thủ đô Harare của Zimbabwe, anh Nyasha Ndou để khẩu trang trong túi, cùng với hàng trăm người không đeo khẩu trang khác chen lấn mua bán rau quả và trái cây bày trên bàn gỗ, tấm nhựa.
Câu chuyện về dịch Covid-19 tại đây cũng như ở phần lớn Zimbabwe đã nhanh chóng bị lãng quên. Anh Nyasha cho biết, các cuộc mít tinh chính trị, những buổi hòa nhạc và cuộc tụ họp tại gia đã quay trở lại. Covid-19 đã biến mất.
Trong các báo cáo hàng tuần về đại dịch, WHO đã mô tả châu Phi là “một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhất trên thế giới”.
Đầu tuần này, cả nước Zimbabwe không có trường hợp tử vong nào và chỉ ghi nhận thêm 33 ca mắc mới. Số liệu này phù hợp với sự sụt giảm gần đây của dịch Covid-19 trên khắp châu Phi. Theo WHO thì các ca nhiễm ở châu lục này đã giảm kể từ tháng 7.
Chủ nhiệm bộ môn y tế toàn cầu tại Đại học Columbia (Mỹ), bà Wafaa El-Sadr nhận định rằng, châu Phi không có vaccine và các nguồn lực để chống lại Covid-19 như ở châu Âu và Mỹ. Nhưng bằng cách nào đó, họ có vẻ đang sống tốt hơn.
Theo một số nhà nghiên cứu thì dân số của lục địa này rất trẻ, độ tuổi trung bình là 20 so với khoảng 43 ở Tây Âu. Tỷ lệ đô thị hóa tại lục địa này thấp hơn và người dân có xu hướng dành thời gian ở ngoài trời nhiều hơn, đây có thể là lý do giúp họ tránh được tác động của virus SARS-CoV-2 nhiều hơn.
Một số nghiên cứu khác đang thăm dò xem liệu có thể có những giải thích khác, bao gồm cả lý do di truyền hoặc quá khứ nhiễm các bệnh ký sinh trùng hay không.
Tại cuộc họp của Hiệp hội Y học nhiệt đới và vệ sinh Mỹ hôm 19/11, các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda cho biết, họ nhận thấy những bệnh nhân Covid-19 có tỉ lệ phơi nhiễm cao với bệnh sốt rét ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong hơn.
Biến chủng Delta ‘tự hủy’ kỳ lạ ở Nhật Bản
Không chỉ châu Phi khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy khó hiểu, mà Nhật Bản cũng khiến thế giới ngạc nhiên. Trong khi đa số quốc gia phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Hàn Quốc và một số nước EU đều đang đối mặt làn sóng dịch kế tiếp thì Nhật Bản hoàn toàn ngược lại, dịch Covid-19 tại đất nước này cũng đột ngột suy yếu.
Điều này mới đây được ông Ituro Inoue, Giáo sư Viện Di truyền quốc gia (Nhật Bản) lý giải là do biến chủng Delta của Covid-19 tại quốc gia này đã ‘tự hủy diệt’.
“Trong quá trình các đột biến của Delta được tích lũy, chúng tôi cho rằng virus chuyển thành phiên bản lỗi và mất đi khả năng tự sao chép. Dựa trên thực tế là số ca Covid-19 không tiếp tục tăng, có thể đến một thời điểm, các đột biến đã đẩy virus đến tình trạng gọi là ‘tuyệt chủng tự nhiên’”, The Japan Times dẫn lời ông Inoue cho biết.
Giả thuyết của Giáo sư Inoue được cho là có thể giải thích nguyên nhân dịch bệnh đột ngột suy yếu tại Nhật Bản. Nó cũng có thể mang đến lời giải thích tại sao đợt bùng phát dịch SARS đột ngột chấm dứt vào năm 2003.
Vũ Tuấn (t/h)