Thứ trưởng Bộ Công an TQ ‘ngã ngựa’, cảnh sát cấp dưới hả hê, nhà tù phát loa ăn mừng
Ngày 2/10/2021, Phó Chính Hoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc bị giám sát điều tra. Ngay sau đó các cảnh sát cấp cơ sở đã công khai bình luận tỏ thái độ lên án ‘sếp cũ’ và hả hê trước kết cục của ông. Có nhà tù còn mở loa ăn mừng.
Ngày 2/10, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo Phó Chính Hoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiêm Cục trưởng phòng 610, bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật.
Ông Phó đang bị xem xét kỷ luật, giám sát và điều tra. Cùng ngày, Bộ Tư pháp ĐCSTQ, hệ thống tư pháp và Bộ Công an Bắc Kinh đã khẩn cấp tuyên bố “quét sạch những ảnh hưởng xấu mà Phó Chính Hoa lưu lại.”
Sau tin Phó Chính Hoa ‘ngã ngựa’, nhiều luật sư, nhà hoạt động nhân quyền và những người làm truyền thông ở đại lục cho biết họ rất vui mừng. Khi ông Phó trở thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hoàn cảnh sống của các luật sư Trung Quốc trở nên vô cùng khó khăn. Ông ta đã trực tiếp tham gia vào các vụ bắt giữ những luật sư nhân quyền, và cũng bị cáo buộc là một trong những thủ phạm bức hại luật sư Cao Trí Thịnh.
Luật sư Lưu Hiểu Nguyên, người bị hủy giấy phép hành nghề, đã tweet hỏi: “Ngày 10/7/2015, khi Phó Chính Hoa chỉ huy bắt giữ Luật sư Chu Thế Phong, Luật sư Hoàng Lực Quân… thì ông ta có nghĩ đến ngày bản thân bị ngã ngựa không?”
Sếp cũ ‘ngã ngựa’ hạ cấp hả hê vui mừng
Ngay cả cảnh sát cơ sở và hệ thống nhà tù của ĐCSTQ cũng hả hê trước tin ông Phó bị điều tra. Theo truyền thông Trung Quốc, tại một nhà tù ở phía Nam, trên loa phát rằng “hôm nay (2/10) là một ngày tốt lành”, mang đầy không khí vui mừng.
Cao Du – một phóng viên truyền thông có thâm niên đã đăng lại trên Twitter bài bình luận về sự kiện Phó Chính Hoa ‘ngã ngựa’ trên trang ‘Thủy mẫu chân tham xã’ của sở cảnh sát Bắc Kinh và trang ‘Cao tường tứ giác đích thiên không’ của hệ thống nhà tù.
Nội dung bình luận cho thấy, những cảnh sát cơ sở và cảnh sát trại giam gần như vỗ tay cổ vũ, dùng các câu như “quan lại tàn ác” và “côn đồ chính trị” để miêu tả “sếp cũ”. Sau đây là một số bình luận:
“Những người vì muốn leo lên cao bằng thành tích chính trị của bản thân, mà không chút kiêng dè chèn ép cảnh sát cấp dưới sẽ không có kết cục tốt đẹp.”
“Mũ áo quan đều nhuốm máu tươi thì sớm muộn gì cũng gặp quả báo.”
“Những sáng kiến của ông ta đã hại biết bao cảnh sát phải nhà tan cửa nát. Báo ứng rốt cuộc đã tới, đúng là hả hê lòng người!”
“Trên con đường thăng quan của hắn đã có biết bao anh em tư pháp và hành chính bị hãm hại.”
“Trong thời gian làm bộ trưởng bộ tư pháp, ông ta đã dày vò hệ thống trại giam và cai ngục vô cùng thống khổ. ‘Ban trực trừng mắt’ do ông ta phát minh ra đã khiến hàng trăm cảnh sát đột tử mỗi năm.”
“Một năm trở lại đây, việc cai ngục trong đơn vị tôi đột ngột qua đời là chuyện thường.”
Có thông tin cho rằng, khi Phó Chính Hoa trở thành Bộ trưởng Bộ Tư pháp, một vụ vượt ngục đã xảy ra tại nhà tù số 3 Lăng Nguyên, tỉnh Liêu Ninh. Sau đó cuộc cải chính nội bộ bắt đầu. Ông Phó bắt buộc thực hiện “ban trực trừng mắt” trong các nhà tù và hệ thống cai nghiện ma túy trên toàn quốc. Nghĩa là, tất cả các giường trực của trại giam đều bị dỡ bỏ, cảnh sát không được phép ngủ và họ phải nhìn chằm chằm vào tù nhân suốt 24 giờ để ngăn chặn tội phạm trốn thoát.
Trong một thời gian ngắn, vấn đề “bỏ giường hay không bỏ giường” trở thành tiêu chuẩn đánh giá đối với các đơn vị và công an cơ sở. “Không bỏ giường thì từ chức” đã trở thành câu khẩu hiệu thời thượng. Để chứng tỏ sự tán đồng với Phó Chính Hoa, một số đơn vị đã công khai đập giường nơi công cộng.
Sau khi phổ biến “ban trực trừng mắt” đã có nhiều cai ngục bị đột tử vì nhiều đêm không ngủ. Trên các phương tiện truyền thông cũng có những bài báo đưa tin, nhiều quản giáo đã mua “bảo hiểm đột tử”. Khi tin tức đến tai Phó Chính Hoa, ông ta nói rằng: “Thể chất của cảnh sát trong trại giam quá kém. Tại sao lại chết khi đang làm nhiệm vụ?”
Bức hại Pháp Luân Công bị tố cáo lên 29 chính phủ
Phó Chính Hoa cũng là một thủ phạm quan trọng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ông phó từng là Phó trưởng Nhóm lãnh đạo 610 Trung ương, Chủ nhiệm “Phòng 610” Trung ương (tổ chức chuyên trách bức hại Pháp Luân Công).
Để đối phó với làn sóng “kiện Giang” của các học viên Pháp Luân Công, “Phòng 610” Trung ương đã ban hành chỉ thị bắt giữ, giam giữ và kết án các học viên tham gia vào việc kiện Giang.
Bắt đầu từ tháng 2/2017, Trung ương “610” đã phát động chiến dịch “gõ cửa” trên toàn quốc đối với các học viên Pháp Luân Công. Việc sách nhiễu và bức hại này đã được Bộ Công an triển khai và các đồn công an cơ sở, cộng đồng dân cư, cấp ủy khu phố, thôn thực hiện. Một lượng lớn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc, lục soát, kết án, và thậm chí bị bức hại đến chết.
Trang Minh Huệ Net đưa tin, vào tháng 1/2021, lý lịch cá nhân và hồ sơ bức hại Pháp Luân Công của ông Phó Chính Hoa đã bị các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài tố cáo lên 29 chính phủ, yêu cầu các chính phủ áp dụng các biện pháp trừng phạt ông Phó và gia đình theo quy định của pháp luật, bao gồm việc cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài…
Tử Vi (Theo NTDTV)