Thêm 2 máy bay dân dụng Trung Quốc đáp xuống Trường Sa
Hôm 6/1, lại có thêm hai máy bay dân dụng của Trung Quốc đáp xuống một đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Theo Tân Hoa Xã, hai chiếc máy bay nói trên đã cất cánh từ sân bay Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam và đã đáp xuống sân bay mà Trung Quốc đã xây dựng trên Đá Chữ Thập, mà Bắc Kinh gọi là Vĩnh Thử tiêu, rồi sau đó đã bay trở về Hải Khẩu trong buổi chiều.
Tân Hoa Xã cho biết: “Chuyến bay thử nghiệm thành công này chứng minh là sân bay có đủ khả năng bảo đảm hoạt động an toàn cho các máy bay dân dạng cỡ lớn”.
Hôm Thứ Bảy (2/1), lần đầu tiên, Trung Quốc đã cho một máy bay dân dụng đáp xuống sân bay trên Đá Chữ Thập “nhằm xác định xem sân bay này có phù hợp tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 2/1 khẳng định việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ phản đối của Việt Nam, cho rằng hoạt động này “hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.
Về phía Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về vụ bay thử nghiệm ra sân bay trên Đá Chữ Thập, cho rằng Trung Quốc “đã làm căng thẳng thêm trầm trọng” ở khu vực biển Đông.
Giới quan sát cho rằng các đường băng do Trung Quốc xây dựng đủ dài để các máy bay ném bom tầm xa, các chiến đấu cơ tốt nhất của Bắc Kinh cùng máy bay vận tải có thể hoạt động.
Đường băng ở đá Chữ Thập do Trung Quốc xây dựng có chiều dài 3.000 m, là một trong ba đường băng Bắc Kinh thực hiện trái phép. Trung Quốc từ 2014 đã cải tạo và xây dựng ở ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo vnexpress.net