Thảm kịch phía sau ngôi mộ tập thể trong trường đại học ở Anh
Các nhà khảo cổ xác nhận những bộ xương chôn trong ngôi mộ tập thể ở miền bắc nước Anh thuộc về tù binh Scotland, trong đó có những trẻ em mới 13 tuổi.
Sử dụng phân tích khoa học và ghi chép lịch sử, nhóm nghiên cứu kết luận những người nằm dưới ngôi mộ trong khuôn viên Đại học Durham là binh lính Scotland bị bắt trong trận chiến Dunbar năm 1650 và sau đó chết ở Durham do điều kiện khó khăn.
Các nhà khảo cổ ở Đại học Durham phía bắc nước Anh tìm thấy ngôi mộ tập thể khi đang chuẩn bị xây dựng một quán café ở thư viện trường. Ngôi mộ chứa ít nhất 17 bộ xương và con số thực tế có thể lên đến 29.
Theo trang web Đại học Durham, khoảng 1.700 binh lính Scotland đã chết vì đói, bệnh tật và cảm lạnh sau khi đi bộ hơn 1.600 km từ đông nam Scotland đến Durham ở đông bắc nước Anh, nơi họ bị giam cầm trong lâu đài và nhà thờ Durham.
Các nhà khoa học dùng phương pháp xác định tuổi bằng phóng xạ cacbon và phát hiện hài cốt của những trẻ em và đàn ông này được chôn trong giai đoạn 1625-1660. Phân tích nguyên tố trong cơ thể chỉ ra họ chắc chắn là người Scotland. Sự tồn tại của những tẩu thuốc đất sét được sử dụng ở Scotland từ năm 1620 giúp nhóm nghiên cứu kết luận người bị chôn trong mộ là nam trong độ tuổi 13 – 25 và tất cả họ đều là tù binh từ trận chiến Dunbar.
Trận chiến Dunbar là một trong những trận chiến dữ dội và đẫm máu nhất trong cuộc nội chiến ở Anh thế kỷ 17. Trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ, đội quân của Oliver Cromwell đã đánh bại quân Scotland.
Theo nhà khảo cổ học Richard Annis ở Đại học Durham, có thể còn nhiều ngôi mộ tập thể khác từ trận chiến Durham dưới các tòa nhà trong khuôn viên trường.
Các sử gia ước tính có 300 – 5.000 người chết trong trận chiến. Anh bắt giữ 6.000 binh lính Scotland làm tù binh. Khoảng 1.000 lính Scotland chết trên đường từ Dunbar đến Durham vì đói, kiệt sức và bệnh tật. Anh hành quyết một lượng lớn tù binh và một số khác bỏ trốn, còn lại 3.000 người bị giam ở lâu đài và nhà thờ Durham.
Theo VnExpress