Tại sao người Mỹ lại thích xen vào những chuyện không phải của mình?
Vì sao người Mỹ thích xen vào việc không phải của mình? Dưới đây là bài viết nêu quan điểm cá nhân của một người Trung Quốc về người Mỹ.
Khoảng 5 năm trước, tôi vô tình trông thấy một quyển sách lậu về nền dân chủ Mỹ của tác giả Lưu Du bán trên vỉa hè. Tôi dịch thử vài trang và thấy cuốn sách vô cùng thu hút nên đã mua lại. Cả tuần sau đó cuốn sách luôn đi theo bên tôi.
Tác giả cuốn sách cho biết, ông được sống ở Mỹ 8 năm, tai nghe mắt thấy và cảm nhận từng chi tiết về nền dân chủ Mỹ. Cuốn sách không chỉ giúp tôi hiểu nước Mỹ, hiểu pháp luật Mỹ mà còn thay đổi suy nghĩ của tôi trong nhiều vấn đề về xã hội, lịch sử, công việc, cuộc sống.
Khi tôi đọc đến trang cuối cùng thì cũng là lúc ông sếp của tôi đi khảo sát ở Mỹ về. Ông ấy là người có tài ăn nói, nhiều khi khéo đến mức thái quá. Ví dụ khi họp, thường chỉ có 5 phút đầu tiên nói về vài việc chính của công ty, sau đó toàn những chuyện “trên trời dưới biển”.
Sau khi từ Mỹ trở về, suốt một thời gian dài ông ấy thích bàn chuyện nước Mỹ, có lẽ vì ấn tượng nước Mỹ để lại trong ông còn sâu đậm, cũng giống như tôi vừa đọc xong quyển sách do ông Lưu Du viết, đang rất tâm đắc. Thế là chúng tôi ngồi lại cùng nhau bàn chuyện nước Mỹ. Ông ấy tổng kết là người Mỹ thích xen vào chuyện của người khác, vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trên thế giới.
Ông kể chuyện một lần vào nhà vệ sinh công cộng xong rồi, đang quay người định bỏ đi thì bị một người da đen ngăn lại. Ông giật bắn cả mình, nhưng chỉ thấy người da đen kia sổ một tràng câu tiếng Anh rồi ấn vào cái nút xả nước. Sau một lúc ú ớ muốn giải thích thì thấy người da đen kia nhe bộ răng trắng tinh ra, để lại nụ cười thân thiện trước khi bỏ đi.
Ông ấy kể một lần đi dạo cùng người bạn thì được chứng kiến sự cố một chiếc xe tông vào đuôi một chiếc xe đi trước. Nhưng hai người lái xe không ai xuống xe mà ngồi nguyên trên xe gọi điện thoại, ông nghĩ có lẽ báo cảnh sát hoặc công ty bảo hiểm gì đó.
Lúc này lại có một chiếc xe đi đường dừng lại. Ông sếp của tôi hỏi rằng tại sao chiếc xe kia dừng lại, có phải để xem cảnh náo nhiệt không? Người bạn kia nói không phải, chiếc xe kia dừng lại để làm chứng, vì họ chứng kiến sự việc xảy ra.
Sếp của tôi quá ngạc nhiên, lòng thầm nghĩ người lái xe kia hoàn toàn có thể bỏ đi, sao phải dừng lại làm chứng việc không liên quan gì đến mình, không chỉ làm lỡ thời gian mà còn chuốc thù oán với người khác.
Sếp của tôi lại hỏi, vậy thì làm chứng có được trả thù lao không? Người bạn kia cười, trả lời rằng “một đồng cũng không có”. Việc ông ấy làm xuất phát từ ý thức trách nhiệm xã hội, vì ông ấy là người chứng kiến sự cố xảy ra.
Đây chính là tính cách thích xen vào việc không phải của mình của người Mỹ. Vì thế nếu bạn đến Mỹ phải thật thận trọng, nói không chừng nếu để bọn trẻ nhà mình nói to cũng sẽ có người báo cảnh sát.
Tôi từng được xem một video trên mạng quay cảnh ở trong nhà hàng ăn, một bà mẹ người Hoa quát mắng đứa con gái vì chỉ được điểm A-, kết quả khiến nhiều người xung quanh khó chịu. Sau đó một nhóm người Mỹ tới nói chuyện lý lẽ với người mẹ kia, cuối cùng bà mẹ đã phải xin lỗi con gái của mình.
Người Mỹ thường không bàng quan khi chứng kiến những hành vi trái đạo lý, chỉ cần thấy có người cần giúp là họ sẽ ra tay giúp đỡ, nét văn hóa này đã trở thành ý thức phổ biến của đa số người Mỹ, có thể gọi là “văn minh của những ông chủ”.
Loại tinh thần này không chỉ có trong bối cảnh văn hóa tôn giáo của Mỹ, quan trọng hơn là họ thực sự có địa vị là người chủ xã hội trong đời sống, đây là lý do giải thích cho văn hóa thích xen vào chuyện người khác của người Mỹ.
Nét văn hóa này cũng được người Mỹ áp dụng ở phạm vi quan hệ quốc tế. Nhiều người dân các nơi khác trên thế giới cảm thấy khó hiểu trước cách hành xử này của họ, đặc biệt là ở những nước mà người dân có tính cách ích kỷ, chỉ biết tới bản thân mình.
Có nhiều người Trung Quốc nói, khi đến Mỹ họ thường cảm thấy nhịp điệu cuộc sống diễn ra nhanh, những đô thị luôn lấp lánh ánh đèn, nhân tính lạnh nhạt, ý thức về gia đình yếu ớt, cuộc sống tình dục cởi mở, mọi người chi tiêu mạnh tay, dường như tiền là Thượng đế…
Nhưng điều này cũng phần nào tương đồng với tình trạng xã hội Trung Quốc hiện nay. Mọi người có thể đọc kỹ cuốn “Nền dân chủ Mỹ” do ông Lưu Du viết để cảm nhận sâu sắc hơn. Vì người Mỹ luôn tự cho mình là chủ nhân của thế giới nên họ thích xem vào chuyện không phải của mình, cho dù phải trả giá bằng mạng sống của nhiều lính Mỹ (trong chiến tranh Triều Tiên, Iraq…).
Các bộ phim Mỹ cũng thường trăn trở về tâm bệnh này của họ. Tại sao họ lại không thể thay đổi tính cách này? Tại sao người Mỹ cứ mãi phải xen vào những chuyện của người khác, thấy bất bình là lập tức ra tay?
Nhiều nước cho rằng sự kiện khủng bố 11/9 là do người Mỹ tự chuốc lấy, thậm chí nhiều người cho rằng chuyện tốt hay xấu của người khác phải để nước họ tự quyết định… Hãy nhìn lại bối cảnh thời đầu Thế chiến thứ hai, khi đó người Đức thống trị châu Âu, người Nhật thống trị châu Á, và người Mỹ khi đó cũng ích kỷ bàng quan. Nhưng cuối cùng Nhật đã đánh úp Mỹ trong trận Trân Châu Cảng.
Có lẽ đây là bài học người Mỹ học được: Nếu thấy chuyện bất bình mà không ra tay thì cuối cùng chính mình cũng bị tổn hại. Người Mỹ tham chiến đã giúp thế lực quân đồng minh hùng mạnh và nhanh chóng tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít. Chẳng lẽ trước chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cũng không nên xen vào? Vì thế, chuyện chống khủng bố của người Mỹ hiện nay cũng có đạo lý như thế.
Trước đây, khi người Trung Quốc bị Nhật Bản xâm hại thì người Mỹ đã ra tay giúp đỡ. Thực tế, những người bị hại, họ chỉ muốn có người ra tay cứu giúp họ, có người sẵn sàng ra tay vì chuyện bất bình giúp họ, bất kể đó là người nước ngoài hay người ngoài hành tinh…
Có một thời gian dài tôi băn khoăn về câu chuyện người Mỹ sau khi đánh Iraq xong thì bỏ đi, không chiếm một giọt dầu nào của Iraq, trong khi vô số lính Mỹ tử trận. Nhưng rồi sau đó tôi mới hiểu, hành động của người Mỹ bề ngoài tưởng như ngu ngốc nhưng kỳ thực họ là những người thông minh nhất, vì họ luôn lên tiếng vì chuyện bất công ở những nơi khác mà được cả thế giới tôn trọng và tin tưởng.
Dù kinh tế quốc nội Mỹ như thế nào thì đồng đô la Mỹ vẫn mạnh, thế giới vẫn tranh nhau mua. Có thể thấy, thế giới không thể xa rời người anh hùng thích xen vào việc của người khác này, đây cũng là lý do giải thích vì sao nước Mỹ có thể hùng mạnh lâu dài như thế.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tinh Hoa.
Theo Daikynguyenvn