“Sự thật phũ phàng” đằng sau bộ phim tài liệu gây sốt tại Trung Quốc
Nếu sống tại Trung Quốc mà chưa nghe, chưa biết về bộ phim tài liệu “Dưới Mái Vòm” (Under the dome), thì có lẽ bạn là người “ngoài hành tinh”. Bộ phim tài liệu về môi trường này đã làm dậy sóng dư luận tại Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Bộ phim tài liệu với độ dài gần hai giờ đồng hồ, đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, do một phóng viên truyền hình nổi tiếng sản xuất, được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet từ khi xuất bản vào Thứ Bảy (28/2), thu hút hơn 100 triệu lượt xem chỉ trong hai ngày, khuấy động những cuộc tranh luận dữ dội tại Trung Quốc.
Dưới đây là 5 sự thật đằng sau bộ phim gây tiếng vang lớn này:
Tin giật gân trong đêm
Bộ phim được dàn dựng tài tình thể hiện hình ảnh nhà báo Sài Tĩnh (Chai Jing) dẫn nhập và trình bày một câu chuyện trọn vẹn qua những lát cắt được đẩy nhanh nhịp độ theo bước chân cô đi khắp Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới, để tìm câu trả lời cho ba câu hỏi: Khói mù là gì? Chúng đến từ đâu? Và làm sao để giải quyết vấn đề này?
Mức độ ô nhiễm tồi tệ vẫn tiếp diễn khiến phần lớn Trung Quốc rơi vào tình trạng ngột ngạt. Và sự xuất hiện của đoạn phim này đã đánh trúng tâm lý của khán giả, vì vậy chỉ trong vòng 2 ngày ngắn ngủi, không khó khăn gì khi nó có thể thu hút đến 100 triệu lượt xem, một con số cực kỳ ấn tượng dù rằng Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhiều cư dân mạng đã so sánh bộ phim này với “An Inconvenient Truth” (Sự thật phũ phàng), bộ phim tài liệu đạt giải Oscar nói về nỗ lực của Phó Tổng thống Mỹ là Al Gore trong việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
‘Nữ thần’ phiên bản 2.0
Trước đó, Sài Tĩnh, 39 tuổi, đã là cái tên quá quen thuộc với khán giả nhờ vào công việc của cô tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), đài truyền hình quốc gia do nhà nước quản lý.
Là người dẫn chương trình kỳ cựu của CCTV, đồng thời cũng là một phóng viên điều tra, Sài nổi bật hơn so với các đồng nghiệp do cô chuyên trách các chủ đề nhạy cảm, từ môi trường tới đồng tính luyến ái, đây đều là những chủ đề mà các nhà báo hoạt động trong môi trường truyền thông nhà nước đều phải tránh né để không “rước họa vào thân”.
Trầm tĩnh nhưng kiên trì trong cách chọn bài và giới thiệu nó đến khán giả đã đã giúp cô chinh phục trái tim người hâm mộ cả nước. Họ gọi cô là ‘Nữ thần’ vì phong thái thanh lịch và thông minh khi xuất hiện trên tivi. Rất nhiều khán giả xem cô là người tiên phong cho tầng lớp trí thức tự do của đất nước.
Sau khi cho ra đời cuốn tự truyện bán chạy nhất kể về khoảng thời gian làm việc tại CCTV, Sài nghỉ việc vào năm ngoái để chăm sóc con gái đầu lòng của mình bị ung thư khi vừa mới sinh ra.
Lý tưởng cao đẹp …
Câu chuyện được chính Sài bỏ tiền đầu tư, và cô cố gắng đào sâu khai thác theo lối tự sự của một bà mẹ lo lắng cho sức khỏe của con, tham gia vào cuộc chiến chống lại khói mù. Với các mối quan hệ có được khi còn làm việc tại CCTV, cô đã gặp gỡ và phỏng vấn những viên chức chính phủ quản lý môi trường và năng lượng, cùng với các chuyên gia ở Trung Quốc. Điều đáng ngạc nhiên là cô nhận được những câu trả lời rất thẳng thắn.
Trong phim, người ta không rõ ai là anh hùng, nhưng nhân vật phản diện lại được khắc họa rất rõ nét.
Một cựu kỹ sư trưởng của Tập đoàn dầu khí nhà nước là Sinopec phủ nhận cáo buộc của Sài về việc ngành công nghiệp hùng mạnh của ông đã tự giám sát các tiêu chuẩn môi trường, đồng thời buộc các quan chức liên quan không được hé răng. Bộ phim cho thấy ông là người nên có trách nhiệm với xã hội hơn.
Lần theo dấu vết từ những nguyên nhân chính sinh ra các chất ô nhiễm nhỏ và nguy hiểm tại Trung Quốc, đến việc sử dụng và khai thác năng lượng cực kì kém hiệu quả, Sài nhìn thấy giải pháp trong việc tháo dỡ những lợi ích cố hữu của những người hoạt động trong ngành năng lượng quốc gia. Cô cũng kêu gọi người dân giảm thiểu việc phụ thuộc vào xe ô-tô, đồng thời chủ động hơn trong việc tố cáo những tập đoàn, công ty gây ô nhiễm.
Những người nổi tiếng và khán giả bình thường vô cùng khâm phục người phụ nữ này, một số người cho biết họ đã không cầm được nước mắt. Trong rất nhiều đường link chia sẻ bộ phim, người ta ca ngợi sự dũng cảm của Sài khi cô dám đề cập đến một vấn đề nhạy cảm, và giúp công chúng trên diện rộng nhận thức được vấn đề đó.
… hay vở kịch chính trị?
Một đoạn thông điệp cảm kích dành cho Sài từ vị tân Bộ trưởng Bảo vệ môi trường, người mới được bổ nhiệm một ngày trước đó, đã làm tăng sự nghi ngờ của giới phê bình, những người cho rằng đoạn phim này không khác gì hơn một động thái tô vẽ cho chính phủ.
Họ đưa ra dẫn chứng là những bài viết đánh giá tích cực về đoạn phim của Sài được các phương tiện truyền thông nhà nước công bố trên mạng, trong đó có bài phỏng vấn người phụ nữ này trên website của tờ Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Về thời gian, đoạn phim được phát hành chỉ vài ngày trước phiên họp quốc hội hàng năm của Trung quốc, trong đó các nhà lập pháp đã được phân công nhiệm vụ thông qua chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cập Bình. Vị Chủ tịch đã tuyên bố, việc giữ bầu trời xanh của đất nước là ưu tiên hàng đầu …
Một số người cho rằng ngành công nghiệp năng lượng mới là mục tiêu chính trị thực sự, vì chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã giăng lưới một quan chức lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực dầu mỏ.
Những người khác nhìn nhận đoạn phim này là một chiến dịch tuyên truyền để bắt đầu sa thải hoàng loạt quan chức trong ngành các công nghiệp kém hiệu quả, từ đó chính phủ có thể tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.
Điểm mấu chốt
Những nghi vấn liên quan đến tính khoa học của đoạn phim cũng được đặt ra, trong đó là mối liên hệ dường như đã được mặc định giữa khói mù và khối u của con gái Sài.
Sau đó, những nhận định trái chiều xung quanh đoạn phim dường như đã khiến hệ thống kiểm duyệt dày dạn của Trung Quốc không kịp trở tay. Những tranh luận gay gắt sôi sục lan truyền nhanh chóng trên mạng, trong đó có cả việc đổ lỗi cho sự thiếu trách nhiệm của hệ thống chính trị Trung Quốc.
Đến cuối đêm Chủ Nhật (1/3), dù video vẫn được phát trực tuyến, nhưng tất cả các bình luận liên quan đều bị gỡ bỏ khỏi trang chủ và các trang tin tức.
Khi những cuộc thảo luận liên quan được chuyển sang các trang mạng truyền thông xã hội, vấn đề chính đã được nêu ra: nên yêu hay ghét bộ phim này. Bộ phim của Sài đã khuấy động một cuộc tranh luận quan trọng tại một đất nước mà chính quyền kiểm duyệt chặt chẽ các dữ liệu về tình trạng ô nhiễm.
Một số cư dân mạng đã so sánh hiện tượng về “Dưới mái vòm” với cuộc tranh luận cũng đang diễn ra sôi nổi liên quan đến một “chiếc áo đầm”. Chúng ta tranh luận về màu sắc của chiếc áo, nhưng lại không biết mục đích thực sự đằng sau cuộc tranh luận này.
Thanh Phong – Dịch từ CNN